Tìm hiểu chung về u nhú hậu môn
U nhú hậu môn hay còn gọi mụn cóc hậu môn (condyloma), bệnh mồng gà hậu môn, là những khối u lành tính mọc trong hoặc xung quanh hậu môn. Chúng do Human papilloma virus (HPV) gây ra, đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), lây lan qua tiếp xúc tình dục hoặc tiếp xúc da kề da với người nhiễm virus. U nhú do HPV có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể trong đó có vùng hậu môn.
Một số người không biết mình bị u nhú hậu môn vì chúng không gây đau và không có triệu chứng rõ ràng. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc u nhú hậu môn, hãy đến gặp nhân viên y tế để được thăm khám. Nếu không được điều trị, u nhú hậu môn do một số chủng HPV có thể dẫn đến ung thư hậu môn. Mặc dù hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn HPV, nhưng u nhú hậu môn vẫn có thể điều trị được.
Triệu chứng u nhú hậu môn
Những dấu hiệu và triệu chứng của u nhú hậu môn
Không phải ai mắc bệnh u nhú hậu môn cũng có triệu chứng. HPV có thể tồn tại trong cơ thể ở trạng thái không hoạt động và không gây ra biểu hiện gì. Đối với những người có triệu chứng, một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Các khối mềm ở trong hoặc xung quanh hậu môn.
- Các u màu nâu nhạt, vàng, hồng hoặc màu da, có thể tụ lại thành cụm.
- Chảy máu.
- Ngứa.
- Dịch tiết rò rỉ từ hậu môn (do u nhú nằm bên trong).
U nhú hậu môn lây truyền như thế nào?
U nhú hậu môn do virus HPV gây ra. Bạn có thể bị nhiễm HPV theo hai cách:
- Quan hệ tình dục với người đã nhiễm virus.
- Tiếp xúc trực tiếp với vùng hậu môn hoặc bộ phận sinh dục của người nhiễm, như qua tay hoặc dịch tiết từ các vùng này.
Có hàng chục chủng HPV khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 90% u nhú hậu môn do HPV 6 và HPV 11 gây ra, hai chủng này thường không liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại do các chủng khác gây ra. Dù những chủng này có thể liên quan đến ung thư, nhưng việc có u nhú hậu môn không đồng nghĩa với việc bạn mắc ung thư hoặc chắc chắn sẽ bị ung thư hậu môn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình bị u nhú hậu môn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Cảm thấy có cục u ở vùng hậu môn;
- Cảm giác ngứa hoặc rát;
- Có máu hoặc dịch tiết ra từ hậu môn.
Thông thường, u nhú hậu môn chỉ gây khó chịu chứ không gây đau hay dẫn đến ung thư. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị dựa trên triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bạn.
Nguyên nhân gây u nhú hậu môn
U nhú sinh dục, bao gồm cả u nhú hậu môn, do Human papilloma virus (HPV) gây ra.
HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Ở người trẻ, HPV có thể tự biến mất và không gây ra dấu hiệu hay triệu chứng nào. Tuy nhiên, virus này có thể tồn tại trong cơ thể và gây ra u nhú sinh dục. Một số chủng HPV gây u nhú sinh dục, trong khi các chủng khác có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, chủng HPV gây u nhú hậu môn và sinh dục thường không gây ung thư.
HPV nói chung lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với miệng, hậu môn, dương vật hoặc âm đạo của người nhiễm HPV. Ngoài ra, virus có thể lấy truyền qua tiếp xúc da kề da mà không cần phải qua quan hệ tình dục. HPV vẫn có thể lây truyền ngay cả khi không có u nhú mà bạn nhìn thấy được.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), u nhú sinh dục thường lây lan qua quan hệ tình dục đường âm đạo và hậu môn. CDC cũng cho biết gần như tất cả nam và nữ từng có hoạt động tình dục đều sẽ nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

Nguy cơ mắc phải u nhú hậu môn
Những ai có nguy cơ mắc phải u nhú hậu môn?
U nhú hậu môn là bệnh lây truyền qua đường tình dục được chẩn đoán phổ biến nhất tại Hoa Kỳ.
Cho đến nay, đã có hơn 100 chủng HPV được xác định, trong đó HPV 6 và HPV 11 chủ yếu được tìm thấy ở vùng hậu môn – sinh dục và gây ra khoảng 90% các trường hợp u nhú sinh dục.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u nhú hậu môn
Bạn có nguy cơ cao mắc phải u nhú hậu môn nếu bạn:
- Quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm HPV.
- Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.
- Quan hệ với nhiều bạn tình.
- Có hệ miễn dịch suy yếu.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị u nhú hậu môn
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm u nhú hậu môn
Bác sĩ thường chẩn đoán u nhú hậu môn thông qua thăm khám lâm sàng. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ quan sát các u nhú và kiểm tra da xung quanh hậu môn cũng như vùng sinh dục. Họ có thể cần dùng một dụng cụ nhỏ gọi là ống soi hậu môn để nhìn vào bên trong hậu môn nhằm phát hiện u nhú. Đối với phụ nữ, có thể cần thực hiện khám phụ khoa.
