Viêm gan B là một trong những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có thể tiến triển âm thầm và gây tổn thương nghiêm trọng cho gan nếu không được phát hiện sớm. Trong các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B thì chỉ số HBsAg đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Vậy chỉ số HBsAg là gì và khi nào thì chỉ số này được xem là đáng lo ngại? Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn có được câu trả lời.
HBsAg là gì?
HBsAg là viết tắt của cụm từ Hepatitis B surface antigen - kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Đây là dấu hiệu sớm giúp phát hiện sự hiện diện của siêu vi B trong máu người. Xét nghiệm HBsAg là một trong những xét nghiệm quan trọng nhằm sàng lọc viêm gan B và được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán y khoa hiện nay.
Kết quả xét nghiệm HBsAg có thể âm tính hoặc dương tính. Nếu dương tính điều đó cho thấy người bệnh đang nhiễm hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B. Trong thời gian ủ bệnh kéo dài từ 30 đến 180 ngày, virus có thể tồn tại và phát triển nếu hệ miễn dịch không đủ mạnh để loại bỏ. Tuy nhiên, phần lớn người có hệ miễn dịch tốt sẽ loại trừ được virus sau 4 - 6 tháng và có miễn dịch suốt đời.

Chỉ khoảng 10 - 15% người nhiễm sẽ chuyển thành thể mạn tính. Trong nhóm này, chỉ một tỉ lệ nhỏ có thể tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan. Do đó, người bệnh không nên quá hoang mang khi có kết quả dương tính mà cần được theo dõi và tư vấn điều trị phù hợp.
Ngược lại, nếu kết quả âm tính tức là người đó chưa nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn rất cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Chỉ số HBsAg bao nhiêu là nguy hiểm?
HBsAg là gì thì bên trên bạn đã có cho mình câu trả lời. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chỉ số HBsAg bao nhiêu thì được xem là nguy hiểm và cần can thiệp y tế kịp thời.
Chỉ số HBsAg được đánh giá theo đơn vị COI. Nếu kết quả nhỏ hơn 1.0 COI tức là âm tính, có nghĩa người được xét nghiệm chưa nhiễm virus viêm gan B. Ngược lại, nếu chỉ số lớn hơn 1.0 COI là dương tính, đồng nghĩa với việc cơ thể đã hoặc đang nhiễm virus này. Trường hợp này, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra thêm các chỉ số khác như HBeAg men gan và tải lượng virus để xác định mức độ hoạt động của virus.

HBsAg dương tính có thể cho thấy giai đoạn cấp tính hoặc mạn tính của bệnh viêm gan B. Nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt, kháng nguyên này có thể tự biến mất sau 4 - 6 tháng. Tuy nhiên, ở những trường hợp HBsAg tồn tại hơn 6 tháng, người bệnh có nguy cơ cao chuyển sang viêm gan B mạn tính. Một số ít có thể tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
Lưu ý quan trọng khi có kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính
Khi nhận được kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính, người bệnh không nên quá lo lắng hoặc hoang mang. Trên thực tế, kết quả này cho thấy có sự hiện diện của kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B trong máu nhưng không đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm. Có nhiều trường hợp HBsAg dương tính nhưng virus chưa hoạt động mạnh hoặc người bệnh không tiến triển sang giai đoạn mạn tính.
Điều quan trọng là người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu như HBeAg, HBV-DNA và men gan để đánh giá chính xác mức độ hoạt động của virus. Ngoài ra, khi có người trong gia đình dương tính với viêm gan B, những người thân nên chủ động xét nghiệm để tầm soát nguy cơ lây nhiễm qua các con đường như máu, tình dục và mẹ truyền sang con.
Đối với phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B, trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Việc cho con bú vẫn được khuyến khích nếu trẻ đã được tiêm phòng đúng cách và globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG).

Người sống chung với bệnh nhân không nên dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng cá nhân. Bệnh nhân cũng cần chia sẻ tình trạng bệnh với bạn tình và sử dụng các biện pháp quan hệ an toàn.
Về điều trị, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý thay đổi liều thuốc vì có thể gây kháng thuốc hoặc làm tổn thương gan nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi. Người bệnh nên hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc có chứa chất kích thích như bia rượu và nước ngọt có gas. Tăng cường uống nước lọc, bổ sung rau củ quả giàu vitamin và duy trì thói quen vận động hợp lý như đi bộ, thiền hoặc yoga dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
Nếu kết quả HBsAg âm tính thì cần chủ động tiêm vắc xin viêm gan B để bảo vệ sức khỏe lâu dài và giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực tiêm phòng, đặc biệt là vắc xin viêm gan B. Tại đây, vắc xin viêm gan B được cung cấp với nhiều lựa chọn phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Cụ thể, vắc xin Gene HBVax (Việt Nam) và vắc xin Heberbiovac HB (Cuba).
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cam kết cung cấp vắc xin chính hãng, được bảo quản trong điều kiện đạt chuẩn GSP, đảm bảo chất lượng tối ưu. Đội ngũ bác sĩ và chuyên viên y tế tại đây sẽ tư vấn chi tiết về phác đồ tiêm vắc xin viêm gan B theo từng độ tuổi, bao gồm tiêm cho trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh và tiêm cho người lớn chưa có miễn dịch với viêm gan B. Để biết thêm thông tin chi tiết và đặt lịch tiêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu qua hotline 1800 6928 hoặc truy cập website chính thức của trung tâm.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được HBsAg là gì, HBsAg dương tính là gì, chỉ số xét nghiệm bao nhiêu là nguy hiểm. Nhìn chung, việc theo dõi chỉ số HBsAg định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm gan B. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh không nên quá lo lắng mà cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp và kiểm soát hiệu quả tình trạng sức khỏe gan.