Tìm hiểu chung về bệnh gai đen
Bệnh gai đen gây ra các đốm có màu từ nâu nhạt đến đen. Chúng thường xuất hiện ở những người hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trong một số trường hợp, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Các dấu vết trên da trông giống như vết bẩn hay vết nám mà bạn nghĩ có thể chà rửa để loại bỏ. Tuy nhiên, việc rửa sạch sẽ không làm mất đi tình trạng gai đen.
Các vết sẫm màu có bề mặt nhung đặc trưng của bệnh gai đen có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, chúng thường gặp nhất ở các nếp gấp da như vùng cổ, nách, bẹn và dưới ngực.
Triệu chứng bệnh gai đen
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gai đen
Các triệu chứng chính của bệnh gai đen là tăng sắc tố và dày sừng. Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi về màu sắc và kết cấu da. Màu da có thể chuyển sang xám, nâu hoặc đen, và bề mặt da trở nên dày, mịn như nhung.
Trong một số trường hợp, vùng da này có thể tiến triển thành mảng gồ cao, cứng hoặc sần sùi. Ngoài ra, bạn có thể gặp thêm các triệu chứng:
- Khô da;
- Ngứa;
- Nổi mụn thịt.
Những thay đổi này thường xuất hiện dần dần trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, nhưng đôi khi có thể có từ lúc mới sinh. Nếu các dấu hiệu phát triển nhanh chóng, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một loại ung thư tiềm ẩn.
Bệnh gai đen có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở:
- Nách;
- Nếp gấp cổ, đặc biệt là phía sau và hai bên cổ;
- Cơ quan sinh dục;
- Vùng bẹn;
- Dưới bầu ngực;
- Vùng quanh hậu môn;
- Đầu gối;
- Các khớp ngón tay;
- Khuỷu tay;
- Rốn;
- Lòng bàn tay;
- Lòng bàn chân.

Trong một số trường hợp hiếm, bệnh gai đen có thể xuất hiện ở:
- Quầng vú (núm vú);
- Niêm mạc, bao gồm bên trong miệng, mũi và họng;
- Một phần mắt và mí mắt.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và theo dõi vị trí tổn thương sẽ giúp bác sĩ định hướng đúng nguyên nhân và loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là các trường hợp có nguy cơ ung thư.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh gai đen
Bệnh gai đen không phải là một bệnh độc lập, do đó các biến chứng có thể gặp phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này.
Nếu nguyên nhân là do đái tháo đường, bạn có thể đối mặt với các biến chứng khác của bệnh, chẳng hạn như:
- Tổn thương thần kinh;
- Vấn đề về thị lực như suy giảm thị lực;
- Bệnh tim mạch, thận hoặc nhiễm trùng chậm lành.
Bệnh gai đen thường tiến triển chậm, kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, nếu các mảng da sẫm màu xuất hiện đột ngột và phát triển nhanh, điều này có thể là dấu hiệu của ung thư tiềm ẩn. Trong trường hợp đó, việc khám và đánh giá bởi bác sĩ da liễu là rất cần thiết để xác định nguyên nhân và có hướng xử trí kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bất cứ khi nào bạn nhận thấy có sự thay đổi trên da, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu. Những dấu hiệu nhỏ hoặc thay đổi trên da có thể tưởng như không đáng kể, nhưng đôi khi lại là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Nguyên nhân gây bệnh gai đen
Các mảng da sẫm màu trong bệnh gai đen xuất hiện khi các tế bào biểu bì (lớp ngoài cùng của da) tăng sinh quá mức.
Kháng insulin
Khi bạn ăn, cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành các phân tử đường như glucose. Các tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng một phần glucose để tạo năng lượng, phần còn lại được lưu trữ. Tuy nhiên, để glucose vào được tế bào, cần có hormone insulin hỗ trợ.
Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì thường sẽ xuất hiện tình trạng đề kháng insulin theo thời gian. Mặc dù tuyến tụy vẫn sản xuất insulin, nhưng cơ thể lại không sử dụng hiệu quả, khiến glucose tích tụ trong máu, đồng thời nồng độ insulin cũng tăng cao.
Insulin dư thừa sẽ kích thích các tế bào da tăng sinh nhanh chóng. Ở những người có làn da sẫm màu hơn, các tế bào da mới này có chứa nhiều melanin hơn, dẫn đến sự hình thành các mảng da sẫm màu hơn vùng da xung quanh.
Sự xuất hiện của bệnh gai đen là một dấu hiệu cảnh báo mạnh về nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai.
Các rối loạn nội tiết
Các rối loạn hormone, chẳng hạn như bệnh Addison, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay suy giáp đều có thể phát triển bệnh gai đen.
Di truyền
Bệnh gai đen do di truyền có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra hoặc phát triển trong tuổi thơ. Trong những trường hợp rất hiếm, bạn có thể di truyền gai đen một bên cơ thể với biểu hiện chủ yếu ở một phía của cơ thể.
Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra bệnh gai đen, bao gồm:
- Insulin tiêm bổ sung;
- Axit nicotinic (niacin liều cao);
- Thuốc tránh thai;
- Diethylstilbestrol (hormone tổng hợp estrogen);
- Hormone tăng trưởng;
- Glucocorticoid toàn thân;
- Thuốc điều trị tuyến giáp;
- Một số thực phẩm chức năng tăng cơ;
- Thuốc ức chế protease (trong điều trị HIV);
- Estrogen.

Một số bệnh tự miễn
Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjögren, xơ cứng bì, viêm tuyến giáp có thể làm xuất hiện bệnh gai đen.
Ung thư (hiếm gặp)
Trong những trường hợp hiếm, bệnh gai đen xuất hiện liên quan đến một số loại ung thư, bao gồm:
- Ung thư dạ dày;
- Ung thư đại tràng;
- Ung thư gan;
- Ung thư vú;
- Ung thư buồng trứng.
Khi bệnh gai đen xuất hiện trong bối cảnh này, bệnh còn được gọi là hội chứng gai đen ác tính. Các thay đổi trên da có thể xuất hiện trước, trong hoặc sau khi ung thư phát triển.
Nguy cơ mắc phải bệnh gai đen
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh gai đen?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh gai đen (acanthosis nigricans), kể cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn có thể có nguy cơ cao hơn nếu:
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh gai đen.
- Là người có nguồn gốc bản địa châu Mỹ, châu Phi, Caribe hoặc Mỹ Latinh.
- Có làn da sẫm màu hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh gai đen
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến bạn dễ mắc bệnh gai đen hơn:
- Kháng insulin và bệnh đái tháo đường type 2.
- Hội chứng rối loạn nội tiết.
- Thuốc như thuốc tránh thai đường uống, insulin dạng tiêm, ….
- Ung thư tiềm ẩn như ung thư dạ dày, đại tràng, gan, buồng trứng, vú.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh gai đen
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gai đen
Bệnh gai đen thường rất dễ nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu kiểm tra thêm để xác định nguyên nhân, đặc biệt là tình trạng đái tháo đường hoặc tình trạng kháng insulin.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Giúp xác định hoặc loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường
- Sinh thiết da: Được chỉ định hiếm khi, nếu chẩn đoán không rõ ràng hoặc cần loại trừ các bệnh da khác
Bác sĩ cũng có thể xem xét lại các loại thuốc bạn đang sử dụng để xác định liệu có loại nào góp phần gây ra tình trạng này hay không.
Điều trị bệnh gai đen
Bệnh gai đen hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu, nhưng nếu điều trị được nguyên nhân gây ra, các tổn thương da thường mờ dần theo thời gian.
Điều trị triệu chứng
Việc điều trị hiện nay chủ yếu mang tính thẩm mỹ, nhằm làm giảm sự sẫm màu và dày da, đặc biệt trong những trường hợp không có nguyên nhân điều trị được, như do di truyền.
Bác sĩ da liễu có thể chỉ định:
- Keratolytics: Các chất giúp loại bỏ tế bào da chết, làm mỏng lớp sừng (ví dụ: Axit salicylic, axit lactic).
- Retinoids: Dẫn xuất vitamin A giúp tái tạo da.
- Hydroquinone: Hoạt chất có tác dụng làm sáng da.
- Podophyllin: Thường dùng để điều trị mụn cóc, có thể được chỉ định trong trường hợp tổn thương dày.
- Vitamin D dạng bôi (calcipotriol/calcitriol): Giúp giảm sản sinh keratin.

Các thủ thuật thẩm mỹ có thể hỗ trợ gồm:
- Mài da giúp làm mịn bề mặt da.
- Laser - sử dụng ánh sáng đỏ có bước sóng đặc hiệu - để điều trị sắc tố.
Điều trị nguyên nhân
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, việc điều trị bao gồm:
- Kiểm soát đường huyết: Người bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần dùng thuốc, theo dõi đường huyết và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Khi đường huyết ổn định, các triệu chứng của gai đen thường cải thiện rõ.
- Cân bằng nội tiết tố: Trong các trường hợp như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bác sĩ có thể kê thuốc nội tiết và hướng dẫn thay đổi lối sống.
- Điều chỉnh thuốc đang sử dụng: Nếu nghi ngờ thuốc là nguyên nhân gây gai đen, bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác cho bạn.
Trường hợp bệnh gai đen xuất hiện do ung thư tiềm ẩn (gai đen ác tính), điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính.
- Hóa trị hoặc xạ trị tùy theo loại và giai đoạn ung thư.
Khi khối u được điều trị hiệu quả, các tổn thương da cũng có thể cải thiện hoặc biến mất.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh gai đen
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gai đen
Chế độ sinh hoạt:
- Kiểm tra đường huyết, mỡ máu, chức năng tuyến giáp, nội tiết tố định kỳ để phát hiện sớm bệnh tiềm ẩn.
- Giảm cân giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, nên giảm cân từ từ, kết hợp ăn uống lành mạnh và tập luyện.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần (đi bộ nhanh, bơi, đạp xe…).
- Vệ sinh vùng da bị bệnh nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh.
- Dưỡng ẩm da hằng ngày, không dùng thuốc làm trắng da không rõ nguồn gốc.
- Dùng kem chống nắng phổ rộng, đội nón, mặc áo dài tay để tránh tổn thương da do tia UV.

Chế độ dinh dưỡng:
- Tránh ăn nhiều đường, tinh bột tinh luyện (bánh ngọt, nước ngọt, cơm trắng, mì).
- Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, cá, ức gà.
Phòng ngừa bệnh gai đen
Mặc dù bệnh gai đen không lây nhiễm và thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của nhiều bệnh lý. Vì vậy, việc phòng ngừa từ sớm là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện.
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân và phòng ngừa béo phì giúp cải thiện tình trạng đề kháng insulin.
- Theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn uống, uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có tiền sử tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn.
- Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng hoặc kéo dài không cần thiết.
- Xây dựng lối sống lành mạnh.
- Theo dõi biểu hiện bất thường trên da.