Sởi là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Việc phát hiện sớm sởi có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị bệnh kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Với sự phát triển của các dịch vụ y tế, xét nghiệm sởi tại nhà trở thành giải pháp hữu ích, giúp người bệnh dễ dàng kiểm tra sức khỏe mà không cần đến bệnh viện, vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tổng quan về bệnh sởi
Sởi (Measles) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Measles (thuộc chi Morbillivirus, họ Paramyxoviridae) gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa Đông – Xuân. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và có tốc độ lây lan nhanh nếu không được kiểm soát kịp thời.
Thời gian ủ bệnh sởi thường kéo dài từ 12 - 14 ngày, nhưng trong một số trường hợp, có thể lên đến 21 ngày tùy thuộc vào thể trạng và mức độ nhiễm virus của từng người. Để nhận biết bệnh sớm, có thể dựa vào các dấu hiệu theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh (10 - 14 ngày đầu tiên): Giai đoạn này hầu như không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh khó nhận biết sự xuất hiện của virus trong cơ thể.
- Giai đoạn khởi phát (2 - 4 ngày): Người bệnh có thể bị sốt cao kèm theo viêm thanh quản cấp, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm kết mạc. Niêm mạc miệng có thể xuất hiện những hạt nhỏ màu trắng với quầng đỏ xung quanh, kích thước khoảng từ 0,5 – 1mm.
- Giai đoạn toàn phát (2 - 5 ngày): Sau khi sốt, các nốt ban bắt đầu xuất hiện từ vùng tai, gáy rồi lan dần khắp cơ thể. Lúc này, da có biểu hiện ban hồng dát sẩn, căng da. Khi ban lan rộng trên toàn thân, thân nhiệt của người bệnh cũng có xu hướng giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Các nốt ban bắt đầu mờ đi, bong vảy và tự biến mất nếu không có biến chứng. Thời gian hồi phục có thể khác nhau ở từng bệnh nhân, tùy thuộc vào sức khỏe và khả năng miễn dịch của mỗi người.
/xet_nghiem_soi_tai_nha_va_cach_phong_ngua_hieu_qua_2_4ea72d4477.png)
Mặc dù sởi là bệnh lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng sốt cao kéo dài, phát ban ít nhưng kèm theo đau nhức toàn thân, thậm chí có nguy cơ viêm phổi nặng.
Xét nghiệm sởi tại nhà là gì?
Xét nghiệm sởi tại nhà là hình thức nhân viên y tế đến tận địa chỉ khách hàng yêu cầu theo thời gian đã hẹn trước để lấy mẫu bệnh phẩm đưa đến bệnh viện làm xét nghiệm nhằm giúp khách hàng biết được họ có bị bệnh sởi hay không. Với phương thức làm việc này, không cần đến cơ sở y tế khách hàng vẫn được làm xét nghiệm và trả kết quả tại nhà hoặc theo phương thức mà khách hàng mong muốn.
Hiện có 3 loại xét nghiệm sởi tại nhà thông dụng, bao gồm:
- Xét nghiệm kháng thể IgM: Thường được sử dụng để xác định giai đoạn cấp của bệnh.
- Xét nghiệm kháng thể IgG: Thường được sử dụng để xác định bệnh nhân có từng mắc bệnh sởi trong quá khứ hay chưa và xác định hiệu giá kháng thể ở lần tiêm vắc xin trước đó.
- Xét nghiệm PCR: Cho phép phát hiện sớm virus sởi thông qua kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR (Real time Polymerase chain reaction), tìm ra RNA của virus ngay trong thời kỳ ủ bệnh hoặc sau phát ban 3 ngày. Đây là xét nghiệm đặc biệt vì có khả năng giúp chẩn đoán sớm và là xét nghiệm xác định nếu kết quả hai xét nghiệm trên dương tính.
/xet_nghiem_soi_tai_nha_va_cach_phong_ngua_hieu_qua_4_a1bff0b214.png)
Cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh sởi, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Rửa tay sạch sẽ: Thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Tắm rửa hằng ngày, thường xuyên súc miệng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để tăng đề kháng và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Giữ không gian sống sạch sẽ: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, giữ không khí thông thoáng, làm sạch bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi để loại bỏ vi khuẩn và virus gây bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh: Tránh để trẻ tiếp xúc với người bị sởi hoặc có dấu hiệu mắc bệnh. Nếu bắt buộc, cần đeo khẩu trang y tế, rửa tay sạch và hạn chế thời gian tiếp xúc.
- Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong bữa ăn, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Đảm bảo trẻ uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng để nâng cao sức đề kháng.
/xet_nghiem_soi_tai_nha_va_cach_phong_ngua_hieu_qua_3_36bc527748.png)
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tại nhà, tiêm vắc xin đúng lịch là cách bảo vệ hiệu quả nhất với tỷ lệ phòng bệnh lên đến 97%. Những người chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ về lịch tiêm trước đây đều cần được tiêm chủng, đặc biệt trẻ nhỏ cần tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi: mũi đầu tiên khi 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 15 tháng tuổi.
Tùy theo nhu cầu và độ tuổi, phụ huynh có thể lựa chọn vắc xin sởi đơn lẻ như MVVac (Việt Nam) hoặc các loại vắc xin phối hợp như Priorix (Bỉ), MMR II (Mỹ) giúp phòng ngừa đồng thời sởi, quai bị và rubella. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không được tiêm vắc xin sởi để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm phòng, bố mẹ nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn. Một trong những địa điểm đáng tin cậy là Trung tâm Tiêm chủng Long Châu với hệ thống cơ sở rộng khắp cả nước. Tại đây, khách hàng sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe trước khi tiêm, đồng thời nhận được sự hướng dẫn chi tiết về quy trình tiêm chủng từ các chuyên gia y tế.
/xet_nghiem_soi_tai_nha_va_cach_phong_ngua_hieu_qua_1_b97ce5beaa.png)
Xét nghiệm sởi tại nhà không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn giúp phát hiện bệnh kịp thời, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, mỗi người nên chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi cũng như chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.