icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
xuat_tinh_nguoc_dong_fe314e2397xuat_tinh_nguoc_dong_fe314e2397

Xuất tinh ngược dòng và những điều cần biết

Hà Phương23/07/2025

Xuất tinh ngược dòng là một dạng rối loạn xuất tinh, trong đó tinh dịch thay vì được phóng ra ngoài niệu đạo lại chảy ngược vào bàng quang. Tình trạng này thường không gây đau hay ảnh hưởng rõ rệt đến cảm giác cực khoái, nhưng có thể khiến tinh dịch xuất ra ít, thậm chí không thấy tinh dịch. Đây là một trong những nguyên nhân có thể gây vô sinh ở nam giới và thường liên quan đến tổn thương thần kinh, biến chứng sau phẫu thuật hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Tìm hiểu chung về xuất tinh ngược dòng

Xuất tinh ngược dòng là một tình trạng hiếm gặp trong rối loạn chức năng sinh lý nam giới, xảy ra khi tinh dịch không đi ra ngoài thông qua niệu đạo như bình thường, mà thay vào đó lại chảy ngược vào bàng quang trong lúc xuất tinh. Đây không phải là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống tình dục của người bệnh.

Hiện tượng này có thể xảy ra từng lúc, từng đợt hoặc kéo dài, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thực tế, nhiều nam giới không nhận biết được mình đang mắc phải tình trạng này cho đến khi gặp khó khăn trong việc có con và đi khám vô sinh hiếm muộn.

Trong điều kiện bình thường, cơ vòng bàng quang sẽ đóng lại trong quá trình xuất tinh để ngăn chặn tinh dịch chảy ngược vào bàng quang. Tuy nhiên, ở người mắc chứng xuất tinh ngược dòng, cơ vòng này không đóng đúng lúc, làm cho tinh dịch bị đẩy ngược vào bàng quang thay vì đi ra ngoài niệu đạo.

Triệu chứng xuất tinh ngược dòng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất tinh ngược dòng

Biểu hiện đặc trưng và dễ nhận biết nhất của xuất tinh ngược dòng là không có tinh dịch hoặc rất ít tinh dịch được phóng ra ngoài trong lúc đạt cực khoái. Đây là triệu chứng chính và thường khiến bạn lo lắng, ngờ vực về khả năng sinh lý của bản thân. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cảm giác cực khoái vẫn diễn ra bình thường, nhưng không có tinh dịch hoặc chỉ thấy một lượng nhỏ, loãng bất thường.
  • Nước tiểu sau xuất tinh có màu đục, thường là do có tinh dịch trong nước tiểu.
  • Khó có con dù quan hệ tình dục đều đặn và không dùng biện pháp tránh thai.
  • Một số trường hợp có thể tiểu buốt nhẹ hoặc cảm giác khó chịu sau khi xuất tinh, nhưng hiếm gặp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xuất tinh ngược dòng

Mặc dù tình trạng xuất tinh ngược dòng không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu kéo dài và không được điều trị phù hợp, có thể dẫn đến những biến chứng như:

  • Vô sinh ở nam giới: Đây là biến chứng đáng ngại nhất, bởi tinh dịch không được đưa vào âm đạo nên khả năng thụ thai gần như không thể xảy ra.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý: Việc không xuất tinh bình thường khiến nhiều nam giới cảm thấy mất tự tin, mặc cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vợ chồng.
  • Giảm ham muốn tình dục: Do mất đi sự hoàn thiện trong quá trình quan hệ, nam giới có thể trở nên lãnh cảm, né tránh chuyện chăn gối.
  • Biến chứng tiết niệu (nếu có kèm nhiễm trùng hoặc bệnh lý nền): Đôi khi tinh dịch trong bàng quang có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm bàng quang.
Xuất tinh ngược dòng 1
Xuất tinh ngược dòng có thể gây tình trạng vô sinh, giảm ham muốn gây ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi có một trong những biểu hiện sau:

  • Quan hệ tình dục bình thường nhưng không thấy tinh dịch xuất hiện hoặc xuất ra rất ít, kéo dài từ 2 lần trở lên.
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân sau thời gian dài cố gắng thụ thai.
  • Nghi ngờ nước tiểu có tinh dịch (màu đục, có mùi lạ).
  • Cảm giác đau, khó chịu khi xuất tinh, tiểu tiện sau quan hệ.

