Viêm tiểu phế quản là một trong những nguyên nhân khiến trẻ phải nhập viện nhiều trong mùa lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách, nhưng thời gian hồi phục có thể khiến cha mẹ lo lắng, nhất là khi bé ho kéo dài, biếng ăn hay quấy khóc liên tục. Vậy bé bị viêm tiểu phế quản thường kéo dài trong bao lâu? Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình hồi phục và những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian khỏi bệnh.
Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý đường hô hấp dưới thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do virus, trong đó phổ biến nhất là virus hợp bào hô hấp (RSV), ngoài ra còn có các virus khác như Parainfluenza hoặc Adenovirus.

Theo các chuyên gia, nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà, hầu hết trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, một số triệu chứng như ho dai dẳng, thở khò khè nhẹ vẫn có thể kéo dài thêm vài tuần sau khi trẻ đã hết sốt và ăn ngủ bình thường. Trong khoảng 20% trường hợp, bệnh có thể kéo dài lâu hơn, tùy thuộc vào thể trạng của bé. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đơn giản và có thể tự khỏi. Thời gian hồi phục và mức độ bệnh lý sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ có các dấu hiệu như: Sốt cao, ho nhiều, thở khò khè, bỏ bú, tím môi hay thở co rút lồng ngực, đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn tiến nặng. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý điều trị tại nhà gây nguy hiểm cho bé.
Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng khỏi bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ
Bên cạnh câu hỏi “Bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?”, thì điều mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm không kém chính là: Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của trẻ khi mắc bệnh? Thực tế, mức độ bệnh, khả năng tự khỏi nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như độ tuổi, sức khỏe nền, cách chăm sóc và môi trường sống xung quanh.
Độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ
Trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng hoặc mắc bệnh nền về tim, phổi, miễn dịch yếu... thường có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng hơn và hồi phục chậm hơn. Trẻ trong độ tuổi từ 3 – 6 tháng, hệ miễn dịch còn yếu, lượng kháng thể từ mẹ truyền sang đang giảm, khiến trẻ rơi vào khoảng “trống miễn dịch”, dễ bị tấn công bởi virus gây bệnh.
Theo thống kê của UNICEF, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, ước tính có hơn 100.000 trẻ sinh non mỗi năm, trong đó có hàng chục nghìn ca tử vong trong tháng đầu đời. Điều này cho thấy trẻ sinh non là nhóm có nguy cơ đặc biệt cần được chăm sóc kỹ lưỡng.

Chăm sóc và điều trị đúng cách
Việc phát hiện bệnh sớm, chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh hơn, thường trong vòng 1–3 tuần. Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc hỗ trợ giảm sốt, giảm ho, long đờm tùy theo tình trạng cụ thể. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính, cần can thiệp chuyên sâu hơn tại bệnh viện để kiểm soát triệu chứng và ngăn biến chứng lâu dài.

Yếu tố môi trường sống
Trẻ sống trong không khí ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc khói thuốc, bụi mịn hoặc khí thải độc hại sẽ dễ bị bệnh nặng hơn và lâu hồi phục. Ngược lại, nếu được sống trong không gian sạch sẽ, thoáng khí, trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn và rút ngắn thời gian điều trị.
Cách chăm sóc giúp trẻ viêm tiểu phế quản nhanh hồi phục
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, nhiều bố mẹ lo lắng không biết liệu bệnh có thể tự khỏi được không và phải chăm sóc như thế nào để con nhanh hồi phục. Thực tế, nếu được chăm sóc đúng cách và theo dõi chặt chẽ, hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ đều có thể cải thiện sau vài ngày đến vài tuần.
- Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là cho trẻ nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, tránh khói bụi và khói thuốc lá. Không nên để trẻ mặc đồ quá dày hoặc bó sát, thay vào đó, hãy nới rộng quần áo để bé dễ thở hơn. Tư thế nằm của trẻ cũng rất quan trọng, nên đặt trẻ nằm đầu cao để hỗ trợ hô hấp.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch dịch nhầy, ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Nếu trẻ bị sốt từ 38,5°C trở lên, cha mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.
- Về dinh dưỡng, đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên tiếp tục cho bé bú nhiều hơn để bổ sung nước và tăng cường sức đề kháng. Với trẻ lớn hơn đã bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ ăn cháo loãng, súp, uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây để làm loãng đờm và giúp đường thở thông thoáng hơn. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, lựa chọn món ăn mềm, dễ tiêu hóa để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn.
- Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ như thuốc long đờm, thuốc giảm ho hoặc các loại thuốc khác tùy vào tình trạng của trẻ. Bố mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng, không tự ý thêm hay bỏ thuốc. Đồng thời, nên đưa trẻ đi tái khám đúng hẹn hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường như: Ho nặng hơn, sốt cao không hạ, thở khò khè, bỏ bú, tím tái môi hoặc đầu chi.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin bé bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi? Thời gian bé bị viêm tiểu phế quản khỏi hẳn thường dao động từ vài ngày đến 2 tuần, tùy thuộc vào mức độ bệnh, sức đề kháng và cách chăm sóc của gia đình. Trong suốt quá trình điều trị, bố mẹ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, giữ môi trường sống thoáng sạch, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường.