Bé bị viêm phổi tái đi tái lại là tình trạng không hiếm gặp song tình trạng này gây ra không ít lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh. Hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ tốt hơn. Vậy nguyên nhân khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại là gì? Cách phòng ngừa viêm phổi tái đi tái lại ra sao? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để có được lời giải đáp bạn nhé.
Nguyên nhân khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại
Viêm phổi tái phát ở trẻ em là tình trạng trẻ bị viêm phổi ít nhất hai lần trong một năm hoặc ba lần trong suốt cuộc đời. Đây không chỉ là vấn đề về nhiễm trùng thông thường mà còn có thể liên quan đến các yếu tố phức tạp hơn như bệnh lý nền hoặc môi trường sống. Khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại, sức khỏe tổng thể có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là chức năng hô hấp và sự phát triển thể chất. Vậy nguyên nhân khiến bé bị viêm phổi tái đi tái lại là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, bạn đọc có thể tham khảo:
- Hệ miễn dịch yếu: Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị vi khuẩn và virus tấn công. Một số trẻ bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý bẩm sinh hoặc điều trị y tế cũng có nguy cơ tái đi tái lại bệnh viêm phổi.
- Môi trường sống: Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc sinh hoạt trong không gian đông đúc dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ: Thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D hoặc kẽm làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
- Bệnh lý nền: Các bệnh như hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, dị dạng đường hô hấp (hẹp khí quản, phế quản) hoặc bệnh tim bẩm sinh làm tăng nguy cơ bé bị viêm phổi tái đi tái lại.

Viêm phổi tái đi tái lại ở trẻ có nguy hiểm không?
Trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 2 tuổi, có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ trở thành đối tượng mắc viêm phổi tái đi tái lại. Tình trạng này nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cụ thể:
- Khó thở kéo dài, thiếu oxy: Viêm phổi tái phát ở trẻ, nhất là những trẻ có bệnh nền như hen suyễn sẽ làm phổi bị viêm nặng và hạn chế khả năng trao đổi khí, khiến trẻ thở nhanh, thở gắng sức hoặc thở rút lõm lồng ngực. Trường hợp nặng có thể gây thiếu oxy máu khiến trẻ mệt mỏi, tím tái môi và đầu ngón tay, thậm chí phải hỗ trợ thở bằng oxy.
- Tràn dịch màng phổi: Đây là biến chứng phổ biến khi dịch viêm tích tụ giữa hai lá màng phổi, gây đau ngực, khó thở và sốt kéo dài. Nếu dịch bị nhiễm trùng (gọi là tràn mủ màng phổi), trẻ có thể phải dẫn lưu dịch bằng ống thông ngực hoặc can thiệp phẫu thuật.
- Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết): Khi vi khuẩn gây viêm phổi xâm nhập vào máu, chúng có thể lan rộng đến các cơ quan khác như não, tim, gan hoặc thận. Nhiễm trùng máu là tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Áp xe phổi: Là tình trạng mủ tích tụ trong một khoang kín của nhu mô phổi, thường xảy ra sau nhiều đợt viêm phổi tái phát mà không điều trị dứt điểm. Trẻ bị áp xe phổi có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, khạc đờm có mủ hoặc mùi hôi. Việc điều trị cần phối hợp kháng sinh mạnh và đôi khi phải chọc hút mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu.

Cách phòng ngừa tình trạng bé bị viêm phổi tái đi tái lại
Như các bạn đã biết, viêm phổi tái đi tái lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như cuộc sống của trẻ. Vậy làm sao để phòng ngừa tình trạng bé bị viêm phổi tái đi tái lại?
Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa tình trạng bé bị viêm phổi tái đi tái lại hiệu quả, cha mẹ có thể tham khảo:
Tiêm chủng đầy đủ
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại. Các loại vắc xin quan trọng bao gồm:
- Vắc xin phế cầu (PCV): Phòng ngừa viêm phổi do vi khuẩn phế cầu - nguyên nhân chính gây viêm phổi nặng ở trẻ.
- Vắc xin Hib: Bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn Haemophilus influenzae type b - một tác nhân gây viêm phổi và viêm màng não.
- Vắc xin cúm: Giảm nguy cơ viêm phổi thứ phát do virus cúm, đặc biệt trong mùa dịch.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ từ đó giúp bảo vệ trẻ trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Theo đó, mẹ nên:
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường miễn dịch, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời. WHO khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong giai đoạn này.
- Ăn uống đa dạng: Đảm bảo chế độ ăn của trẻ giàu vitamin (A, C, D), khoáng chất (kẽm, sắt) và protein để hỗ trợ hệ miễn dịch và tái tạo niêm mạc hô hấp.
- Bổ sung vitamin D: Vitamin D giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Môi trường sống lành mạnh
Ngoài ra, giữ gìn môi trường sống lành mạnh cũng góp phần giúp bảo vệ trẻ không bị viêm phổi tái đi tái lại. Cụ thể:
- Giữ không khí trong lành: Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc không khí ô nhiễm. Sử dụng máy lọc không khí trong nhà nếu cần.
- Đảm bảo vệ sinh: Rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của trẻ để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Giảm tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch cúm hoặc các bệnh đường hô hấp.
Khám sức khỏe định kỳ
Cùng với đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, đặc biệt nếu trẻ có tiền sử viêm phổi hoặc bệnh lý nền. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc không kê đơn bởi việc làm này có thể dẫn đến kháng thuốc, làm tăng nguy cơ tái phát.

Bé bị viêm phổi tái đi tái lại là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả nếu phụ huynh hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phù hợp. Từ việc tiêm chủng đầy đủ, cải thiện dinh dưỡng, duy trì môi trường sống lành mạnh đến theo dõi sức khỏe định kỳ, mỗi bước đều góp phần bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại. Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên tiêm chủng cho trẻ ở đâu thì hãy liên hệ ngay đến Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được hỗ trợ sớm nhất nhé.