icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c

Kháng thể IgA là gì? Vai trò và chức năng của kháng thể IgA đối với sức khỏe

Phạm Uyên27/05/2025

Hàng ngày, cơ thể chúng ta tiếp xúc với vô số vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh từ không khí, thức ăn và nước uống. May mắn thay, hệ miễn dịch luôn âm thầm bảo vệ ta khỏi những nguy cơ ấy. Trong số các “chiến binh” miễn dịch, kháng thể IgA nổi bật với vai trò bảo vệ hàng rào niêm mạc – nơi đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vậy kháng thể IgA là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy?

IgA (Immunoglobulin A) là một trong năm loại kháng thể chính của hệ miễn dịch, đóng vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ các bề mặt niêm mạc như đường hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu khỏi sự xâm nhập của vi sinh vật. Không giống như IgG hay IgM lưu hành chủ yếu trong máu, IgA tập trung nhiều tại nước bọt, nước mắt, dịch ruột và các chất tiết khác. Tìm hiểu kháng thể IgA giúp ta hiểu rõ hơn về cơ chế phòng thủ tuyến đầu của cơ thể. Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu thêm về chủ đề “Kháng thể IgA là gì?” qua bài viết sau.

Kháng thể IgA là gì?

Kháng thể IgA là gì? Kháng thể IgA (Immunoglobulin A) là một trong năm loại kháng thể chính của hệ miễn dịch và đóng vai trò quan trọng như một “vệ sĩ” tại các cửa ngõ ra vào cơ thể như ruột, phổi và đường tiết niệu - sinh dục. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại ngay từ khi chúng mới xâm nhập vào các bề mặt niêm mạc. IgA là loại kháng thể được sản sinh với số lượng nhiều nhất, phản ánh vai trò đặc biệt quan trọng của nó trong việc duy trì sự cân bằng miễn dịch tại các vùng tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

khang-the-ig-a-la-gi 1
Kháng thể IgA là gì?

Sự sản xuất IgA là một quá trình phức tạp, chịu sự điều phối tinh vi của hệ thống miễn dịch. Các phân tử như CD40-CD40L và các cytokine như IL-4, IL-5, IL-6, IL-10 và IL-21 giúp kích hoạt tế bào T hỗ trợ (Th2), từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi lớp kháng thể sang IgA. Đáng chú ý, axit retinoic, một dẫn xuất từ vitamin A, cũng đóng vai trò cộng hưởng, kết hợp với các cytokine để tăng cường sản xuất IgA, từ đó củng cố “hàng rào bảo vệ” tại các bề mặt niêm mạc.

Vai trò và chức năng của kháng thể IgA đối với sức khỏe

Kháng thể IgA, đặc biệt là dạng IgA tiết (SIgA), là “tuyến phòng thủ” đầu tiên tại các bề mặt niêm mạc của ruột, phổi và các cơ quan khác. Chúng có mặt dày đặc trong dịch ruột và có nhiệm vụ ngăn chặn các tác nhân gây bệnh cũng như chất kích thích ngay tại điểm tiếp xúc đầu tiên với cơ thể. SIgA hoạt động bằng cách bao phủ và vô hiệu hóa các kháng nguyên, ngăn không cho chúng xuyên qua niêm mạc và đi sâu vào tuần hoàn máu.

IgA tương tác với nhiều loại thụ thể miễn dịch, nổi bật nhất là FcαRI, được tìm thấy trên các tế bào bạch cầu như bạch cầu ái toan, trung tính, đại thực bào và tế bào Kupffer của gan. Khi IgA gắn với FcαRI, một loạt phản ứng miễn dịch được kích hoạt như thực bào, tiêu diệt tế bào đích, phóng thích cytokine và trình diện kháng nguyên. Đặc biệt, sự giải phóng leukotriene B4 từ bạch cầu trung tính đóng vai trò như một “chuông báo động” thu hút thêm các tế bào miễn dịch đến khu vực viêm nhiễm, giúp kiểm soát nhanh chóng mối đe dọa.

khang-the-ig-a-la-gi 2
Kháng thể IgA có nhiệm vụ ngăn chặn các tác nhân gây bệnh

Ngoài vai trò chống lại tác nhân lạ, IgA còn là một “người giữ hòa bình” của hệ miễn dịch nhờ chức năng chống viêm. Thông qua các thụ thể như FcαRI, SIGNR1 và DC-SIGN, IgA giúp cơ thể giữ được trạng thái cân bằng miễn dịch, ngăn ngừa phản ứng thái quá với các yếu tố vô hại từ môi trường. Ví dụ, khi IgA liên kết với SIGNR1 hoặc DC-SIGN trên các tế bào trình diện kháng nguyên như tế bào đuôi gai, nó có thể kích hoạt tế bào T điều hòa, một loại tế bào có vai trò "giữ bình tĩnh" cho hệ miễn dịch.

