Theo thống kê, mỗi năm, tại nước ta ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc tay chân miệng, trong đó, số lượng không nhỏ ca mắc chuyển biến nhanh từ cấp độ 1 sang cấp độ 2. Ở cấp độ 2 nếu không được kiểm soát và điều trị đúng hướng, người bệnh phải đối mặt với nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Việc hiểu rõ biểu hiện lâm sàng và hình ảnh bệnh tay chân miệng cấp độ 2 đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán sớm, can thiệp y tế kịp thời và ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng.
Đặc điểm bệnh tay chân miệng cấp độ 2
Bệnh tay chân miệng chủ yếu do virus nhóm đường ruột gây ra, bao gồm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71). Đặc biệt, nếu tác nhân là EV71, nguy cơ bệnh diễn biến nhanh và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm ở cấp độ 2 sẽ tăng cao. Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 cấp độ tương ứng với mức độ nghiêm trọng:
- Cấp độ 1: Không có biến chứng, biểu hiện các triệu chứng nhẹ như phát ban và loét miệng.
- Cấp độ 2: Có biến chứng thần kinh.
- Cấp độ 3: Có biến chứng rối loạn thần kinh thực vật nặng.
- Cấp độ 4: Suy hô hấp tuần hoàn nặng.
Nhìn chung, tay chân miệng cấp độ 2 là mức độ chuyển giao giữa biểu hiện nhẹ và nặng.
Bệnh tay chân miệng cấp độ 2 được chia thành hai mức độ biểu hiện là cấp độ 2a và cấp độ 2b, dựa trên các dấu hiệu biến chứng thần kinh. Trong đó:
- Cấp độ 2a: Trẻ mắc tay chân miệng cấp độ 2a thường có một trong các dấu hiệu như giật mình đột ngột, sốt cao và các triệu chứng thần kinh nhẹ (bao gồm nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ…).
- Cấp độ 2b: Tay chân miệng cấp độ 2b là tình trạng bệnh có biến chứng thần kinh nặng hơn, biểu hiện bằng một trong các triệu chứng thuộc hai nhóm chính là nhóm 1 - biến chứng thần kinh nặng (giật mình thường xuyên, giật mình kèm ngủ và hoặc mạnh nhanh trên 130 lần/phút khi trẻ nằm không yên, không sốt) và nhóm 2 - biến chứng thần kinh rất nặng (sốt rất cao, mạch nhanh bất thường, thất điều, biến chứng mắt, yếu/liệt chi, liệt thần kinh sọ, tăng trương lực cơ…).

Hình ảnh bệnh tay chân miệng cấp độ 2
Ngoài các triệu chứng phát ban ở tay, chân và loét miệng tương tự tay chân miệng cấp độ 1, trẻ bị tay chân miệng cấp độ 2 còn biểu hiện các triệu chứng liên quan đến thần kinh và tim mạch như sốt cao, giật mình với tần suất lớn, mạch nhanh, rung giật nhãn cầu, yếu chi, nuốt sặc, thay đổi giọng nói, lờ đờ, ngủ gật thường xuyên.
Các nốt ban đỏ có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, thậm chí lan rộng sang đầu gối, bộ phận sinh dục hoặc mông. Ngoài ra, các vết loét gây đau đớn có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong và xung quanh miệng, bao gồm cả lưỡi.
Hầu hết các triệu chứng của bệnh tay chân miệng có thể hồi phục trong vòng 10 ngày nếu được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi có thể cần nhiều thời gian hơn để cơ thể loại bỏ virus.
Dưới đây là một số hình ảnh bệnh tay chân miệng cấp độ 2, bạn đọc có thể tham khảo:





Điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 2
Theo các chuyên gia y tế, nguyên tắc điều trị bệnh tay chân miệng là cấp cứu và xử lý kịp thời các trường hợp diễn tiến nặng. Việc phân mức độ bệnh chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp là cực kỳ quan trọng.
Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Mọi công tác điều trị đều tập trung vào việc hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Lưu ý, không sử dụng kháng sinh trừ khi có bội nhiễm.
Đối với bệnh tay chân miệng cấp độ 2, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại bệnh viện và sẽ được bác sĩ chỉ định các biện pháp sau:
Đối với bệnh nhân tay chân miệng cấp độ 2
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh mắc chân tay miệng cần kết hợp thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ, bao gồm:
- Dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ vẫn cần tiếp tục bú sữa mẹ.
- Hạ sốt: Dùng Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần (uống), lặp lại mỗi 4 - 6 giờ nếu cần, nhưng không vượt quá 60 mg/kg/ngày hoặc 5 liều trong vòng 24 giờ. Nếu sốt cao không đáp ứng tốt với Paracetamol, có thể phối hợp với Ibuprofen. Ibuprofen có thể được dùng với liều 10 mg/kg/lần (tối đa 15 mg/kg/lần), mỗi 6 - 8 giờ nếu cần, nhưng chỉ sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Không nên tự ý dùng xen kẽ với Paracetamol nếu không có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
- Vệ sinh răng miệng: Nhẹ nhàng và sạch sẽ cho trẻ.
- Nghỉ ngơi: Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và vận động nhẹ nhàng, tránh kích thích.
- Thuốc chống co giật: Sử dụng Phenobarbital với liều 5 - 7mg/kg/ngày (uống).
- Theo dõi sát: Quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

Đối với bệnh nhân tay chân miệng cấp độ 2b
Đối với trường hợp trẻ mắc tay chân miệng cấp độ 2b, điều trị bao gồm:
- Tư thế nằm: Cho trẻ nằm đầu cao 30 độ.
- Thở oxy: Cung cấp oxy qua mũi khoảng 3 - 6 lít/phút.
- Hạ sốt tích cực: Nếu trẻ có sốt.
- Thuốc chống co giật: Sử dụng Phenobarbital 10 - 20 mg/kg dạng truyền tĩnh mạch, có thể lặp lại sau 8 - 12 giờ nếu cần.
- Theo dõi các chỉ số sinh tồn: Theo dõi thường xuyên mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, nhận thức. Ban đầu theo dõi 1 - 3 lần trong 6 giờ đầu, sau đó 4 - 5 giờ/lần.
- Đo SpO2 và mạch liên tục: Nếu có thiết bị hỗ trợ.
- Sử dụng Immunoglobulin: Phương pháp này được chỉ định cụ thể như sau:
- Nhóm 1: Thường không chỉ định Immunoglobulin. Chỉ sử dụng khi triệu chứng không giảm sau 6 giờ điều trị bằng Phenobarbital. Sau 24 giờ sẽ đánh giá lại để quyết định liều thứ 2 (như nhóm 2).
- Nhóm 2: Sử dụng 1g/kg/ngày truyền tĩnh mạch chậm trong 6 - 8 giờ. Nếu sau 24 giờ vẫn còn dấu hiệu độ 2b, sẽ dùng liều thứ 2.
Hy vọng những hình ảnh bệnh tay chân miệng cấp độ 2 và thông tin chi tiết về bệnh tay chân miệng cấp độ 2 trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các biểu hiện và biến chứng tiềm ẩn của bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các triệu chứng thần kinh và tim mạch là cực kỳ quan trọng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế. Luôn nhớ rằng, sự theo dõi sát sao và can thiệp y tế đúng lúc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng, đảm bảo quá trình hồi phục an toàn và hiệu quả cho trẻ. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của bé.