Tìm hiểu chung về bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Chóng mặt mất thăng bằng là cảm giác bạn cảm thấy như sắp ngất. Cơ thể bạn có thể cảm thấy nặng nề, trong khi đầu bạn có cảm giác như không nhận đủ máu. Một cách khác để mô tả cảm giác này là "cảm giác quay cuồng".
Chóng mặt mất thăng bằng xảy ra khi có yếu tố ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng của bạn. Để giữ được thăng bằng ổn định, cơ thể cần luồng thông tin liên tục từ tai, mắt, các mô (cơ, khớp, da) và hệ thần kinh trung ương. Não bộ sẽ xử lý thông tin này để điều chỉnh tư thế và giữ thăng bằng.
Mặc dù không phải lúc nào cũng gây vấn đề nghiêm trọng, nhưng chóng mặt mất thăng bằng đôi khi có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn và làm tăng nguy cơ té ngã.
Chóng mặt mất thăng bằng có thể đi kèm buồn nôn và chóng mặt. Bệnh có thể do vấn đề ở tai trong, não, tim hoặc do dùng một số loại thuốc. Chóng mặt mất thăng bằng có thể nguy hiểm vì làm thay đổi cảm giác thăng bằng và khiến bạn dễ té ngã.
Triệu chứng bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Những dấu hiệu và triệu chứng của chóng mặt mất thăng bằng
Chóng mặt choáng váng là cảm giác mơ hồ, xây xẩm hoặc như sắp ngất. Bạn có thể mô tả cảm giác này là chênh vênh, choáng váng hoặc nhẹ đầu. Bạn có thể cảm thấy như sắp ngã và cần phải ngồi xuống ngay. Chóng mặt xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Bạn có thể trải qua tình trạng chóng mặt mất thăng bằng theo những cách khác nhau, bao gồm:
- Mọi thứ xung quanh đang chuyển động hoặc quay còn bạn thì không.
- Bạn cảm thấy choáng váng và sắp ngất đi.
- Bạn không thể giữ thăng bằng.
- Bạn hơi bối rối hoặc mơ hồ.
- Bạn cảm thấy buồn nôn.

Những cảm giác này có thể bị kích thích hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi đi bộ, đứng lên hoặc di chuyển đầu. Cơn chóng mặt mất thăng bằng có thể đi kèm với đau bụng hoặc buồn nôn. Hoặc, cơn chóng mặt mất thăng bằng có thể đến đột ngột và nghiêm trọng đến mức bạn cần phải ngồi hoặc nằm xuống. Thời gian có thể kéo dài vài giây hoặc vài ngày và có thể quay lại.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Chóng mặt mất thăng bằng có thể không phải là một triệu chứng nghiêm trọng, nhưng bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, vì:
- Chóng mặt mất thăng bằng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn và có thể tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời.
- Đây là vấn đề liên quan đến thăng bằng, làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương.
- Chóng mặt mất thăng bằng có thể khiến bạn không an toàn khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Trong một số trường hợp, bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và quản lý các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám ngay nếu cảm giác chóng mặt mất thăng bằng kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Yếu một bên cơ thể;
- Méo mặt hoặc tê mặt;
- Nói líu lưỡi;
- Đau ngực;
- Đau lan đến tay, cổ hoặc hàm;
- Đau đầu dữ dội đột ngột;
- Ngất xỉu;
- Tê bì hoặc không thể cử động tay chân;
- Rối loạn thị lực như nhìn đôi;
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
- Co giật;
- Nôn mửa.
Ngoài ra, bạn cũng nên gặp bác sĩ ngay lập tức nếu choáng váng xảy ra sau chấn thương đầu.
Nguyên nhân gây bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Những nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt mất thăng bằng bao gồm rối loạn tai trong, bệnh lý thần kinh, tác dụng phụ của thuốc, hoặc căng thẳng tinh thần.
