Tìm hiểu chung về lang ben ở trẻ em
Lang ben là một bệnh nhiễm trùng da do nấm, cụ thể là do nấm men sống trên da gây ra. Tên gọi "versicolor" (đa sắc) đề cập đến sự đa dạng về màu sắc của các đốm hoặc mảng da. Các mảng này có thể có màu trắng, hồng, nâu nhạt, vàng nâu hoặc sẫm màu, tùy thuộc vào sắc tố da của trẻ.
Bệnh lang ben xảy ra khi nấm men, vốn bình thường sống trên da với số lượng nhỏ, phát triển quá mức và tăng mạnh về số lượng. Nhiễm trùng này chỉ khu trú ở các lớp trên cùng của da, cụ thể là lớp sừng. Những mảng da này thường xuất hiện ở vùng ngực, lưng, vai, cánh tay trên và ít phổ biến hơn là ở cổ hoặc mặt.
Triệu chứng lang ben ở trẻ em
Những dấu hiệu và triệu chứng của lang ben ở trẻ em
Triệu chứng duy nhất thường thấy của lang ben là sự xuất hiện của các mảng da đổi màu. Những mảng này có thể có vảy rất mịn, giống như vảy gàu. Vảy này thường khó nhận biết khi nhìn bình thường nhưng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi kéo căng hoặc cạo nhẹ vùng da bị ảnh hưởng (dấu hiệu "evoked scale sign").
Về màu sắc, ở những người da sáng màu, tổn thương thường có màu nâu vàng hoặc hồng cá hồi. Trong khi đó, ở những người da sẫm màu, các mảng thường có màu sáng hơn so với vùng da xung quanh, có thể là màu trắng. Đôi khi, có thể xuất hiện cả mảng tăng sắc tố (sẫm màu) và giảm sắc tố (sáng màu) trên cùng một bệnh nhân. Các đặc điểm khác của lang ben bao gồm:
- Thường xuất hiện trên ngực hoặc lưng.
- Vùng mặt thường bị ảnh hưởng và có thể là nơi duy nhất bị bệnh.
- Các mảng bệnh trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ và độ ẩm cao và dễ nhận thấy hơn vào mùa hè.
- Các mảng bệnh cũng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu trẻ đang dùng thuốc steroid hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
- Lang ben thường không gây ngứa hoặc đau. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể than phiền về tình trạng ngứa nhẹ khi thời tiết nóng ẩm.

Tác động của lang ben ở trẻ em với sức khỏe
Sự đổi màu da có thể gây mất thẩm mỹ và gây xấu hổ về mặt xã hội, đặc biệt nếu xuất hiện ở các vùng da hở. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của trẻ, đặc biệt khi trẻ lớn lên và trở nên ý thức hơn về ngoại hình.
Biến chứng có thể gặp lang ben ở trẻ em
Mặc dù lang ben không gây biến chứng nghiêm trọng về mặt y tế nhưng có một số vấn đề cần lưu ý:
- Sự đổi màu da có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi điều trị thành công, ngay cả khi nấm men đã được loại bỏ hoàn toàn.
- Lang ben có tỷ lệ tái phát cao do nấm Malassezia là thành phần bình thường của hệ vi sinh vật trên da. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái phát có thể lên tới 80% sau điều trị. Những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc lang ben thường có thời gian mắc bệnh dài hơn.
- Trong một số trường hợp hiếm gặp, đã có báo cáo về tình trạng tóc mỏng và/hoặc rụng tóc kèm theo các tổn thương lang ben.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Cần gặp bác sĩ khi điều trị không hiệu quả và bạn cảm thấy tình trạng của con mình ngày càng tệ hơn.
Nguyên nhân gây ra lang ben ở trẻ em
Lang ben là một bệnh nhiễm trùng da do nấm men. Loại nấm men gây bệnh lang ben thuộc chi Malassezia, nổi bật là các loài Malassezia globosa, M. furfur, và M. sympodialis. Các loài nấm men này thường sống trên da của chúng ta với số lượng nhỏ như một phần của hệ vi sinh vật bình thường.
