Cúm A là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, bệnh thường gặp ở trẻ em và dễ lây lan trong cộng đồng. Khi mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như sốt cao, ho, sổ mũi, đau họng và mệt mỏi. Trong đó, sốt là dấu hiệu quan trọng giúp cha mẹ nhận biết tình trạng bệnh của con. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo lắng không biết cúm A ở trẻ em sốt bao lâu và khi nào cần dùng thuốc hạ sốt. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc về thời gian sốt của trẻ khi mắc cúm A cũng như các biện pháp hỗ trợ giúp trẻ mau hồi phục.
Cúm A ở trẻ em sốt bao lâu?
Cúm A là một bệnh nhiễm virus phổ biến, thường có diễn biến lành tính và có thể tự hồi phục trong khoảng 2 – 7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi hoặc những bé có bệnh lý nền như hen suyễn, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể tiến triển nhanh và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Ở trẻ nhỏ, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, thời gian khỏi bệnh cúm A thường dao động trong khoảng 7 – 10 ngày. Trong đó, sau 3 - 5 ngày đầu, trẻ thường giảm sốt, bớt nghẹt mũi và đau đầu, nhưng triệu chứng ho và mệt mỏi có thể kéo dài thêm. Đến tuần thứ hai, hầu hết các biểu hiện của bệnh sẽ thuyên giảm và biến mất hoàn toàn, giúp trẻ phục hồi sức khỏe.
/cum_a_o_tre_em_sot_bao_lau_thi_khoi_co_can_dung_thuoc_ha_sot_hay_khong_1_41448fc866.png)
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau khoảng 7 ngày điều trị, nếu các triệu chứng của cúm A không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí xuất hiện các biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, dịch mũi đặc và chuyển sang màu vàng, mắt nhiều ghèn hoặc đỏ, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và có hướng điều trị phù hợp.
Quan trọng hơn, nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, môi tím tái, li bì, quấy khóc nhiều, kích thích vật vã, ăn kém, bỏ bú hoặc nôn ói liên tục, cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu cho trẻ mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng cách có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
Tóm lại, cúm A ở trẻ em tuy có thể tự khỏi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, đặc biệt ở nhóm trẻ có nguy cơ cao. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh, chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn cho con.
Trẻ bị cúm A sốt cao không hạ phải làm sao?
Khi trẻ bị cúm A và sốt cao kéo dài không hạ, bố mẹ cần có biện pháp chăm sóc phù hợp để giúp bé hạ sốt, tránh các biến chứng nguy hiểm. Ba mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế. Nếu trẻ chỉ sốt nhẹ, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên như lau người bằng khăn ấm, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và để trẻ nghỉ ngơi trong không gian thoáng khí. Tuy nhiên, khi sốt cao trên 38,5°C, trẻ cần được hạ sốt bằng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Trẻ bị sốt cao do cúm A nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như co giật, mất nước hoặc tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, bố mẹ cần áp dụng các biện pháp hạ sốt và chăm sóc sức khỏe cho trẻ theo bốn nguyên tắc quan trọng dưới đây:
Dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ
Sử dụng thuốc hạ sốt là phương pháp nhanh chóng giúp trẻ giảm thân nhiệt. Hai loại thuốc phổ biến thường được bác sĩ kê đơn là Paracetamol và Ibuprofen, tùy vào cân nặng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà không có sự chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt tránh sử dụng Aspirin vì có nguy cơ gây hội chứng Reye. Ngoài ra, trẻ nên uống thuốc với nước lọc thay vì sữa hoặc nước trái cây để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Hạ nhiệt cơ thể
Bên cạnh thuốc hạ sốt, bố mẹ có thể kết hợp thêm các biện pháp hạ nhiệt từ bên ngoài giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt để giúp cơ thể tản nhiệt hiệu quả. Dù trẻ có cảm giác ớn lạnh, bố mẹ không nên đắp quá nhiều chăn hoặc ủ ấm quá mức vì điều này sẽ làm cản trở quá trình thoát nhiệt.