Rối loạn tai trong
- Chóng mặt kịch phát tư thế lành tính: Gây cảm giác quay cuồng khi bạn xoay đầu.
- Viêm mê đạo tai: Viêm hệ thống mê đạo trong tai – nơi điều khiển thính giác và thăng bằng.
- Viêm dây thần kinh tiền đình: Ảnh hưởng đến dây thần kinh tiền đình – ốc tai trong tai.
- Chóng mặt tư thế cảm nhận kéo dài: Chóng mặt mất thăng bằng do các tác nhân xung quanh, như ở nơi đông người; triệu chứng có thể tái phát theo đợt.
- Nhiễm trùng tai trong: Viêm do virus hoặc vi khuẩn có thể làm gián đoạn tín hiệu truyền từ tai đến não.
Tình trạng bệnh lý khác
- Thiếu máu: Không đủ hồng cầu, chóng mặt mất thăng bằng là triệu chứng phổ biến.
- U thần kinh thính giác: U lành tính ở tai trong ảnh hưởng đến thăng bằng.
- Bệnh lý tim mạch: Các tình trạng làm giảm lưu lượng máu lên não như rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), tụt huyết áp, hẹp mạch máu.
- Chấn động não: Tổn thương não sau chấn thương đầu có thể gây chóng mặt.
- Bệnh lý thần kinh: Như đau nửa đầu, đa xơ cứng, Parkinson – đều ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng.
Các nguyên nhân phổ biến khác
- Lo âu và căng thẳng: Có thể gây chóng mặt mất thăng bằng, nhất là khi bạn thở gấp (tăng thông khí).
- Ngộ độc khí carbon monoxide: Hít phải khí này gây ra chóng mặt mất thăng bằng.
- Mất nước: Chóng mặt mất thăng bằng là dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng.
- Hạ đường huyết: Đường huyết hạ đột ngột cũng có thể gây chóng mặt mất thăng bằng.
- Tác dụng phụ của thuốc: Đặc biệt là thuốc điều trị huyết áp.
- Say tàu xe: Gây cảm giác chóng mặt, buồn nôn và mất thăng bằng.

Nguy cơ gây bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Những ai có nguy cơ mắc bệnh chóng mặt mất thăng bằng?
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc các tình trạng sức khỏe gây chóng mặt mất thăng bằng. Họ cũng có nhiều khả năng dùng thuốc có thể gây chóng mặt.
- Đã từng bị chóng mặt mất thăng bằng trước đây: Nếu bạn đã từng bị chóng mặt mất thăng bằng trước đây, bạn có nhiều khả năng bị chóng mặt trong tương lai.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh chóng mặt mất thăng bằng
- Một số bệnh lý liên quan đến chóng mặt, như đau nửa đầu tiền đình có tính chất gia đình.
- Uống rượu, cà phê, hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tiền đình.
- Người bị rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn hoảng sợ có thể bị chóng mặt mãn tính.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chóng mặt mất thăng bằng
Các vấn đề về thăng bằng và chóng mặt có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe lớn hơn. Hãy mô tả với bác sĩ về triệu chứng chóng mặt mất thăng bằng của bạn, kể cả các triệu chứng khác kèm theo (ví dụ, mờ mắt, mất thính lực đột ngột, té ngã hoặc gặp vấn đề khi đi bộ, yếu ở tay và chân).
Bác sĩ chuyên khoa thính học chuyên về rối loạn thăng bằng có thể cung cấp thêm các xét nghiệm và chăm sóc thăng bằng.
Nếu bạn bị chóng mặt mất thăng bằng, bác sĩ chuyên khoa thính học sẽ kiểm tra thính lực và kiểm tra tai của bạn trước. Bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng thăng bằng của bạn để giúp xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề về thăng bằng và chóng mặt của bạn. Dựa trên thông tin này, bác sĩ có thể đưa ra khuyến nghị về phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị chóng mặt mất thăng bằng hiệu quả
Chóng mặt mất thăng bằng không do mất máu nghiêm trọng (xuất huyết), nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ thường tự giảm theo thời gian. Các phương pháp điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân cơ bản.
