Mụn cóc là vấn đề da liễu khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 7 - 12% dân số, với tỷ lệ cao ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể lên tới 30%. Hầu hết các trường hợp mụn cóc do các chủng HPV gây ra, thường lành tính và có khả năng tự khỏi. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra sự khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và đôi khi kèm theo cảm giác đau, ngứa hoặc nóng rát. Cùng tìm hiểu các cách trị mụn cóc hiệu quả trong bài viết sau.
Dấu hiệu nhận biết mụn cóc
Mụn cóc thường xuất hiện dưới dạng các nốt sần nhỏ, có màu tương đồng với màu da hoặc chuyển sang trắng xám. Hình dáng của chúng khá đa dạng, có loại giống như súp lơ với nhiều nhú li ti, một số khác lại có bề mặt phẳng. Thông thường, các nốt mụn không gây đau, tuy nhiên nếu xuất hiện ở những vị trí nhạy cảm như lòng bàn chân hay cơ quan sinh dục, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức khi di chuyển hoặc bị tì đè. Ngoài ra, mụn cóc còn có thể gây ra những triệu chứng gây khó chịu khác như:
- Rỉ máu nhẹ;
- Cảm giác nóng rát;
- Ngứa ngáy hoặc kích ứng tại vùng nhạy cảm.
Một số mụn cóc có kích thước rất nhỏ, khiến người bệnh khó nhận biết bằng mắt thường hoặc cảm nhận rõ ràng. Ở vài trường hợp, chúng có thể mọc thành từng cụm hoặc phát triển lớn như một nhánh cây. Giai đoạn đầu, mụn cóc thường chỉ là một khối u nhỏ, mềm nên rất dễ bị bỏ qua nếu không để ý kỹ.
/cach_tri_mun_coc_1_573471ff06.png)
Có thể chữa khỏi mụn cóc được không?
Mụn cóc hoàn toàn có thể được điều trị, thậm chí bằng những biện pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào chủng virus HPV gây bệnh, tình trạng hệ miễn dịch cũng như lối sống sinh hoạt của mỗi người. Một số trường hợp, mụn cóc có thể tái phát, gây đau, khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Đáng lưu ý, có những loại mụn cóc rất dễ bị nhầm lẫn với sẹo lồi, sẹo phì đại hoặc các tổn thương da khác. Vì vậy, để xác định chính xác và có hướng điều trị phù hợp, người bệnh nên chủ động đến khám tại các cơ sở da liễu uy tín càng sớm càng tốt.
/cach_tri_mun_coc_02_d043aec0ba.png)
Cách trị mụn cóc hiệu quả như thế nào?
Trong quá trình điều trị mụn cóc, người bệnh cần tuân thủ phác đồ, kiên trì, tránh tự ý ngưng giữa chừng vì nguy cơ tái phát là khá cao.
Cách trị mụn cóc bằng thuốc bôi
Các loại thuốc bôi thường dùng để trị mụn cóc:
- Acid salicylic: Đây là một trong những lựa chọn điều trị phổ biến cho mụn cóc. Trước khi sử dụng, nên ngâm vùng da có mụn với nước ấm để làm mềm, sau đó thoa thuốc trực tiếp lên nốt mụn. Cần duy trì sử dụng đều đặn trong khoảng 2 - 3 tháng để đạt kết quả tốt. Lưu ý không để thuốc lan sang vùng da lành, đóng nắp kín sau mỗi lần sử dụng và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng mụn không nên dùng loại thuốc này.
- Cantharidin: Đây là một hợp chất không màu, không mùi, chiết xuất từ một loại bọ cánh cứng. Khi thoa lên, nó làm cho vùng da bên dưới nốt mụn cóc phồng rộp, sau đó khiến mụn cóc bong ra. Việc sử dụng Cantharidin cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành da liễu vì có thể gây kích ứng mạnh, đau rát. Với các nốt mụn ở lòng bàn chân, nếu không vệ sinh kỹ sau khi dùng thuốc, có thể dẫn đến viêm mô hoặc nhiễm trùng.
/cach_tri_mun_coc_3_cc99380e5a.png)
Cách trị mụn cóc tại bệnh viện
Điều trị mụn cóc tại bệnh viện sẽ được áp dụng các phương pháp:
- Áp lạnh (Cryotherapy): Phương pháp này dùng nitơ lỏng để làm đóng băng vùng da có mụn. Khi được áp dụng, sẽ tạo thành một bọng nước nhỏ tại vị trí đó và sau vài ngày, cả mụn và bọng sẽ bong ra. Tuy nhiên, áp lạnh có thể để lại sẹo, gây tê cục bộ hoặc làm thay đổi sắc tố da. Không khuyến khích áp dụng với người có làn da quá sáng hay quá sẫm màu.
- Phẫu thuật điện/ nạo: Đây là sự kết hợp giữa việc đốt mụn bằng điện và nạo bỏ phần mô tổn thương. Phương pháp này thường dùng với mụn cóc có kích cỡ nhỏ (dưới 2cm) và ở vị trí dễ thao tác. Trước khi can thiệp, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Tuy ít gây nhiễm trùng và giúp lành nhanh nhưng khả năng tái phát vẫn tồn tại nếu không loại bỏ triệt để phần nhân mụn.
- Cắt bỏ: Phương pháp này được áp dụng để xử lý mụn cóc dạng sợi (filiform). Bác sĩ sẽ dùng dao mổ chuyên dụng để cạo hoặc cắt đứt nốt mụn.
- Laser CO2 Fractional: Phương pháp sử dụng tia laser CO2 để đốt và phá hủy mô mụn cóc cũng như các mạch máu nuôi dưỡng nó. Kỹ thuật này phù hợp với nhiều dạng mụn cóc, giúp loại bỏ nốt sần, hạn chế sự lan rộng và thúc đẩy quá trình phục hồi. Tuy nhiên, có thể gây đau và để lại sẹo nhẹ tùy theo cơ địa.
- Tiêm Bleomycin: Bleomycin là một loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt tế bào, thường được chỉ định trong trường hợp mụn cóc không đáp ứng với các phương pháp khác. Thuốc giúp ngăn sự phát triển và phân chia tế bào. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau tại chỗ tiêm, sẹo, thay đổi màu da,… và không dùng cho phụ nữ đang mang thai.
- Liệu pháp miễn dịch: Với những mụn cóc khó điều trị, bác sĩ có thể dùng các chất như diphencyprone (DCP) để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và loại bỏ virus gây bệnh. Phương pháp này hướng tới việc xử lý tận gốc căn nguyên của mụn cóc.
/cach_tri_mun_coc_4_de5de1f6ba.png)
Những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ hơn cách trị mụn cóc hiệu quả, an toàn. Vì vậy, ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên chủ động đến cơ sở da liễu để được thăm khám, xác định tình trạng và xây dựng lộ trình điều trị phù hợp, từ đó ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.
Tiêm HPV là việc quan trọng tuyệt đối không nên bỏ qua để có thể bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu. Với độ ngũ y tá và bác sĩ giàu kinh nghiệm, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết sẽ mang lại hiệu quả cho từng liệu trình tiêm chủng cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe tổng thể. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc về quy trình tiêm, lịch tiêm, bạn đọc có thể liên hệ với trung tâm để được tư vấn và giải đáp thắc mắc một cách chi tiết. Hãy liên hệ hotline 1900 6928 để được tư vấn!