Ung thư phổi hiện đang là một trong những căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới, không chỉ ở nam giới mà còn ở nữ giới. Đáng lo ngại hơn, nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, thói quen hút thuốc lá vẫn còn phổ biến và các yếu tố độc hại luôn hiện diện xung quanh, việc chủ động phòng ngừa ung thư phổi là điều hết sức cần thiết. Vậy làm sao để bảo vệ phổi một cách hiệu quả? Hãy cùng điểm qua những biện pháp phòng tránh ung thư phổi đơn giản nhưng rất thiết thực ngay sau đây.
Biện pháp phòng tránh ung thư phổi hiệu quả: Tránh xa khói thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một dẫn đến ung thư phổi. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người không hút. Không chỉ vậy, nguy cơ sẽ tăng theo số lượng thuốc hút mỗi ngày và thời gian hút kéo dài. Vì vậy, nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, hãy tiếp tục giữ vững lập trường. Với người đang hút, nên tìm cách cai thuốc càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Đặc biệt, cha mẹ nên giáo dục sớm cho con trẻ về tác hại của thuốc lá, giúp các em tránh xa cám dỗ trong cuộc sống.

Việc hít phải khói thuốc từ người khác hay còn gọi là hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Nếu sống hoặc làm việc gần người hút thuốc, hãy khuyến khích họ bỏ thuốc hoặc ít nhất hút ở nơi riêng biệt, thông thoáng. Đồng thời, nên hạn chế đến các khu vực có nhiều người hút thuốc để giảm tối đa tiếp xúc với khói độc hại.
Kiểm soát và giảm lượng khí radon trong nhà
Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, có thể rò rỉ từ đất đá vào trong nhà. Đây là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng thứ hai sau hút thuốc lá. Theo thống kê, có tới 26% ca tử vong do ung thư phổi ở người không hút thuốc có liên quan đến radon. Để giảm rủi ro, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như: tăng cường thông gió trong nhà, dùng máy lọc không khí, bịt kín các vết nứt ở sàn hoặc tường, và hạn chế sinh hoạt dưới tầng hầm, nơi khí radon dễ tích tụ.
Cảnh giác với ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là một mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe đường hô hấp. Theo Tổ chức IARC, chỉ riêng năm 2010 đã có 223.000 ca tử vong do ung thư phổi liên quan đến ô nhiễm không khí. Để hạn chế ảnh hưởng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp như:
- Theo dõi chỉ số chất lượng không khí mỗi ngày.
- Đeo khẩu trang đạt chuẩn khi ra ngoài.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
- Tránh đốt vàng mã, đốt rơm rạ, hay sử dụng than tổ ong.
- Chuyển sang dùng nhiên liệu sạch và trồng thêm cây xanh quanh nhà.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều rau củ và trái cây giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Một chế độ ăn cân đối, kết hợp thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa không chỉ tăng cường hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ cơ thể phòng chống bệnh tật, bao gồm ung thư. Hãy kết hợp ăn uống lành mạnh với vận động thể chất đều đặn để giữ vóc dáng khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng.

Tránh tiếp xúc với các tác nhân độc hại trong môi trường làm việc
Phơi nhiễm với phóng xạ là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người từng xạ trị (bằng tia X, tia gamma...) hoặc thường xuyên chụp CT, X-quang cần được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về tần suất tiếp xúc. Ngoài ra, nhân viên làm việc trong môi trường có bức xạ cao (như bệnh viện, nhà máy hạt nhân) cần được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ chuyên dụng.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số hóa chất công nghiệp như amiăng, asen, crom, niken, cadmium và bồ hóng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi – đặc biệt là với người thường xuyên tiếp xúc tại nơi làm việc. Để hạn chế rủi ro, người lao động cần mặc đồ bảo hộ, giữ vệ sinh cá nhân cẩn thận sau khi làm việc và tuân thủ nghiêm các quy định an toàn lao động. Cư dân sống gần các khu công nghiệp cũng nên chủ động bảo vệ bản thân, lựa chọn thực phẩm an toàn và rửa sạch trước khi sử dụng.
Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục không chỉ đơn giản là giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Khi bạn vận động đều đặn, hệ miễn dịch được kích hoạt mạnh mẽ hơn, giúp cơ thể có khả năng chống lại các yếu tố gây hại từ môi trường như bụi mịn, hóa chất độc hại hay vi sinh vật có hại.
Tập luyện giúp cải thiện sức bền, giảm mệt mỏi, cải thiện tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với những ai chưa từng tập thể dục, bạn có thể bắt đầu với những bài tập nhẹ như đi bộ, yoga hoặc đạp xe trong thời gian ngắn. Sau đó, khi cơ thể đã quen dần, hãy tăng dần cường độ và thời lượng luyện tập.

Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư phổi
Ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, cơ thể có thể bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu bất thường mà bạn không nên bỏ qua, bao gồm:
- Ho dai dẳng kéo dài nhiều tuần không dứt.
- Đau âm ỉ hoặc tức ngực.
- Khó thở, hụt hơi dù chỉ vận động nhẹ.
- Tiếng thở khò khè bất thường.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Sụt cân đột ngột dù không thay đổi chế độ ăn uống.
- Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị viêm phổi tái phát nhiều lần hoặc nổi hạch ở vùng cổ, nách.

Tuy các triệu chứng này không chỉ xảy ra riêng với ung thư phổi, nhưng nếu bạn có nhiều biểu hiện như trên, đừng ngần ngại đến cơ sở y tế để được khám và kiểm tra kỹ lưỡng. Việc phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng bệnh rất đáng kể.
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết chăm sóc sức khỏe đúng cách và chủ động thay đổi những thói quen xấu. Từ việc nói không với thuốc lá, giữ gìn không khí sạch trong nhà, cho đến xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý tất cả đều là những lối sống thiết thực để bảo vệ lá phổi của chính mình và người thân. Hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh ung thư phổi bắt đầu ngay từ hôm nay, vì một cơ thể khỏe mạnh và một tương lai không còn ung thư đe dọa cuộc sống!