Lang ben xảy ra khi những loại nấm men này phát triển quá mức, chuyển từ dạng hoại sinh (sống bình thường trên da) sang dạng sợi nấm (gây bệnh). Sự phát triển quá mức này dẫn đến sự xuất hiện của các mảng da đổi màu và có vảy.

Nguy cơ mắc phải lang ben ở trẻ em
Những ai có nguy cơ mắc phải lang ben ở trẻ em?
Những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh lang ben cao hơn:
Thanh thiếu niên: Lang ben thường gặp nhất ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Điều này được cho là do sự gia tăng sản xuất bã nhờn trên da ở những nhóm tuổi này. Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng lang ben có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Rất hiếm khi được báo cáo ở trẻ sơ sinh, bao gồm cả trẻ sơ sinh non tháng.
Giới nam: Tình trạng này hơi phổ biến hơn ở nam giới, có thể do hoạt động của tuyến bã nhờn tăng lên ở nam giới.
Chủng tộc có sắc da sẫm màu: Tỷ lệ mắc lang ben dường như tương tự ở tất cả các chủng tộc nhưng sự thay đổi sắc tố da thường dễ nhận thấy hơn ở những người da sẫm màu.
Người thân mắc bệnh: Khoảng 17% những người mắc bệnh có tiền sử gia đình mắc lang ben.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lang ben ở trẻ em
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển lang ben ở trẻ em:
- Sống ở vùng khí hậu nóng, ẩm ướt vì nấm men Malassezia phát triển mạnh trong môi trường này.
- Da ẩm và nhờn (tăng tiết mồ hôi, tiết bã nhờn quá mức) vì nấm men thích môi trường giàu lipid.
- Hệ miễn dịch suy yếu vì những trẻ có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Sử dụng thuốc steroid (tại chỗ hoặc toàn thân) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
- Suy dinh dưỡng.
- Sức khỏe tổng quát kém.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh Cushing.
- Nhiễm Helicobacter pylori.
- Sử dụng kem hoặc lotion gốc dầu trên da.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị lang ben ở trẻ em
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lang ben ở trẻ em
Chẩn đoán lang ben thường dựa vào việc thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và tiền sử bệnh của trẻ. Các mảng da do lang ben gây ra có những đặc điểm riêng biệt, có thể chẩn đoán thông qua việc thăm khám trực tiếp.
Để nhìn rõ hơn các mảng da, bác sĩ có thể sử dụng đèn Wood làm cho các mảng da phát ra màu vàng vàng, vàng xanh hoặc cam đồng.
Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể thực hiện cạo da nhẹ từ các tổn thương để kiểm tra dưới kính hiển vi. Dưới kính hiển vi, sẽ thấy hình ảnh đặc trưng của nấm men và sợi nấm xen kẽ, được gọi là hình ảnh "mỳ ống và thịt viên" (numerous short, stubby hyphae intermixed with clusters of spores). Việc sử dụng dung dịch KOH (kali hydroxit) giúp hòa tan keratin và mảnh vụn, làm cho sợi nấm và bào tử dễ nhìn thấy hơn.
Dermoscopy cũng là một công cụ hỗ trợ hữu ích trong chẩn đoán lang ben. Các dấu hiệu dermoscopic điển hình bao gồm sự thay đổi sắc tố nền, dấu hiệu "vầng hào quang tương phản" (contrast halo sign), vảy mịn trên vùng da bị ảnh hưởng và sự giảm sắc tố của nang lông bị nhiễm bệnh.

Điều trị lang ben ở trẻ em
Nội khoa
Điều trị tại chỗ là phương pháp điều trị được chỉ định cho hầu hết các bệnh nhân và là lựa chọn đầu tay (ít tác dụng phụ, ít tương tác thuốc) và chi phí thấp hơn so với điều trị toàn thân.
Các loại thuốc chống nấm bôi tại chỗ:
- Nhóm Azole: Ketoconazole, econazole, eberconazole, efinaconazole, bifonazole, luliconazole, clotrimazole, … Các loại này hoạt động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp ergosterol, một thành phần quan trọng của màng tế bào nấm.
