Mụn nhọt thường xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi như lưng, mặt, mông và đặc biệt là vùng nách. Dù không phải bệnh lý nghiêm trọng, nhưng nếu không xử lý đúng cách, mụn nhọt ở nách có thể gây đau, sưng viêm, thậm chí để lại sẹo thâm. Vậy nguyên nhân nào khiến vùng da này dễ bị mụn nhọt và làm thế nào để điều trị hiệu quả?
Nguyên nhân nổi mụn nhọt ở nách phổ biến
Vùng da dưới cánh tay là nơi dễ tích tụ mồ hôi, vi khuẩn và dầu thừa. Nếu không được chăm sóc đúng cách, rất dễ hình thành mụn nhọt ở nách. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Do ma sát và đổ mồ hôi nhiều: Mặc áo quá chật hoặc chất liệu không thoáng khí khiến nách bị ma sát liên tục, kết hợp với mồ hôi tích tụ gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
- Sử dụng dao cạo hoặc nhíp sai cách: Cạo hoặc nhổ lông không đúng kỹ thuật, dùng dụng cụ không vệ sinh khiến da dễ bị tổn thương và nhiễm khuẩn.
- Lông mọc ngược: Khi sợi lông không thể mọc ra ngoài bề mặt da mà bị cuộn lại dưới da sẽ gây viêm, sưng đỏ và tạo thành mụn nhọt.
- Viêm nang lông: Là tình trạng lỗ chân lông bị viêm do vi khuẩn hoặc nấm, gây ra những nốt mụn nhọt nhỏ và đau ở vùng nách.
- Viêm da tiếp xúc: Dị ứng với chất khử mùi, mỹ phẩm dưỡng trắng vùng nách hoặc chất tẩy rửa cũng có thể làm da kích ứng phát ban đỏ. Trong giai đoạn đầu của viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xuất hiện các mụn nước chứa đầy dịch ngay nách.
- Nhiễm trùng nấm men: Vùng nách ẩm ướt dễ tạo môi trường cho nấm phát triển, chúng thường tạo ra các nốt mụn đỏ gây viêm da hoặc chứa đầy dịch mủ bên trong.
- Viêm tuyến mồ hôi mủ (hidradenitis suppurativa): Một tình trạng viêm mãn tính khiến tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, hình thành các nốt mụn đau và dễ tái phát.

Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà cách xử lý mụn nhọt ở nách cũng sẽ khác nhau. Vì vậy, bạn cần quan sát kỹ triệu chứng và tránh áp dụng tùy tiện các mẹo dân gian thiếu kiểm chứng.
Nổi mụn nhọt ở nách làm sao hết?
Nếu mụn mới xuất hiện và chưa có dấu hiệu nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi mụn to dần, đau nhức nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Cách trị mụn nhọt ở nách tại nhà đơn giản, hiệu quả
Mụn nhọt ở nách gây đau, sưng và khó chịu, đặc biệt dễ tái phát nếu không chăm sóc đúng cách. Một số mẹo đơn giản với nguyên liệu tự nhiên dưới đây có thể giúp bạn hỗ trợ làm xẹp mụn, giảm viêm ngay tại nhà:
- Chườm nóng lên nốt mụn nhọt: Chườm nóng là cách đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Hơi nóng giúp làm mềm vùng da bị viêm, kích thích lưu thông máu và hỗ trợ mủ thoát ra dễ dàng hơn. Bạn nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm rồi chườm lên vùng mụn trong khoảng 10 đến 15 phút mỗi ngày.
- Dùng tỏi: Tỏi là nguyên liệu thiên nhiên có tính kháng khuẩn mạnh. Nghiền nát vài tép tỏi rồi đắp nhẹ lên nốt mụn trong vài phút mỗi ngày có thể giúp kháng viêm, giảm sưng và hỗ trợ mụn xẹp nhanh hơn. Tuy nhiên, không nên để tỏi trên da quá lâu để tránh gây bỏng rát.
- Dùng bột ngô: Ít ai biết rằng bột ngô có khả năng hút mủ và làm dịu vùng da viêm. Bạn có thể trộn bột ngô với một ít nước ấm tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi thoa lên vùng da bị mụn. Để khô tự nhiên khoảng 20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
- Dùng nghệ: Nghệ có chứa curcumin, một hoạt chất chống viêm và làm lành da rất tốt. Bạn có thể sử dụng tinh bột nghệ trộn với mật ong nguyên chất rồi bôi lên vùng mụn để hỗ trợ giảm viêm, hạn chế thâm sẹo sau mụn.
Những cách trên chỉ phù hợp với mụn nhọt nhẹ, mới xuất hiện. Nếu mụn sưng to, gây đau dữ dội hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Dùng thuốc Tây chữa mụn nhọt ở nách
Khi mụn nhọt ở nách có biểu hiện nặng hơn, các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc bôi kháng sinh như clindamycin hoặc mupirocin để kiểm soát vi khuẩn. Trong một số trường hợp, thuốc uống kháng sinh hoặc giảm đau có thể được chỉ định để hỗ trợ điều trị sâu hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà không có sự tư vấn chuyên môn.
Hút mụn mủ ở nách
Nếu mụn nhọt đã có mủ lớn, đau nhức và không tự vỡ, bác sĩ có thể thực hiện hút mủ hoặc chích rạch nhẹ nhàng trong điều kiện vô trùng. Thủ thuật này giúp loại bỏ ổ viêm nhanh chóng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là khi mụn nhọt có dấu hiệu lan rộng hoặc đi kèm tình trạng sưng hạch bạch huyết ở vùng lân cận như nách hoặc cổ.

Tùy vào mức độ mụn nhọt ở nách mà bạn có thể lựa chọn điều trị tại nhà hoặc cần đến cơ sở y tế. Điều quan trọng là không nên tự ý nặn mụn, và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Cách chăm sóc vùng da dưới cánh tay để ngừa tái phát
Sau khi điều trị mụn nhọt ở nách, việc chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng để hạn chế mụn tái phát. Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể áp dụng:
- Vệ sinh bằng xà phòng dịu nhẹ: Sử dụng các loại sữa tắm hoặc xà phòng có độ pH cân bằng, dịu nhẹ, tránh sản phẩm có mùi quá nồng hoặc chứa nhiều hóa chất.
- Tránh sử dụng các chất khử mùi gây kích ứng: Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy chọn lăn khử mùi không chứa cồn hoặc hương liệu tổng hợp để giảm nguy cơ dị ứng da.
- Mặc quần áo rộng để tránh ma sát ở nách: Ưu tiên các loại vải cotton, thoáng mát, thấm hút tốt để giảm áp lực lên vùng da dưới cánh tay.
- Ngừng cạo lông nếu đang có mụn ở nách: Việc cạo lông trong thời điểm da đang bị tổn thương có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Nếu cần loại bỏ lông, bạn nên chờ đến khi da hồi phục hoàn toàn.

Mụn nhọt ở nách nếu không chăm sóc đúng cách có thể gây viêm nhiễm, để lại sẹo hoặc tái phát nhiều lần. Đừng chủ quan nếu bạn thấy mụn sưng to, đau nhức hoặc mưng mủ kéo dài. Nếu cần tư vấn y tế, hãy liên hệ Trung tâm tiêm chủng Long Châu để được hỗ trợ kịp thời.