/cum_a_o_tre_em_sot_bao_lau_thi_khoi_co_can_dung_thuoc_ha_sot_hay_khong_2_18103878b6.png)
Khi lau người cho trẻ, hãy sử dụng khăn ấm và tập trung vào các vùng trán, nách, bẹn để giúp giảm nhiệt nhanh chóng. Ngoài ra, bố mẹ có thể bật điều hòa hoặc quạt ở chế độ nhẹ để không khí trong phòng luôn thoáng mát, dễ chịu, nhưng tránh hướng gió trực tiếp vào trẻ.
Bù nước và dinh dưỡng hợp lý
Trẻ bị sốt do cúm A thường đổ nhiều mồ hôi, dễ bị mất nước, vì vậy việc bổ sung nước là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ đang bú mẹ, mẹ nên tăng cữ bú để đảm bảo trẻ không bị thiếu nước. Với trẻ lớn hơn, cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước lọc và bổ sung thêm nước ép trái cây giàu vitamin như nước cam hoặc nước chanh. Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ ăn các món dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa để vừa cung cấp năng lượng vừa bổ sung nước cho cơ thể, giúp trẻ hồi phục nhanh hơn.
/cum_a_o_tre_em_sot_bao_lau_thi_khoi_co_can_dung_thuoc_ha_sot_hay_khong_4_bfe6eed37b.png)
Để trẻ nghỉ ngơi đầy đủ
Trong thời gian bị sốt, trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn để cơ thể có đủ sức chống lại virus. Bố mẹ nên đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc (khoảng 8 - 10 tiếng/ngày) và hạn chế các hoạt động mạnh. Khi trẻ mắc cúm A, tốt nhất nên cho trẻ nghỉ học hoặc hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan virus.
Nếu đã thực hiện các biện pháp trên nhưng trẻ vẫn sốt cao liên tục, kèm theo các dấu hiệu như co giật, khó thở, lừ đừ hoặc không có dấu hiệu cải thiện sau 48 giờ, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Chăm sóc đúng cách không chỉ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục mà còn giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm do cúm A gây ra.
Phòng ngừa cúm A cho trẻ
Cúm A là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến và có nguy cơ lây lan nhanh, đặc biệt ở trẻ nhỏ – nhóm đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Việt Nam là quốc gia có khí hậu nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, cúm A có thể bùng phát mạnh mẽ, dễ gây “dịch chồng dịch” cùng với các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Điều đáng nói là cúm A hoàn toàn có thể phòng ngừa chủ động bằng vắc xin. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng cúm vẫn rất thấp, chỉ dưới 2% dân số, trong khi để đạt miễn dịch cộng đồng hiệu quả đối với bệnh truyền nhiễm, tỷ lệ tiêm chủng cần đạt ít nhất 70 – 80%. Vắc xin là giải pháp quan trọng giúp cơ thể có miễn dịch chủ động, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng. Bên cạnh đó, cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh khác như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và duy trì tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
Vắc xin cúm cần được tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì hiệu quả bảo vệ, đặc biệt là ở trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi virus cúm. Do đó, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, không chờ đến mùa dịch mới tiêm để tránh nguy cơ mắc bệnh. Cúm A có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong năm, vì vậy, việc chủng ngừa định kỳ và duy trì các biện pháp phòng bệnh là chìa khóa quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ và cả cộng đồng.
/cum_a_o_tre_em_sot_bao_lau_thi_khoi_co_can_dung_thuoc_ha_sot_hay_khong_3_81396fe519.png)
Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp các loại vắc xin cúm được bảo quản theo tiêu chuẩn GSP, đảm bảo chất lượng vắc xin luôn ổn định và hiệu quả cao. Với đội ngũ nhân viên y tế chuyên môn cao, tận tình tư vấn và hướng dẫn chi tiết trước và sau tiêm, các bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm để đảm bảo trẻ đủ điều kiện tiêm chủng. Việc tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn trước virus cúm và giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bé, hãy đưa trẻ đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch!
Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về cúm A ở trẻ em sốt bao lâu thì khỏi? Cúm A ở trẻ em thường gây sốt kéo dài từ 3 – 5 ngày, nhưng thời gian có thể thay đổi tùy vào tình trạng sức khỏe của từng bé. Ba mẹ cần theo dõi sát sao nhiệt độ cơ thể trẻ, cung cấp đủ nước, dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ quá trình hồi phục. Nếu trẻ sốt quá cao, kéo dài trên 3 ngày hoặc có dấu hiệu bất thường như khó thở, lừ đừ, co giật, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.