Nếu thiếu IgA có thể gây ra các bệnh lý nào?

Khi nồng độ IgA tiết giảm hoặc mất hoàn toàn, hàng rào bảo vệ ở niêm mạc trở nên yếu ớt, tạo điều kiện cho chất gây dị ứng và mầm bệnh xâm nhập. Điều này có thể dẫn đến các rối loạn như dị ứng, viêm mạn tính hoặc bệnh tự miễn. Một số người thiếu IgA còn có nguy cơ phản vệ khi truyền máu chứa IgA do hình thành kháng thể IgG chống lại IgA.

Thiếu hụt IgA chọn lọc là rối loạn suy giảm miễn dịch phổ biến nhất ở người. Tình trạng này đặc trưng bởi việc nồng độ IgA trong huyết thanh giảm dưới 7 mg/dL trong khi các globulin miễn dịch khác như IgG và IgM vẫn bình thường, thường được phát hiện ở những bệnh nhân trên 4 tuổi. Nguyên nhân là do các tế bào lympho B mang IgA không thể biệt hóa thành tế bào plasma để tiết ra IgA. Khoảng một nửa số người mắc không có triệu chứng rõ rệt, nhưng ở các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tái phát đường hô hấp và tiêu hóa do thiếu miễn dịch niêm mạc. Trong đó, các bệnh phổ biến nhất là viêm xoang và viêm phổi tái phát.

khang-the-ig-a-la-gi 3
Thiếu hụt IgA chọn lọc là rối loạn suy giảm miễn dịch phổ biến nhất ở người

Dù IgM có thể gia tăng để bù đắp cho sự thiếu vắng IgA, nhưng chức năng bảo vệ tại niêm mạc đường hô hấp không được thay thế hoàn toàn. Đường tiêu hóa ít bị ảnh hưởng hơn nhờ IgM có thể bù đắp hiệu quả hơn tại đây. Tuy nhiên, thiếu IgA vẫn có liên quan đến nhiều rối loạn tiêu hóa như bệnh celiac, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và nhiễm ký sinh trùng Giardia lamblia, một loại ký sinh trùng đường ruột mà IgA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ.

Trong số các rối loạn kèm theo, bệnh Celiac là bệnh đồng mắc phổ biến nhất, với nguy cơ thiếu IgA ở bệnh nhân Celiac tăng 10 - 15%. Do bệnh Celiac liên quan đến phản ứng tự miễn của kháng thể IgA và IgG với protein gluten, thiếu IgA có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm anti-transglutaminase IgA, dẫn đến âm tính giả. Vì vậy, cần xét nghiệm kháng thể IgG hoặc các phương pháp khác để xác định chính xác chẩn đoán.

Một rối loạn khác liên quan đến IgA là bệnh thận IgA (còn gọi là bệnh Berger). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cầu thận trên toàn thế giới. Cơ chế bệnh sinh được cho là do IgA1 bị glycosyl hóa bất thường, hình thành các phức hợp miễn dịch lắng đọng tại cầu thận, gây tổn thương. Bệnh thường khởi phát với tiểu máu và có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên. Mức độ tiến triển sang suy thận phụ thuộc vào các yếu tố như tăng huyết áp và protein niệu kéo dài.

khang-the-ig-a-la-gi 4
Một rối loạn liên quan đến IgA là bệnh thận IgA

Viêm mạch IgA (còn gọi là ban xuất huyết Henoch-Schönlein) là một bệnh viêm mạch nhỏ hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 4 - 6 tuổi. Cơ chế là do sự lắng đọng IgA và bổ thể C3 trong thành mạch, gây viêm và thoát hồng cầu, tạo ra ban xuất huyết ở da. Bệnh điển hình với bốn triệu chứng: Ban xuất huyết ở chi dưới và mông, đau khớp, đau bụng và tổn thương thận. Một biến chứng cần lưu ý là lồng ruột, tình trạng cấp cứu ngoại khoa với biểu hiện đau bụng dữ dội và chảy máu. Tuy nhiên, đa số trường hợp có tiên lượng tốt và hồi phục hoàn toàn.

Bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi: “Kháng thể IgA là gì?” và những thông tin liên quan đến kháng thể IgA. Hiểu rõ về IgA không chỉ giúp ta thấy được sự kỳ diệu của hệ miễn dịch, mà còn mở ra hướng chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn đối với các bệnh lý nhiễm trùng và tự miễn.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NỘI DUNG LIÊN QUAN