Nhiễm trùng Legionella là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm phổi nghiêm trọng mà không phải ai cũng biết đến. Loại vi khuẩn này thường sống trong môi trường nước và có thể phát tán qua hệ thống làm mát không khí hoặc các thiết bị chứa nước mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Dù không phổ biến như các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng Legionella có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Nhiễm trùng Legionella là gì?
Legionnaires là một dạng viêm phổi nghiêm trọng do vi khuẩn Legionella gây ra, còn được biết đến với tên gọi bệnh lê dương. Bên cạnh đó, vi khuẩn này cũng có thể gây ra sốt Pontiac – một thể bệnh nhẹ hơn với các triệu chứng tương tự như cúm. Trong khi sốt Pontiac thường tự khỏi mà không cần điều trị, thì Legionnaires nếu không được can thiệp y tế kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vi khuẩn Legionella có mặt phổ biến trong đất và các nguồn nước ngọt. Khi nước bị nhiễm khuẩn xâm nhập vào hệ thống đường ống trong các tòa nhà, nó có thể trở thành nguồn lây lan chính. Những đợt bùng phát Legionella thường xuất phát từ hệ thống cấp nước bị ô nhiễm trong các công trình, khiến người dân tiếp xúc với vi khuẩn thông qua việc hít phải các hạt sương li ti phát tán từ vòi sen, máy phun sương, đài phun nước trang trí, bồn tắm massage hoặc từ tháp giải nhiệt của hệ thống điều hòa.
Bệnh không truyền từ người sang người. Khi nhiễm phải, vi khuẩn Legionella chủ yếu gây bệnh ở phổi và dẫn đến Legionnaires. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, vi khuẩn chỉ gây ảnh hưởng ở đường hô hấp trên mà không gây viêm phổi, được gọi là sốt Pontiac – một thể nhẹ hơn. Mặc dù hiếm gặp, nhưng vi khuẩn này cũng có thể lan tới các bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh nền nghiêm trọng.
Triệu chứng của nhiễm trùng Legionella
Sau khi tiếp xúc với vi khuẩn Legionella, các triệu chứng thường không xuất hiện ngay mà sẽ bộc phát sau khoảng từ 2 - 10 ngày. Giai đoạn đầu của bệnh thường khiến người bệnh cảm thấy giống như đang bị cảm cúm, với các dấu hiệu như:
- Đau đầu;
- Nhức mỏi cơ thể;
- Ớn lạnh;
- Sốt cao, có thể trên 40 độ C;
- Cảm giác mệt mỏi kéo dài.

Từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Ho, đôi khi có đờm hoặc lẫn máu;
- Thở khó khăn;
- Đau tức ngực;
- Buồn nôn hoặc nôn ói;
- Các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn;
- Rối loạn tâm thần, lú lẫn hoặc thay đổi trong nhận thức.
Ngoài việc gây tổn thương ở phổi, Legionella đôi khi còn có thể làm phát sinh các tình trạng như nhiễm trùng tại vết thương hoặc viêm cơ tim. Ở thể nhẹ hơn, vi khuẩn này gây ra sốt Pontiac – một dạng bệnh không ảnh hưởng đến phổi. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt, đau đầu, ớn lạnh và đau cơ, nhưng tình trạng này thường tự hết sau khoảng 2 - 5 ngày mà không cần điều trị đặc hiệu.
Yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng Legionella
Không phải ai tiếp xúc với vi khuẩn cũng bị phát bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ tăng cao nếu bạn thuộc một trong các nhóm sau:
- Những người có tiền sử hút thuốc hoặc đang hút thuốc. Hút thuốc gây tổn hại đến phổi, làm giảm sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn do mắc HIV/AIDS hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (như corticoid hoặc thuốc chống thải ghép).
- Người đang mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, suy thận hoặc ung thư.
- Người lớn tuổi, đặc biệt là từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài ra, bệnh Legionnaires còn có thể bùng phát trong môi trường bệnh viện – nơi vi khuẩn có thể tồn tại trong hệ thống nước và bệnh nhân thường có sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường.
Cách chẩn đoán và điều trị viêm phổi do Legionella
Triệu chứng của nhiễm trùng Legionnaires thường giống với các dạng viêm phổi khác. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân do vi khuẩn Legionella. Trong đó, xét nghiệm phát hiện kháng nguyên Legionella trong nước tiểu là cách nhanh chóng và phổ biến nhất. Ngoài ra, có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Chụp X-quang ngực để đánh giá mức độ tổn thương phổi;
- Phân tích mẫu đàm hoặc sinh thiết mô phổi.

Viêm phổi do Legionella được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Việc điều trị sớm đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Phần lớn bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi và chăm sóc y tế. Trong khi đó, ở thể bệnh nhẹ hơn như sốt Pontiac thường sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị và cũng không để lại di chứng nghiêm trọng.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng Legionella
Phòng ngừa bệnh Legionnaires chủ yếu dựa trên việc kiểm soát và làm sạch hệ thống nước trong các công trình như hồ bơi, máy phun sương, hệ thống điều hòa hoặc làm mát không khí. Một số phương pháp hiệu quả gồm:
- Thường xuyên vệ sinh, bảo trì hệ thống, kết hợp khử khuẩn bằng các hóa chất diệt vi sinh vật trong thiết bị làm mát.
- Duy trì nhiệt độ nước nóng ở mức tối thiểu 60°C và nước lạnh dưới 20°C, đồng thời có thể sử dụng thêm chất khử trùng trong hệ thống cấp nước để tiêu diệt vi khuẩn.

Những biện pháp này giúp ngăn ngừa sự phát tán của vi khuẩn từ nguồn nước, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh đến nhiều người cùng lúc. Ngoài ra, mỗi người cũng nên chủ động nâng cao sức khỏe tổng thể và bảo vệ hệ hô hấp bằng cách:
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường hệ miễn dịch.
- Duy trì lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ.
- Tránh hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Thực hiện theo đúng phác đồ điều trị khi đang mắc các bệnh nội khoa khác.
- Đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tự điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nhiễm trùng Legionella tuy không dễ lây từ người sang người nhưng lại có khả năng phát tán mạnh trong môi trường nước nếu không được kiểm soát tốt. Nhận biết sớm các triệu chứng, kết hợp với thăm khám và điều trị kịp thời là cách hiệu quả để phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng. Đồng thời, việc duy trì vệ sinh hệ thống nước và nâng cao sức đề kháng cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Hiện tại, không có vắc xin dành riêng để phòng ngừa nhiễm trùng Legionella. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính hay suy giảm miễn dịch, việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp khác có thể giúp bảo vệ hệ hô hấp và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng nếu không may nhiễm bệnh. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang cung cấp đủ các loại vắc xin giảm nguy cơ viêm phổi và biến chứng liên quan như vắc xin phòng cúm, Hib hay phế cầu khuẩn,... Đặt lịch hẹn và nhận tư vấn nhanh chóng tại hotline 18006928 nhé!