Nếu các u nhú có dấu hiệu bất thường hoặc không đáp ứng điều trị, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết, nghĩa là lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng da nghi ngờ và quan sát dưới kính hiển vi để phân tích.
Điều trị u nhú hậu môn
Việc điều trị u nhú hậu môn sẽ khác nhau tùy theo triệu chứng, vị trí và kích thước của u nhú của mỗi người. Các phương pháp có thể bao gồm thuốc bôi tại chỗ, phẫu thuật hoặc kết hợp nhiều cách điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ theo dõi u nhú trong vài tuần để xem chúng có tự biến mất hay không.
Điều trị tại chỗ
Khi u nhú nhỏ và chỉ nằm ở vùng da quanh hậu môn thường có thể được điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ.
Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị tại chỗ giúp “đóng băng” hoặc “đốt” u nhú, có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ như đau rát hoặc sưng:
- Nitơ lỏng (liệu pháp lạnh): Làm đông lạnh u nhú khiến chúng rụng đi.
- Axit trichloroacetic: Loại axit này được bôi trực tiếp lên mụn cóc để phá hủy mô.
- Đốt điện: Dùng nhiệt để đốt bỏ mụn cóc.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là phương pháp phù hợp để loại bỏ những u nhú lớn hoặc nằm sâu bên trong trực tràng. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ u nhú, thường tại cơ sở ngoại trú và bạn có thể hồi phục tại nhà sau đó. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân trong lúc làm thủ thuật.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa u nhú hậu môn
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh u nhú hậu môn
Người bệnh u nhú hậu môn cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý nhằm hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát.
Chế độ sinh hoạt:
Giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo:
- Rửa nhẹ nhàng sau mỗi lần đi vệ sinh bằng nước ấm, có thể dùng xà phòng dịu nhẹ (không mùi, không gây kích ứng).
- Lau khô vùng hậu môn bằng khăn mềm hoặc để khô tự nhiên, tránh chà xát mạnh.
Tránh gãi hoặc cọ xát vùng có mụn cóc:
Gãi có thể làm tổn thương vùng da bị nhiễm, làm lây lan virus sang vùng khác hoặc người khác.
Quan hệ tình dục an toàn:
- Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng (dental dam) để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV.
- Tránh quan hệ khi đang có triệu chứng hoặc tổn thương hở.
- Cân nhắc kiêng quan hệ cho đến khi điều trị ổn định.
Không dùng chung đồ cá nhân:
Tránh dùng chung khăn tắm, đồ lót, hoặc vật dụng cá nhân khác với người khác.
Tăng cường hệ miễn dịch:
- Ăn uống lành mạnh.
- Ngủ đủ giấc (7 – 8 giờ/ngày).
- Tập thể dục đều đặn (ít nhất 30 phút mỗi ngày).
- Tránh stress kéo dài.
Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia:
Hút thuốc là và uống rượu bia có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho HPV hoạt động mạnh hơn.
Tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Theo dõi tình trạng u nhú, kiểm tra khả năng tái phát.
- Có thể cần điều trị lại nếu u nhú tái phát.
Chế độ dinh dưỡng:
Nên duy trì chế độ ăn giàu vitamin C, A, E và kẽm để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại virus HPV. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, cá, thịt nạc, trứng, đậu hũ và các thực phẩm lên men nhẹ như sữa chua để hỗ trợ hệ miễn dịch. Uống đủ nước mỗi ngày (2 – 2,5 lít) và tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, cay nóng, rượu bia và thuốc lá vì chúng có thể làm tình trạng nặng hơn hoặc kéo dài thời gian hồi phục.

Phòng ngừa u nhú hậu môn
Đặc hiệu
Tiêm vắc xin HPV và quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa u nhú hậu môn. HPV có thể tồn tại trong cơ thể mà không gây ra bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào.
Không đặc hiệu
Một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa u nhú hậu môn bao gồm:
- Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bao cao su có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HPV nhưng không hoàn toàn ngăn ngừa do HPV có thể lây qua vùng da không được bao phủ.
- Tránh quan hệ với người có u nhú hậu môn hoặc sinh dục.
- Kiêng quan hệ tình dục nếu bạn đang có u nhú hậu môn hoặc sinh dục.
- Đi khám và xét nghiệm định kỳ HPV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục (theo khuyến nghị của bác sĩ), đồng thời khuyến khích bạn tình của bạn cũng đi khám.
Tiêm ngừa u nhú hậu môn ở đâu?
Bạn có thể tiêm ngừa HPV gây u nhú hậu môn tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, chúng tôi cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn và chất lượng, với:
- Nguồn vắc xin chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
- Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, tư vấn tận tình về các biện pháp phòng ngừa.
- Quy trình tiêm chủng an toàn, hiện đại, giúp khách hàng yên tâm khi tiêm phòng.