Phế cầu khuẩn được biết đến là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, nhưng không phải tất cả các chủng (serotype) của loại vi khuẩn này đều có khả năng gây bệnh như nhau. Một số chủng có thể tồn tại trong cơ thể người mà không gây triệu chứng, trong khi một số khác lại dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng chỉ trong thời gian rất ngắn. Vậy đâu là những serotype phế cầu phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay?
Lần đầu tiên được Louis Pasteur phân lập vào năm 1881, phế cầu khuẩn nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới khoa học. Đến năm 1883, nó được xác định là nguyên nhân chính gây viêm phổi thùy, và chỉ một năm sau, với sự ra đời của phương pháp nhuộm Gram (1884), các nhà khoa học mới có thể phân biệt rõ viêm phổi do phế cầu với các tác nhân khác.
Trong giai đoạn 1915 - 1945, các nghiên cứu về cấu trúc vỏ polysaccharide đã làm sáng tỏ vai trò của nó trong khả năng gây bệnh và né tránh hệ miễn dịch, đặt nền móng cho việc phát triển vắc xin sau này. Đến thập niên 1940, đã có hơn 80 huyết thanh nhóm (serotype) được xác định, phản ánh mức độ đa dạng và thách thức trong kiểm soát vi khuẩn này.
Ngày nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù có hơn 90 serotype phế cầu được biết đến. Trong đó chỉ 10 - 12 serotype đã gây ra hơn 70% các ca bệnh nặng ở trẻ em trên toàn cầu. Các bệnh do phế cầu khuẩn thường diễn tiến nhanh, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Các serotype phổ biến toàn cầu: 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 9V, 14, 18C, 19F, 23F.
- Ở trẻ em dưới 5 tuổi: Các serotype 14, 6B, 23F, 19F, 6A và 19A là phổ biến nhất, chiếm tới 89% các ca bệnh phế cầu xâm lấn (IPD).
- Ở người lớn: Các serotype 14, 3, 6B, 8 và 19F chiếm khoảng 51% các ca IPD.
Phế cầu khuẩn với sự đa dạng của hơn 90 serotype vẫn là mối đe dọa lớn cho sức khỏe cộng đồng. Các bệnh do phế cầu gây ra, như viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết, đều có thể diễn tiến nhanh và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già. Vậy tại sao mỗi serotype lại có thể gây ra các bệnh khác nhau?
Không phải tất cả các serotype phế cầu khuẩn đều có mức độ nguy hiểm như nhau. Sự khác biệt về độc lực chủ yếu bắt nguồn từ vỏ polysaccharide, một lớp bao bọc bên ngoài vi khuẩn giúp chúng tránh được hệ miễn dịch của cơ thể. Vỏ polysaccharide có cấu trúc hóa học đa dạng giữa các serotype, ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh và mức độ kháng lại các cơ chế miễn dịch như thực bào:
Serotype 1, 5, 7F: Đây là những chủng có khả năng xâm nhập máu và vượt qua hàng rào máu não, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Chúng thường lưu hành ở các khu vực đang phát triển và có độc lực cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong đáng kể nếu không được điều trị kịp thời.
Serotype 3: Được biết đến với khả năng gây viêm phổi nặng và có vỏ polysaccharide dày, giúp vi khuẩn kháng lại sự tấn công của hệ miễn dịch.
Serotype 19F, 6B: Phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, những chủng này thường liên quan đến viêm tai giữa và viêm phổi ở trẻ em. Chúng có xu hướng kháng kháng sinh, làm phức tạp hóa quá trình điều trị.
Sự khác biệt về vùng lưu hành cũng đáng chú ý. Ví dụ, serotype 1 và 5 thường gặp ở Châu Phi và Châu Á, trong khi serotype 14 phổ biến hơn ở Châu Âu và Bắc Mỹ trước khi vắc xin được triển khai rộng rãi.
Kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn, khiến việc điều trị các bệnh do phế cầu khuẩn ngày càng khó khăn. Các serotype như 19F, 23F và 6B, vốn phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, đã phát triển khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thông dụng như penicillin, erythromycin và tetracycline.
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ kháng penicillin ở một số chủng phế cầu khuẩn tại Việt Nam có thể lên tới 70 - 90% trong các ca nhiễm trùng ở trẻ em. Điều này dẫn đến việc điều trị kéo dài, chi phí cao và nguy cơ thất bại điều trị, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc viêm màng não hoặc nhiễm khuẩn huyết. Nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả như tiêm vắc xin, gánh nặng từ các ca bệnh kháng kháng sinh sẽ tiếp tục gia tăng, đe dọa tính mạng của hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy 19F và 6B là hai chủng phổ biến nhất trong các ca nhiễm trùng phế cầu, đồng thời có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, đòi hỏi các chiến lược điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.
Vắc xin phòng bệnh do phế cầu là công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn. Hiện nay, tại Việt Nam, có ba loại vắc xin chính được sử dụng để phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, gồm:
- Synflorix: Bảo vệ chống lại 10 serotype phế cầu thường gặp.
- Prevenar 13: Phòng ngừa 13 serotype, được sử dụng rộng rãi cho cả trẻ em và người lớn.
- Pneumovax 23 (Mỹ): Bảo vệ chống lại 23 serotype, giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện, tử vong do viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết ở người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền..
Với sự quan tâm ngày càng lớn của ngành y học toàn cầu đối với phế cầu khuẩn, nhiều nghiên cứu và chương trình phát triển vắc xin đang được triển khai mạnh mẽ.
Trong tương lai, dự kiến sẽ có thêm nhiều loại vắc xin mới được ra đời, không chỉ mở rộng phạm vi bảo vệ chống lại nhiều serotype hơn mà còn nâng cao hiệu quả phòng bệnh, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng bền vững hơn.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin đầy đủ, việc duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa phế cầu khuẩn:
- Rửa tay thường xuyên: Giúp giảm lây truyền qua tiếp xúc và đường hô hấp.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Phế cầu khuẩn lây qua giọt bắn, đặc biệt dễ lây trong môi trường đông đúc.
- Tăng cường miễn dịch tự nhiên: Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, tập luyện đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Phế cầu khuẩn với hơn 90 serotype là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Trong đó, có một số chủng không chỉ có độc lực cao mà còn kháng kháng sinh đáng lo ngại.
Trước sự biến đổi liên tục của các serotype, vắc xin phế cầu đặc biệt là PCV15 với phổ bảo vệ mở rộng, chính là giải pháp hiệu quả giúp giảm gánh nặng bệnh tật.
Chủ động tiêm phòng, kết hợp theo dõi dịch tễ và duy trì lối sống lành mạnh là cách thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.