- Nhóm Allylamine: Terbinafine, naftifine, butenafine,... Chúng hoạt động bằng cách ức chế squalene epoxidase, cũng ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp ergosterol.
- Ciclopirox olamine.
Các tác nhân chống nấm tại chỗ không đặc hiệu khác: Kẽm pyrithione (dầu gội 1%), propylene glycol (50% trong nước), thuốc mỡ Whitfield (axit salicylic + axit benzoic), lưu huỳnh + axit salicylic và benzoyl peroxide,... Các chất này hoạt động bằng cách loại bỏ lớp sừng chết bị nhiễm bệnh.
Điều trị toàn thân:
Thuốc chống nấm đường uống thường chỉ được chỉ định cho các trường hợp bệnh lan rộng, tái phát thường xuyên hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, ít phổ biến hơn ở trẻ em. Ưu điểm của thuốc uống là tăng sự tuân thủ của bệnh nhân, thời gian điều trị ngắn hơn, tiện lợi hơn và giảm tỷ lệ tái phát. Nhược điểm là chi phí cao hơn, có nhiều tác dụng phụ hơn và nguy cơ tương tác thuốc.
- Itraconazole đường uống: Rất hiệu quả, liều khuyến nghị là 200 mg mỗi ngày trong 5-7 ngày. Cần tránh ở bệnh nhân có tiền sử suy tim sung huyết hoặc bệnh gan hoạt động.
- Fluconazole đường uống: Cũng rất hiệu quả, liều khuyến nghị là 300 mg mỗi tuần một lần trong 2-4 tuần. Có độc tính thấp hơn so với một số loại thuốc khác.
- Ketoconazole đường uống: Không còn được kê đơn do nguy cơ gây độc cho gan, suy tuyến thượng thận và nhiều tương tác thuốc.
- Terbinafine đường uống và Griseofulvin đường uống không hiệu quả trong điều trị lang ben.
- Trong những trường hợp khó chữa hoặc dai dẳng có thể cân nhắc kết hợp cả liệu pháp đường uống và tại chỗ.
Điều quan trọng cần nhớ là việc điều trị sẽ không làm da trẻ trở lại màu sắc bình thường ngay lập tức. Quá trình này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Trong thời gian này, cần tránh tắm nắng và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.

Ngoại khoa
Không có điều trị ngoại khoa cho bệnh lý này.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa lang ben ở trẻ em
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của lang ben ở trẻ em
Chế độ sinh hoạt
Để giúp hạn chế tình trạng lang ben trở nên tồi tệ hơn và kiểm soát các triệu chứng, bạn có thể thực hiện một số thói quen sinh hoạt sau:
- Giữ da mát và khô.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và tránh không khí nóng, ẩm ướt.
- Khuyến khích trẻ tắm ngay sau khi tham gia các hoạt động hoặc tập thể dục gây ra nhiều mồ hôi.
- Thoa kem chống nắng bất cứ khi nào trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp làm mờ sự khác biệt màu sắc giữa vùng da bị ảnh hưởng và da bình thường.
- Tránh giường tắm nắng vì chúng sẽ làm cho các mảng lang ben trở nên rõ hơn.
Chế độ dinh dưỡng
Vì một số nghiên cứu cho thấy lang ben có thể liên quan đến suy dinh dưỡng nên chế độ ăn của bệnh nhân phải hợp lý và không quá kiêng khem.
Phương pháp phòng ngừa lang ben ở trẻ em hiệu quả
Một số phương pháp giúp phòng ngừa lang ben gồm:
- Bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng dầu gội trị nấm mỗi tháng để ngăn ngừa lang ben tái phát. Đặc biệt quan trọng vào những tháng ấm hơn trong năm vì nấm này phát triển mạnh trong thời tiết nóng ẩm. Có thể để dầu gội trên da trong 1-2 giờ trước khi tắm.
- Duy trì các thói quen sinh hoạt tốt cho da như giữ da mát và khô, mặc quần áo rộng rãi, tránh không khí nóng ẩm, tắm sau khi đổ mồ hôi và sử dụng kem chống nắng.