Tiêm chủng là biện pháp quan trọng giúp trẻ phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhưng sau tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm hoặc mệt mỏi. Vì vậy, việc nắm được cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng sẽ giúp bố mẹ biết được những việc nên làm và không nên làm để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.
Một số phản ứng thường gặp sau tiêm chủng ở trẻ
Trước tiên, cần khẳng định rằng vắc xin rất an toàn. Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng đều ở mức độ nhẹ, không kéo dài và thường tự biến mất mà không cần can thiệp y tế. Một số phản ứng phổ biến ở trẻ sau tiêm có thể kể đến như:
Sốt nhẹ
Trẻ có thể bị sốt nhẹ (từ 37,5 - 38,5°C) trong vòng 24 - 48 giờ sau tiêm. Đây là phản ứng bình thường khi hệ miễn dịch bắt đầu hoạt động để tạo kháng thể chống lại bệnh. Bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên khoảng 2 - 3 tiếng/lần và áp dụng biện pháp dạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp sốt cao trên 39°C hoặc kéo dài hơn hai ngày, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
/huong_dan_cach_cham_soc_tre_sau_tiem_chung_dung_chuan_5_16805ba456.jpg)
Đau và sưng tại vị trí tiêm
Vùng da quanh chỗ tiêm có thể bị sưng đỏ, hơi cứng và đau nhẹ. Đây là phản ứng viêm cục bộ do vắc xin kích thích hệ miễn dịch. Thông thường, triệu chứng này sẽ giảm sau vài ngày. Bố mẹ không nên chườm nóng hay xoa bóp vết tiêm để tránh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Riêng với vắc xin BCG ngừa lao, có thể xuất hiện mụn mủ tại vị trí tiêm khoảng 2 tuần đến vài tháng sau tiêm, sau đó mụn vỡ ra và tạo sẹo. Đây là phản ứng bình thường, không cần can thiệp y tế.
Quấy khóc, cáu gắt, biếng ăn
Một số trẻ sau tiêm có thể trở nên quấy khóc, khó chịu hơn bình thường hoặc biếng ăn trong 1 - 2 ngày. Điều này xảy ra do cơ thể trẻ đang thích nghi với vắc xin và có thể bị mệt nhẹ. Nếu trẻ quấy khóc liên tục hơn 3 giờ hoặc có biểu hiện bất thường như co giật, tím tái, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Phát ban nhẹ
Một số loại vắc xin có thể gây phát ban nhẹ trên da, đặc biệt là vắc xin sởi, rubella. Phát ban này thường xuất hiện sau vài ngày và tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu trẻ bị phát ban kèm sốt cao, khó thở hoặc sưng mặt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức vì có thể là dấu hiệu phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Triệu chứng giả cúm
Vắc xin phòng cúm có thể gây ra một số biểu hiện tương tự như cúm nhẹ, bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi trong, đau cơ hoặc đau đầu nhẹ. Những triệu chứng này thường chỉ kéo dài 1 - 2 ngày và tự hết. Nếu trẻ có dịch mũi nhiều, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé.
/huong_dan_cach_cham_soc_tre_sau_tiem_chung_dung_chuan_4_eaf665c625.jpg)
Buồn ngủ hoặc lờ đờ
Sau khi tiêm, một số trẻ có thể buồn ngủ hơn bình thường hoặc có dấu hiệu lờ đờ, chậm chạp. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc trẻ phản ứng chậm với môi trường xung quanh, cần đưa trẻ đi kiểm tra.
Rối loạn tiêu hóa nhẹ
Một số trẻ khi uống vắc xin ngừa tiêu chảy do rotavirus có thể bị tiêu chảy nhẹ, đi ngoài nhiều hơn bình thường (khoảng 5 - 6 lần/ngày) với phân loãng hơn. Tình trạng này thường tự cải thiện trong 1 - 2 ngày mà không cần dùng thuốc hoặc men tiêu hóa.
Cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng chuẩn
Việc nắm rõ cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng cách sẽ góp phần giúp bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản mà bố mẹ hoặc người giám hộ cần lưu ý như:
Theo dõi trẻ sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng
Sau khi tiêm vắc xin, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bố mẹ hoặc người giám hộ ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm của trẻ. Nếu sức khỏe ổn định và không có dấu hiệu bất thường, gia đình có thể đưa trẻ về nhà và tiếp tục quan sát trong ít nhất 48 giờ, đặc biệt chú ý vào ban đêm để phát hiện kịp thời những phản ứng nghiêm trọng.
/huong_dan_cach_cham_soc_tre_sau_tiem_chung_dung_chuan_3_6b103c90ba.jpg)
Ngoài ra, nếu chưa rõ về các phản ứng có thể gặp phải, bố mẹ nên hỏi trực tiếp nhân viên y tế tại trung tâm tiêm chủng để được tư vấn cụ thể. Đồng thời, cần tìm hiểu trước địa chỉ các cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm để có phương án ứng phó kịp thời nếu cần thiết.
Cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng tại nhà
Mỗi trẻ có thể xuất hiện phản ứng với vắc xin theo mức độ khác nhau tùy vào cơ địa và loại vắc xin được tiêm. Phần lớn các phản ứng đều nhẹ và sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp phản ứng mạnh hơn như sốt cao kéo dài, quấy khóc liên tục, co giật, tim đập nhanh, tím tái hoặc thậm chí sốc phản vệ. Do đó, ngoài việc theo dõi tại cơ sở y tế, bố mẹ cần quan sát sát sao trong 48 giờ đầu sau tiêm để kịp thời xử lý nếu trẻ có dấu hiệu bất thường. Dưới đây là các lưu ý quan trọng giúp trẻ giảm khó chịu và phục hồi nhanh hơn:
- Theo dõi tình trạng của trẻ liên tục: Quan sát biểu hiện của trẻ cả ngày lẫn đêm, bao gồm tinh thần, giấc ngủ, nhịp thở, tình trạng da, khu vực tiêm và các dấu hiệu toàn thân khác.
- Chọn trang phục phù hợp: Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để tránh gây khó chịu và không làm đau vùng tiêm.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất), thay đổi thực đơn đa dạng để giúp trẻ ăn ngon miệng. Nếu trẻ còn bú mẹ, nên tăng cường bú sữa và bổ sung nước đầy đủ.
- Tránh tác động vào vết tiêm: Không chạm, bóp hay xoa vào vị trí tiêm để tránh đau và nhiễm trùng. Nếu vết tiêm sưng đỏ, có thể chườm lạnh để giảm đau nhưng tuyệt đối không dùng dầu gió, chườm nóng hay đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng nặng. Đối với vết tiêm vắc xin Lao có mưng mủ (phản ứng bình thường), bố mẹ chỉ cần vệ sinh nhẹ nhàng, lau khô bằng băng gạc vô trùng và không sử dụng cồn hay Betadin để sát khuẩn.
- Hạ sốt đúng cách: Nếu trẻ sốt dưới 38.5°C, có thể chườm mát vùng trán, nách, bẹn hoặc sử dụng miếng dán hạ sốt. Nếu sốt trên 38.5°C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
/huong_dan_cach_cham_soc_tre_sau_tiem_chung_dung_chuan_2_4e5030d801.jpg)
Chăm sóc đúng cách sau tiêm không chỉ giúp trẻ giảm thiểu các triệu chứng khó chịu mà còn đảm bảo an toàn, giúp cơ thể trẻ thích nghi tốt với vắc xin.
Những điều không nên làm khi chăm sóc bé sau khi chích ngừa
Ngoài những cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng cần thực hiện, bố mẹ hoặc người giám hộ cũng cần lưu ý một số điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong giai đoạn này:
- Không áp dụng mẹo dân gian chưa được kiểm chứng: Tuyệt đối không xoa dầu gió, chườm nóng hay đắp bất kỳ vật gì lên vị trí tiêm. Những hành động này có thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm cho trẻ.
- Không tự ý dùng thuốc: Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác khi chưa có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
- Tránh tác động lên vết tiêm: Không sờ nắn, bóp hay đè mạnh lên vị trí tiêm. Khi bế trẻ, cần nhẹ nhàng, tránh gây đau hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết tiêm.
- Cảnh giác với các dấu hiệu bất thường: Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường sau tiêm như khó thở, tím tái, co giật hoặc quấy khóc liên tục không dứt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và xử lý kịp thời.
- Không tắm nước lạnh ngay sau tiêm: Việc này có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, làm tăng cảm giác đau tại vị trí tiêm. Nếu cần vệ sinh, nên lau người bằng nước ấm nhẹ nhàng.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm: Sau khi tiêm, cơ thể trẻ chưa kịp tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người đang ốm hoặc đến những nơi đông người. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang cho trẻ và giữ khoảng cách an toàn với những người xung quanh.
/huong_dan_cach_cham_soc_tre_sau_tiem_chung_dung_chuan_6_9b40a9f24f.jpg)
Việc nắm rõ cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng không chỉ giúp giảm nhẹ các phản ứng thường gặp mà còn thể hiện sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ đối với con. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ sau tiêm, tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, tất cả khách hàng đều được theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm để đảm bảo không có phản ứng phụ xảy ra. Trong suốt thời gian này, đội ngũ y tế sẽ luôn túc trực để kịp thời xử lý mọi tình huống bất thường. Đồng thời, nhân viên y tế cũng sẽ hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc sức khỏe của trẻ tại nhà và cung cấp dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại để tiện liên hệ ngay khi gặp bất kỳ vấn đề gì sau tiêm.