Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể gây ra tình trạng đau ngực, khó thở và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, nhiều người không khỏi lo lắng: “Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không?”. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng điều trị căn bệnh này cũng như các cách hỗ trợ nâng cao sức khỏe tim mạch hiệu quả.
Những điều cần biết về bệnh thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim là tình trạng lưu lượng máu cung cấp cho tim bị giảm, khiến cơ tim không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để duy trì hoạt động. Nếu bệnh kéo dài, cơ tim sẽ bị tổn thương và chức năng bơm máu của tim cũng suy yếu theo thời gian. Hệ quả là bệnh nhân có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.

Đặc biệt, thiếu máu cơ tim càng trở nên nguy hiểm hơn khi hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn đột ngột động mạch vành. Ngoài ra, người bệnh còn có thể đối mặt với các biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim, đau ngực mạn tính và suy giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt thường ngày.
Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không?
Vấn đề “Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không?” là mối quan tâm lớn của nhiều bệnh nhân, hiện nay, bệnh thiếu máu cơ tim chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu người bệnh tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể thao phù hợp, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ,... thì hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh, đồng thời phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng nhận biết bệnh
Thiếu máu cơ tim có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu đặc trưng, nhất là khi vận động thể lực:
- Ra mồ hôi lạnh;
- Cảm giác choáng váng, chóng mặt;
- Đau cổ;
- Buồn nôn;
- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Cơ thể và tinh thần thường xuyên mệt mỏi.

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, người bệnh có thể gặp các triệu chứng:
- Hồi hộp, lo âu kéo dài;
- Đau thắt ngực;
- Đau cổ;
- Mệt mỏi triền miên.

Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, lo lắng, bồn chồn. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng đau vùng hàm, vai, tê hoặc ngứa ran ở cánh tay, phù nề cánh tay kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau ngực, giảm khả năng tập trung, buồn nôn, vùng đầu cổ ra mồ hôi lạnh, bụng chướng và tăng nhu cầu đại tiện.
Những dấu hiệu này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời với nhiều mức độ khác nhau. Khi phát hiện cơ thể có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và được can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia thành hai nhóm chính:
Nguyên nhân trực tiếp
- Bệnh động mạch vành: Cholesterol và chất béo tích tụ trong lòng mạch, lâu ngày hình thành các mảng xơ vữa gây cản trở lưu thông máu.
- Hình thành huyết khối: Các mảng xơ vữa dày lên, nứt vỡ, dẫn tới sự hình thành cục máu đông, làm tắc nghẽn dòng máu nuôi tim.
- Co thắt động mạch vành: Làm giảm lượng máu đến tim, gây ra các cơn đau thắt ngực biến thể hoặc Prinzmetal.
Nguyên nhân gián tiếp
- Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Thiếu vận động: Dẫn đến rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol xấu, thúc đẩy sự hình thành xơ vữa.
- Rối loạn lipid máu: Nồng độ triglycerid và cholesterol cao góp phần tạo mảng bám trong lòng mạch.
- Đái tháo đường, béo phì: Làm tăng cholesterol máu, thúc đẩy xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp: Nếu không kiểm soát lâu dài sẽ gây tổn thương động mạch vành và dẫn tới thiếu máu cơ tim.

Cách phòng bệnh thiếu máu cơ tim
Thay đổi lối sống là bước quan trọng để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch mạn tính, trong đó có thiếu máu cơ tim. Một số biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm:
Tập thể dục thường xuyên
Lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể trạng như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc tập dưỡng sinh. Nên duy trì thói quen vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tổng cộng 150 phút mỗi tuần.

Ăn uống lành mạnh
Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và cholesterol như mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng. Ưu tiên dầu thực vật (đậu nành, lạc), tăng cường rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu chất xơ.
Duy trì cân nặng hợp lý
Với người thừa cân hoặc béo phì, giảm cân giúp giảm áp lực cho tim. Chỉ số BMI nên được giữ dưới 23 để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tránh thuốc lá và hạn chế rượu bia
Không hút thuốc lá, thuốc lào và nên giảm tối đa lượng rượu bia tiêu thụ. Đây là các yếu tố nguy cơ chính làm tăng xơ vữa động mạch và ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim.
Dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ
Thuốc điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa thiếu máu cơ tim. Việc dùng thuốc đúng cách theo hướng dẫn chuyên môn sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và phòng biến chứng.
Hy vọng qua bài viết, bạn đã giải đáp được thắc mắc: “Bệnh thiếu máu cơ tim có chữa khỏi được không?”. Mặc dù chưa thể điều trị dứt điểm, nhưng việc phát hiện sớm, điều trị đúng hướng và thay đổi lối sống khoa học sẽ giúp người bệnh sống khỏe mạnh, kiểm soát tốt tình trạng bệnh và phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Đừng chủ quan với sức khỏe tim mạch - hãy chủ động bảo vệ trái tim của bạn ngay từ hôm nay.
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, bạn sẽ được tư vấn, theo dõi và tiêm chủng theo đúng phác đồ an toàn - khoa học. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y tế chuyên nghiệp và nguồn vắc xin chất lượng, Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn - nhanh chóng - tin cậy cho mọi đối tượng, từ trẻ em đến người lớn. Hãy chủ động tiêm ngừa đúng lịch để bảo vệ bạn và gia đình khỏi các rủi ro sức khỏe không đáng có!