Tìm hiểu chung về viêm khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm là một khớp bản lề kết nối xương hàm dưới với xương thái dương của hộp sọ, nằm ngay phía trước mỗi tai. Khớp này cho phép bạn di chuyển hàm lên xuống và sang hai bên để nói chuyện, nhai và ngáp.
Viêm khớp thái dương hàm hay rối loạn khớp thái dương hàm là các tình trạng ảnh hưởng đến khớp hàm và các cơ, dây chằng xung quanh. Những tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm đau hàm, đau đầu và khó khăn khi mở hoặc đóng miệng.
Triệu chứng viêm khớp thái dương hàm
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm thường gây ra đau đớn và khó chịu nghiêm trọng. Tình trạng này có thể tạm thời hoặc kéo dài nhiều năm và có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên mặt.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác nhạy cảm ở mặt, vùng khớp hàm, cổ, vai và xung quanh tai khi nhai, nói chuyện hoặc mở miệng rộng.
- Khó khăn khi cố gắng mở miệng rộng, há miệng ra bị đau.
- Hàm bị “kẹt” hoặc “khóa” ở tư thế mở hoặc đóng miệng.
- Tiếng kêu lục cục, lách cách hoặc nghiến trong khớp khi mở hoặc đóng miệng hay khi nhai, có thể kèm theo đau hoặc không.
- Cảm giác mỏi ở cơ mặt.
- Khó nhai hoặc cảm giác sai khớp cắn đột ngột, như thể hàm trên và hàm dưới không khớp với nhau đúng cách.
- Sưng ở một bên mặt (sưng mặt).
- Đau quai hàm.
- Đau răng.
- Đau tai.
- Vấn đề về thính giác hoặc ù tai.
- Nhức đầu hoặc đau nửa đầu.
- Chóng mặt.
- Tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay.
- Đau cổ và vai trên.
/viem_khop_thai_duong_ham_4_d5af0a6838.jpeg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:
- Đau mãn tính, ảnh hưởng đến hàm, mặt, cổ và vai.
- Hạn chế chức năng nhai, khiến việc ăn uống của bạn trở nên khó khăn.
- Mòn răng do nghiến răng, có thể làm tổn thương men răng và gây nhạy cảm cho răng.
Một số yếu tố có thể chồng chéo lên nhau, khiến việc xác định nguyên nhân chính xác gây bệnh trở nên khó khăn. Trong một số trường hợp, có thể cần mất thời gian để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho bạn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn bị đau khớp thái dương hàm kéo dài, hàm kêu lục cục hoặc có các triệu chứng khác, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây đau hàm và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Không có một nguyên nhân duy nhất gây ra viêm khớp thái dương hàm. Thay vào đó, tình trạng này có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm
- Chấn thương hàm (như gãy hoặc trật khớp hàm);
- Nghiến răng hoặc siết chặt răng;
- Viêm khớp ở khớp hàm;
- Sai khớp cắn (khi răng không khớp đúng vị trí);
- Căng thẳng.
Những thói quen có thể làm viêm khớp thái dương hàm trở nên nặng hơn
Bạn không thể kiểm soát hoàn toàn các nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm, nhưng một số thói quen có thể làm tình trạng này nặng nề hơn, bao gồm:
- Dùng răng để cắn, xé đồ vật (như xé nhãn quần áo).
- Tư thế xấu (gây áp lực lên cơ cổ, vai và mặt).
- Cắn bút, bút chì hoặc các vật dụng khác (thói quen thường gặp khi căng thẳng).
- Nhai đá hoặc nhai kẹo cao su quá mức.
- Cắn miếng thức ăn quá to (gây căng cơ hàm).
- Siết chặt răng hoặc nghiến răng vào ban ngày.
- Nằm ngủ sấp xuống gối.
/viem_khop_thai_duong_ham_5_fcd4a673a0.jpeg)
Nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm?
Những người có nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm là:
- Tuổi: Viêm khớp thái dương hàm phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.
- Nữ giới: Có giả thuyết cho rằng estrogen có thể đóng vai trò trong sự phát triển của viêm khớp thái dương hàm.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp thái dương hàm là:
- Tư thế sinh hoạt kém: Việc duy trì tư thế không đúng có thể gây căng thẳng lên cơ cổ và mặt, làm tăng nguy cơ rối loạn khớp hàm.
- Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng có thể dẫn đến thói quen nghiến răng hoặc siết chặt hàm, gây áp lực lên khớp hàm.
- Tính linh hoạt của khớp: Một số người có khớp hàm di chuyển quá mức, làm tăng nguy cơ gặp vấn đề với viêm khớp thái dương hàm.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm khớp thái dương hàm
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm khớp thái dương hàm
Rối loạn khớp thái dương hàm có thể khó chẩn đoán vì không có xét nghiệm tiêu chuẩn nào để chẩn đoán chính xác bệnh này. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt hoặc chuyên khoa tai mũi họng để đánh giá tình trạng của bạn.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi xem bạn có tiền sử đau mặt hoặc đau hàm khi nhai, cắn hoặc mở miệng không; bạn có bị kêu răng rắc, kêu lục cục hoặc có tiếng động khi mở hoặc đóng miệng không.
Bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị đau mặt hoặc đau hàm khi cử động hàm hay không hoặc không thể mở rộng miệng. Họ cũng sẽ kiểm tra xem có tiếng bất thường ở khớp thái dương hàm khi bạn mở hoặc đóng miệng không.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:
- Chụp X-quang: X-quang hàm và răng thường yêu cầu bạn cắn xuống một miếng ngậm nhỏ khi bác sĩ nha khoa di chuyển máy chụp quanh đầu bạn. Hình ảnh này giúp quan sát cấu trúc xương quanh khớp hàm cũng như vị trí của răng.
- Chụp CT-scan: Chụp cắt lớp vi tính giúp bác sĩ thấy rõ hơn xương và mô khớp so với X-quang thông thường.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ có thể giúp phát hiện các vấn đề về cấu trúc của khớp hàm. MRI sử dụng từ trường mạnh để tạo hình ảnh chi tiết về cơ quan và mô trong cơ thể.
/viem_khop_thai_duong_ham_6_14d3d931b1.jpeg)
Việc sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Điều trị viêm khớp thái dương hàm
Phương pháp điều trị phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Các bác sĩ thường ưu tiên các phương pháp không xâm lấn trước, chẳng hạn như dùng thuốc hoặc điều trị không phẫu thuật. Nếu triệu chứng của bạn không cải thiện, có thể cần can thiệp phẫu thuật.
Nội khoa
Dùng thuốc
Viêm khớp thái dương hàm uống thuốc gì? Một số loại thuốc không kê đơn và thuốc theo toa có thể giúp giảm triệu chứng viêm khớp thái dương hàm, bao gồm:
- Thuốc giảm đau như acetaminophen.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen.
- Thuốc giãn cơ, đặc biệt hữu ích nếu bạn thường nghiến răng hoặc siết chặt hàm.
- Thuốc chống trầm cảm, có thể làm giảm cơn đau của bạn.
Điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:
- Dụng cụ bảo vệ răng miệng: Các thiết bị như máng nhai hoặc nẹp chỉnh nha giúp điều chỉnh hàm vào vị trí tốt hơn hoặc giảm tác động của tình trạng nghiến răng. Bạn nên sử dụng loại được thiết kế riêng bởi nha sĩ thay vì mua sẵn ngoài thị trường.
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các bài tập giúp kéo giãn hàm và tăng cường sức mạnh cơ xung quanh khớp hàm.
- Tiêm tại điểm kích hoạt (Trigger point injection): Tiêm corticosteroid hoặc botulinum toxin vào các điểm đau trong cơ hàm.
- Liệu pháp siêu âm: Sử dụng sóng siêu âm để tạo nhiệt, tăng lưu thông máu và giúp cơ thư giãn.
- Kích thích thần kinh điện qua da (TENS): Sử dụng dòng điện mức thấp để giúp thư giãn cơ hàm.
- Liệu pháp thay đổi hành vi: Chẳng hạn như cải thiện tư thế hoặc tránh nhai đá.
/viem_khop_thai_duong_ham_7_4dafb98d6b.jpeg)
Ngoại khoa
Nếu thuốc và các phương pháp không phẫu thuật không hiệu quả, bạn có thể cần được can thiệp phẫu thuật. Các loại phẫu thuật viêm khớp thái dương hàm bao gồm:
- Chọc dịch khớp: Sử dụng kim để loại bỏ dịch viêm trong khớp, giúp giảm đau.
- Nội soi khớp thái dương hàm: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ trước tai và đưa vào một ống nhỏ có đèn và camera (phẫu thuật nội soi). Qua đó, bác sĩ có thể điều chỉnh xương, loại bỏ mô sẹo hoặc điều chỉnh đĩa khớp.
- Phẫu thuật mở khớp: Khi điều trị phẫu thuật nội soi không khả thi, bác sĩ có thể rạch một đường lớn để tiếp cận trực tiếp khớp hàm và thực hiện điều chỉnh cần thiết.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp thái dương hàm
Chế độ sinh hoạt:
- Tránh há miệng quá rộng khi ngáp, ăn uống hoặc nói chuyện.
- Hạn chế thói quen nghiến răng, đặc biệt là khi căng thẳng.
- Tránh chống cằm, ngủ nghiêng một bên vì có thể tạo áp lực lên khớp hàm.
- Thực hiện các bài tập giúp tăng cường và thư giãn cơ hàm.
- Chườm nóng hoặc lạnh lên vùng hàm để giảm viêm và đau nhức.
- Tránh làm việc quá sức, dành thời gian thư giãn để hạn chế căng thẳng.
Chế độ dinh dưỡng:
- Hạn chế ăn thực phẩm cứng, ưu tiên ăn thức ăn mềm (để cơ hàm được nghỉ ngơi).
- Cắt nhỏ thức ăn để giảm áp lực lên hàm khi nhai.
- Hạn chế nhai một bên, thay vào đó hãy nhai đều cả hai bên hàm.
Phương pháp phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm hiệu quả
Bạn không thể phòng ngừa hoàn toàn các nguyên nhân và yếu tố gây viêm khớp thái dương hàm vì một số yếu tố nguy cơ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Đeo máng bảo vệ răng vào ban đêm nếu bạn nghiến răng hoặc siết chặt hàm.
- Đeo dụng cụ bảo vệ miệng khi chơi các môn thể thao có va chạm.
- Duy trì tư thế đúng.
- Thực hành thiền, chánh niệm hoặc các kỹ thuật giảm căng thẳng khác.