Tìm hiểu chung về xuất huyết giảm tiểu cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu (Immune Thrombocytopenia) hay còn gọi xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, là một rối loạn giảm tiểu cầu, khiến máu không thể đông bình thường. Khi máu không thể hình thành cục máu đông, bạn có thể dễ bị bầm tím, chảy máu nhiều khi bị thương hoặc thậm chí chảy máu không rõ nguyên nhân.
Xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra khi hệ thống miễn dịch có số lượng tiểu cầu giảm trong vòng tuần hoàn. Trong một số trường hợp, xuất huyết giảm tiểu cầu có thể tự khỏi hoặc thuyên giảm sau khi điều trị. Tuy nhiên, đôi khi xuất huyết giảm tiểu cầu trở thành bệnh mạn tính, có nghĩa là các triệu chứng có thể được kiểm soát nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Những người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu mạn tính có thể cần được điều trị suốt đời.
Xuất huyết giảm tiểu cầu được chia thành hai loại, bao gồm:
- Xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát: Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công tiểu cầu. Khoảng 80% trường hợp là xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát. Các chuyên gia cho rằng xuất huyết giảm tiểu cầu là một rối loạn tự miễn.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu thứ phát: Xảy ra khi có các bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm trùng mạn tính, ung thư máu hoặc rối loạn tự miễn gây ảnh hưởng đến tiểu cầu.
Xuất huyết giảm tiểu cầu còn có thể được phân loại dựa trên thời gian mắc bệnh:
- Xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính: Thường tự khỏi trong vòng ba tháng. Dạng này thường gặp ở trẻ em hơn so với người lớn.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu dai dẳng: Kéo dài từ ba đến 12 tháng.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu mạn tính: Kéo dài từ một năm trở lên.
Triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu
Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu
Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể không có triệu chứng, nhưng nếu có, triệu chứng có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, bao gồm:
- Đốm xuất huyết (Petechiae): Xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ màu đỏ hoặc tím trên cẳng chân, trông giống như phát ban.
- Ban xuất huyết (Purpura): Khi các chấm xuất huyết kết hợp lại, tạo thành các đốm đỏ, tím hoặc nâu trên da. Các đốm này lớn hơn chấm xuất huyết nhưng nhỏ hơn vết bầm. Nguyên nhân do các mạch máu nhỏ dưới da bị rỉ máu.
- Bầm tím: Xuất hiện khi máu tụ lại dưới da. Bạn có thể dễ bị bầm tím hơn bình thường hoặc có vết bầm không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu chân răng: Có thể thấy máu trên bàn chải đánh răng, nướu có thể sưng.
- Máu trong phân: Phân có thể có màu đỏ sẫm.
- Máu trong nước tiểu: Nếu nước tiểu có màu hồng nhạt, có thể bạn bị tiểu ra máu.
- Kinh nguyệt kéo dài hoặc ra nhiều: Nếu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày hoặc lượng máu ra nhiều hơn bình thường, có thể bạn bị rong kinh.
- Chảy máu cam: Xuất hiện máu từ mũi của bạn.
- Tụ máu (Hematoma): Một vết bầm lớn do máu tích tụ nhiều dưới da.
- Mệt mỏi: Bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
/2_2beda32ed0.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện vết bầm mới hoặc chấm xuất huyết không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng của bạn đang trở nên nghiêm trọng hơn. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra số lượng tiểu cầu và chức năng đông cầm máu của bạn.
Nguyên nhân gây xuất huyết giảm tiểu cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể nhầm lẫn nhận diện tế bào của cơ thể là tác nhân xâm nhập, sau đó kích hoạt các tế bào miễn dịch khác tấn công tiểu cầu. Bình thường khi mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ đến tập trung tại khu vực tổn thương và kết dính lại để tạo cục máu đông nhằm cầm máu. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân kích hoạt hệ miễn dịch tấn công tiểu cầu.
Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), nhiễm vi khuẩn H. pylori hoặc viêm gan C có nguy cơ cao xuất hiện xuất huyết giảm tiểu cầu.
Ngoài các nguyên nhân thường gặp kể trên, một số bằng chứng y văn ghi nhận rằng các nhiễm virus cấp tính, đặc biệt là sốt xuất huyết do virus Dengue, cũng có thể đóng vai trò kích hoạt tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thứ phát. Trong giai đoạn cấp tính của sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu thường gặp do nhiều cơ chế phối hợp như ức chế tủy xương, tăng tiêu thụ tiểu cầu và đáp ứng miễn dịch bất thường. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sau khi đã hồi phục lâm sàng, bệnh nhân vẫn xuất hiện ban xuất huyết và giảm tiểu cầu kéo dài, được chẩn đoán là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thứ phát. Cơ chế bệnh sinh được cho là liên quan đến việc hình thành tự kháng thể chống tiểu cầu dưới tác động hậu nhiễm virus. Dù hiếm gặp, đây là một nguyên nhân cần được cân nhắc trong đánh giá giảm tiểu cầu kéo dài sau nhiễm virus Dengue.