Nguyên nhân gây ra xuất tinh ngược dòng

Nguyên nhân bị xuất tinh ngược dòng có thể đến từ nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Tổn thương hệ thần kinh tự chủ: Những bệnh lý như đái tháo đường lâu năm, đa xơ cứng, tổn thương tủy sống… có thể làm rối loạn kiểm soát thần kinh cơ vòng bàng quang.
  • Phẫu thuật vùng chậu: Các thủ thuật như phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, phẫu thuật bàng quang, niệu đạo, cột sống vùng thắt lưng… có thể làm tổn thương cơ vòng hoặc dây thần kinh điều khiển xuất tinh.
  • Dùng thuốc: Một số thuốc điều trị huyết áp cao, trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị rối loạn tâm thần có thể gây tác dụng phụ làm suy giảm trương lực cơ vòng bàng quang.
  • Bẩm sinh hoặc dị dạng niệu đạo - cơ vòng: Một số ít trường hợp có cơ vòng bẩm sinh không hoàn thiện hoặc dị dạng cấu trúc.
  • Chấn thương vùng tiểu khung hoặc cột sống thắt lưng cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp.
Xuất tinh ngược dòng 2
Tiền sử phẫu thuật vùng chậu là một trong những nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng

Nguy cơ mắc phải xuất tinh ngược dòng

Những ai có nguy cơ mắc bệnh xuất tinh ngược dòng?

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao gặp phải tình trạng xuất tinh ngược dòng:

  • Nam giới bị đái tháo đường tuýp 1 hoặc 2 lâu năm, đặc biệt là có biến chứng thần kinh.
  • Người đã từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt hoặc cổ bàng quang.
  • Bệnh nhân đa xơ cứng, tổn thương tủy sống, liệt tứ chi.
  • Người sử dụng thuốc điều trị bệnh thần kinh hoặc tim mạch lâu dài.
  • Nam giới có tiền sử bị tổn thương vùng đáy chậu do tai nạn hoặc va đập mạnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xuất tinh ngược dòng

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất tinh ngược dòng:

  • Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia thường xuyên.
  • Stress, căng thẳng kéo dài, rối loạn nội tiết tố.
  • Tuổi ngày càng cao khi đó cơ vòng bàng quang suy yếu theo thời gian, làm tăng nguy cơ xuất tinh ngược dòng ở nam giới lớn tuổi.
  • Lạm dụng thuốc không kê đơn hoặc điều trị bằng thuốc Đông y không kiểm soát.
Xuất tinh ngược dòng 3
Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất tinh ngược dòng

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xuất tinh ngược dòng

Để xác định bạn có bị xuất tinh ngược dòng hay không, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về lịch sử quan hệ tình dục, cảm giác khi đạt cực khoái, có hay không hiện tượng “xuất tinh khô”, lượng tinh dịch mỗi lần xuất tinh, và đặc biệt là màu sắc nước tiểu sau quan hệ.

Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu sau xuất tinh. Nếu phát hiện có tinh trùng trong nước tiểu, đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy tinh dịch đã đi ngược vào bàng quang.

Ngoài ra, để loại trừ các nguyên nhân khác gây rối loạn xuất tinh, bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm nội tiết, bao gồm đánh giá nồng độ testosterone, FSH, LH và các hormone liên quan đến chức năng của tuyến yên và tinh hoàn.

Trong những trường hợp nghi ngờ có tổn thương thực thể ở hệ tiết niệu sinh dục, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm hệ tiết niệu hoặc nội soi bàng quang để kiểm tra xem có bất thường về cấu trúc hay tổn thương thần kinh vùng cổ bàng quang.

Điều trị xuất tinh ngược dòng

Việc điều trị xuất tinh ngược dòng phụ thuộc vào nguyên nhân nền, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng sống hoặc khả năng sinh sản, và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Nội khoa

Trong hầu hết các trường hợp nếu không có tổn thương thực thể rõ ràng, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị bằng thuốc.

  • Thuốc làm tăng trương lực cơ vòng bàng quang, như ephedrine, imipramine hoặc pseudoephedrine. Những thuốc này giúp tăng cường hoạt động của cơ vòng cổ bàng quang, làm kín lối vào bàng quang trong quá trình xuất tinh, từ đó ngăn tinh dịch đi ngược vào bên trong.
  • Thuốc hỗ trợ nội tiết, được sử dụng nếu xét nghiệm cho thấy có sự mất cân bằng hormone, chẳng hạn như suy giảm testosterone hoặc rối loạn trục hạ đồi - tuyến yên - tinh hoàn.
  • Liệu pháp hỗ trợ sinh sản có thể được cân nhắc nếu các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả mong muốn, đặc biệt ở những trường hợp bạn vẫn không thể xuất tinh ra ngoài dù đã điều trị đúng hướng. Trong tình huống này, bác sĩ sẽ phối hợp với chuyên gia hiếm muộn để hỗ trợ quá trình thụ thai.