Điều trị các nguyên nhân ít nghiêm trọng hơn có thể bao gồm:
- Uống nhiều nước;
- Truyền dịch tĩnh mạch (bù nước);
- Ăn hoặc uống đồ ngọt;
- Uống đồ uống có chứa điện giải;
- Nằm hoặc ngồi để giảm độ cao của đầu so với cơ thể.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, hoặc khi chóng mặt mất thăng bằng không khỏi, điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu;
- Chế độ ăn ít muối;
- Thuốc chống buồn nôn;
- Thuốc chống lo âu như Diazepam hoặc Alprazolam;
- Thuốc điều trị đau nửa đầu;
- Vật lý trị liệu thăng bằng (tập phục hồi tiền đình);
- Tâm lý trị liệu để giảm lo âu;
- Tiêm kháng sinh vào tai trong gây mất thăng bằng;
- Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan cảm nhận thăng bằng trong tai (labyrinthectomy – hiếm gặp).
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh chóng mặt mất thăng bằng
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chóng mặt mất thăng bằng
Chế độ sinh hoạt
- Nhận thức rằng bạn có thể mất thăng bằng khi đi lại, dễ gây té ngã và chấn thương nghiêm trọng. Di chuyển chậm rãi, thận trọng, dùng gậy nếu cần.
- Phòng ngừa té ngã trong nhà bằng cách dọn dẹp vật dễ vấp như thảm nhỏ, dây điện; lắp đặt thảm chống trượt trong phòng tắm hoặc sàn tắm; đảm bảo nhà có đủ ánh sáng.
- Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt mất thăng bằng; nếu bị chóng mặt nghiêm trọng, hãy nằm yên trong phòng tối, nhắm mắt.
- Không lái xe hoặc vận hành máy móc nếu bạn hay bị chóng mặt mất thăng bằng không báo trước.
- Ngủ đủ giấc (8 – 10 giờ cho thanh thiếu niên, 7 – 9 giờ cho người trưởng thành, 7 – 8 giờ cho người cao tuổi).
- Giảm căng thẳng bằng kỹ thuật thư giãn như thở sâu, yoga, thiền.

Chế độ dinh dưỡng
- Uống đủ nước mỗi ngày (ít nhất 8 ly).
- Ăn uống lành mạnh, đủ chất.
- Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn (mì gói, xúc xích, đồ hộp).
Phương pháp phòng ngừa chóng mặt mất thăng bằng hiệu quả
Cách tốt nhất để phòng ngừa chóng mặt mất thăng bằng là xác định nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ:
- Nếu bạn bị chóng mặt mất thăng bằng do mất nước, hãy phòng ngừa bằng cách uống đủ nước mỗi ngày.
- Nếu thuốc hạ huyết áp bạn đang dùng gây chóng mặt mất thăng bằng, nhân viên y tế có thể xem xét điều chỉnh liều hoặc đổi sang loại thuốc khác.
Tuy nhiên, đáng tiếc là không thể dự đoán hoặc phòng ngừa tất cả nguyên nhân gây chóng mặt mất thăng bằng, chẳng hạn như các rối loạn thần kinh. Một số cách bạn có thể làm:
- Đứng dậy từ từ và tránh thay đổi tư thế đột ngột để ngăn ngừa choáng váng.
- Uống đủ nước, đặc biệt khi đang ốm hoặc tập luyện nặng.
- Tránh ánh sáng mạnh và đeo kính râm khi ra ngoài.
- Tránh sử dụng các chất có thể gây chóng mặt như rượu, thuốc lá.
- Thuốc kháng histamin, thuốc an thần và thuốc chống buồn nôn cũng có thể gây chóng mặt – không nên ngưng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.