Nguy cơ mắc phải xuất huyết giảm tiểu cầu
Những ai có nguy cơ mắc phải xuất huyết giảm tiểu cầu?
Xuất huyết giảm tiểu cầu hiếm gặp. Mỗi năm có khoảng 4 trên 100.000 trẻ em và 3 trên 100.000 người lớn ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh này.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xuất huyết giảm tiểu cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu thường gặp hơn ở phụ nữ trẻ. Nguy cơ mắc bệnh dường như cao hơn ở những người cũng mắc các bệnh tự miễn khác, trong đó hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp.
/4_5a85d00a94.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu
Trước khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để kiểm tra tình trạng xuất huyết dưới da. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền căn bệnh vì các triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu có thể giống với các rối loạn xuất huyết khác. Ngoài ra, xuất huyết giảm tiểu cầu có thể là một biến chứng của ung thư máu, do đó bác sĩ cần loại trừ các nguyên nhân khác trước khi đưa ra chẩn đoán.
Một số xét nghiệm chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu:
- Công thức máu toàn phần.
- Phết máu ngoại biên.
- Nếu có nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan C hoặc H. pylori, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng này.
/5_6c3830c5e2.png)
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu
Thường trẻ em mắc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có triệu chứng nhẹ và không cần điều trị, nhưng hầu hết người lớn sẽ cần phải điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để tăng số lượng tiểu cầu hoặc ngăn hệ miễn dịch tấn công tiểu cầu. Các loại thuốc có thể bao gồm:
- Corticosteroid để tạm thời ngăn kháng thể phá hủy tiểu cầu.
- Immunoglobulin hoặc thuốc kích thích thụ thể thrombopoietin để tăng sản xuất tiểu cầu.
- Thuốc ức chế miễn dịch để giảm hoạt động của hệ miễn dịch.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị:
- Điều trị nhiễm trùng: Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây giảm tiểu cầu tạm thời, điều trị nhiễm trùng có thể giúp cải thiện tình trạng chảy máu.
- Tránh một số loại thuốc: Bác sĩ có thể yêu cầu ngừng dùng aspirin, thuốc chống đông hoặc các thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Truyền tiểu cầu: Nếu chảy máu nghiêm trọng, có thể cần truyền tiểu cầu.
- Phẫu thuật cắt lách: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ lách để cải thiện tình trạng bệnh.
/6_40e666448b.png)
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa xuất huyết giảm tiểu cầu
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất huyết giảm tiểu cầu
Để hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống, người bệnh nên chú ý đến chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng, sau đây là một số gợi ý:
Chế độ sinh hoạt:
- Tránh hoạt động dễ gây chấn thương: Hạn chế các hoạt động thể chất mạnh, thể thao đối kháng hoặc công việc có nguy cơ cao gây chấn thương để giảm nguy cơ chảy máu.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người: Tránh đến những nơi đông người hoặc khu vực có dịch bệnh để giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
- Chăm sóc răng miệng cẩn thận: Sử dụng bàn chải mềm và tránh các thủ thuật nha khoa không cần thiết để giảm nguy cơ chảy máu.
Chế độ dinh dưỡng:
- Thực phẩm giàu sắt: Nên bổ sung các thực phẩm như gan bò, đậu, rau có màu xanh đậm và hạt bí ngô.
- Thực phẩm giàu folate (vitamin B9): Các nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm rau cải xanh, rau chân vịt, ngũ cốc và đậu trắng.
- Thực phẩm giàu vitamin B12: Có thể bổ sung qua trứng, thịt bò, gan bò, cá hồi và cá ngừ.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ chức năng tiểu cầu. Nên ăn bông cải xanh, cải Brussel, cam, bưởi, kiwi, ớt chuông và dâu tây.
- Thực phẩm giàu vitamin A: Các nguồn thực phẩm bao gồm cà rốt, bí đỏ, đu đủ và khoai lang.
- Uống đủ nước: Duy trì lượng nước cần thiết giúp hỗ trợ chức năng của tiểu cầu và cơ thể.
/7_93e09e7c76.png)
Phòng ngừa xuất huyết giảm tiểu cầu
Bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để phòng ngừa xuất huyết giảm tiểu cầu:
- Hạn chế sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn: Rượu bia có thể gây giảm số lượng và chức năng của tiểu cầu, tăng nguy cơ xuất huyết.
- Thận trọng với thuốc không kê đơn: Một số thuốc giảm đau như ibuprofen và aspirin có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường: Những thực phẩm này có thể gây viêm và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hạn chế thức ăn nhanh, bánh kẹo và nước ngọt.