Ngoại khoa

Can thiệp ngoại khoa được áp dụng khi xuất tinh ngược dòng có liên quan đến các nguyên nhân giải phẫu hoặc có tổn thương thực thể, bao gồm:

  • Dị dạng cơ vòng bàng quang bẩm sinh, làm mất khả năng đóng kín cổ bàng quang trong lúc xuất tinh.
  • Tổn thương cổ bàng quang hoặc niệu đạo, có thể do chấn thương, phẫu thuật trước đó hoặc biến chứng của các thủ thuật niệu khoa - cần được phẫu thuật chỉnh sửa để phục hồi chức năng giải phẫu.
  • Thủ thuật lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn, được chỉ định trong các trường hợp không thể phục hồi khả năng xuất tinh ra ngoài. Tinh trùng thu được sẽ được sử dụng trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI).
Xuất tinh ngược dòng 4
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF giúp hỗ trợ tình trạng vô sinh do xuất tinh ngược dòng

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa xuất tinh ngược dòng

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất tinh ngược dòng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục đều đặn: Các bài tập như đi bộ nhanh, đạp xe, yoga và bài tập Kegel giúp tăng cường lưu thông máu, cải thiện hoạt động cơ vòng bàng quang và vùng chậu.
  • Quan hệ tình dục điều độ: Duy trì quan hệ tình dục với tần suất phù hợp, tránh thủ dâm quá mức hoặc quan hệ trong tình trạng mệt mỏi, say rượu.
  • Tránh căng thẳng, stress kéo dài: Có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và phản xạ thần kinh điều khiển xuất tinh. Thiền, hít thở sâu, ngủ đủ giấc là các biện pháp hữu ích.
  • Hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và chất kích thích, vì chúng làm tổn thương hệ thần kinh và giảm chức năng sinh lý.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu kẽm, selen, vitamin E như hàu, hải sản, hạt bí, trứng, bơ và rau xanh giúp tăng cường sinh lý và chất lượng tinh trùng.
  • Uống đủ nước giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ thải độc đường tiết niệu và tăng cường hoạt động thần kinh.
  • Giảm ăn đồ chiên rán, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn và đường tinh luyện để tránh rối loạn chuyển hóa.
  • Ăn uống lành mạnh và đa dạng ưu tiên cá béo (cá hồi, cá thu), các loại hạt, trái cây tươi và gia vị như gừng, tỏi, nghệ.
Xuất tinh ngược dòng 5
Nam giới cần có chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng

Phòng ngừa xuất tinh ngược dòng

Xuất tinh ngược dòng có thể khiến nhiều bạn lo lắng, nhất là khi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy không phải lúc nào cũng ngăn chặn được hoàn toàn, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng những thói quen đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày:

  • Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và các bệnh lý thần kinh nền.
  • Tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc quá liều, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, trị rối loạn tâm thần.
  • Khám nam khoa định kỳ, đặc biệt nếu có dấu hiệu rối loạn xuất tinh.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu và ổn định hệ thần kinh tự chủ.
  • Ngủ đủ giấc, tránh stress kéo dài, hạn chế rượu bia và không hút thuốc lá.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Không. Người bệnh vẫn có ham muốn tình dục và cảm giác cực khoái bình thường, chỉ khác ở chỗ tinh dịch không được xuất ra ngoài như bình thường.

Nếu xuất tinh ngược dòng không gây khó chịu, không kèm triệu chứng khác và bạn không có nhu cầu sinh con, thì không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, vẫn nên khám chuyên khoa để theo dõi tình trạng sức khỏe và phòng ngừa biến chứng về sau.

Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân nền. Nếu nguyên nhân là do thuốc, có thể cải thiện sau khi ngưng thuốc. Nếu do tổn thương thần kinh (như đái tháo đường lâu năm), khả năng hồi phục hoàn toàn sẽ thấp hơn, nhưng vẫn có thể kiểm soát triệu chứng hoặc hỗ trợ sinh sản thành công.

Xem thêm thông tin: Xuất tinh ngược dòng có chữa được không?

Có. Một số trường hợp xuất tinh ngược chỉ xảy ra tạm thời, do căng thẳng, sử dụng thuốc ngắn hạn, hoặc sau thủ thuật y tế. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Không liên quan. Tuy nhiên, nguy cơ tăng lên theo tuổi, đặc biệt ở những người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc có tiền sử phẫu thuật vùng niệu - sinh dục.