Tuần thai thứ 28, mẹ bầu sẽ trải qua nhiều biến chuyển rõ rệt để chuẩn bị cho hành trình vượt cạn. Vậy bầu 28 tuần là mấy tháng? Những thông tin trong bài viết sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về cột mốc quan trọng này cùng các lưu ý cần thiết để đảm bảo thai nhi phát triển tốt.
Bầu 28 tuần là mấy tháng? Đang thuộc giai đoạn nào của thai kỳ?
Quá trình mang thai được chia làm ba giai đoạn chính, còn gọi là tam cá nguyệt:
- Tam cá nguyệt thứ nhất: Từ tuần 1 đến tuần thứ 13;
- Tam cá nguyệt thứ hai: Từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 27;
- Tam cá nguyệt thứ ba: Bắt đầu từ tuần 28 đến khoảng tuần thứ 40 (hoặc lâu hơn).
Vì vậy, nếu mẹ đang thắc mắc bầu 28 tuần là mấy tháng, thì đây chính là thời điểm mẹ đã bước sang tháng thứ 7 của thai kỳ và khởi đầu cho tam cá nguyệt cuối cùng. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, khi thai nhi có sự tăng trưởng vượt bậc, đồng thời cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi để chuẩn bị cho quá trình sinh con sắp tới.

Sự phát triển của thai nhi từ tuần thứ 28
Ở tuần thai thứ 28, thai nhi đã bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc cả về thể chất lẫn các giác quan bước đầu chuẩn bị cho lúc sinh. Dưới đây là những thay đổi nổi bật trong quá trình phát triển của em bé mà mẹ bầu nên biết:
- Cân nặng và chiều dài: Ở tuần thứ 28, thai nhi đã đạt trọng lượng khoảng 1,2 kg và chiều dài khoảng 34 cm.
- Làn da: Da bé tiếp tục phát triển, trở nên mịn màng và ít nhăn hơn. Đồng thời, lớp mỡ dưới da đang dày lên, giúp giữ ấm cho bé sau khi chào đời.
- Tóc và lông tơ: Lớp lông tơ mỏng trên cơ thể bé đang dần biến mất, nhường chỗ cho lớp tóc mới, mọc dày và đều hơn.
- Các chức năng cảm giác: Em bé bắt đầu mở mắt và cảm nhận được ánh sáng. Não bộ cùng võng mạc cũng đã hình thành đầy đủ, hỗ trợ bé nhận biết hình ảnh và màu sắc.
Vào giai đoạn này, bé đã cảm nhận được xúc giác, thị giác và bắt đầu phản ứng với âm thanh. Mẹ nên thường xuyên trò chuyện hoặc cho bé nghe nhạc nhẹ để tăng cường sự kết nối và gắn bó giữa hai mẹ con.

Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần thai thứ 28
Ở tháng thứ 7 của thai kỳ, cân nặng của mẹ có thể tăng trung bình khoảng 8 – 9 kg. Một số triệu chứng thường gặp trong tuần này bao gồm:
Cơn co thắt Braxton-Hicks
Nếu mẹ cảm nhận cơn đau quặn xuất hiện cuối ngày, đó có thể là co thắt Braxton-Hicks – cơn co sinh lý giúp cơ thể luyện tập cho quá trình chuyển dạ. Những cơn co này thường không đều và không gây mở cổ tử cung, nhưng có thể xảy ra nhiều hơn nếu mẹ mệt mỏi hoặc thiếu nước.
Ngứa và rạn da
Cùng với sự phát triển của thai nhi, da vùng bụng bị căng ra, dẫn đến cảm giác ngứa. Đây là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn mang thai tuần 28. Mẹ nên hạn chế gãi để tránh làm tổn thương da, thay vào đó có thể dùng kem dưỡng ẩm và uống đủ nước để giảm ngứa.
Bên cạnh đó, các vết rạn có thể xuất hiện quanh bụng và rốn, do tác động của hormone làm suy yếu cấu trúc collagen và elastin dưới da.

Một số rối loạn sức khỏe khác
Mẹ có thể gặp khó khăn trong tiêu hóa như táo bón, trào ngược dạ dày; các vấn đề về tĩnh mạch như chân nặng, giãn tĩnh mạch hoặc trĩ. Cảm giác buồn tiểu nhiều, khó thở khi vận động nhẹ hoặc chóng mặt do tụt huyết áp, hạ đường huyết cũng không hiếm gặp.
Mẹ cũng có thể thấy nặng bụng dưới, đau thắt lưng, đau vùng chậu, háng và mông. Đây là những dấu hiệu thường thấy trong tam cá nguyệt thứ ba, gây khó chịu cho gần một nửa số mẹ bầu. Nguyên nhân thường đến từ:
- Sự thay đổi hormone (estrogen, relaxin) làm dây chằng giãn ra, ảnh hưởng đến khớp.
- Sự gia tăng cân nặng và kích thước bụng làm thay đổi tư thế, tăng áp lực lên thắt lưng.
- Thiếu hụt magiê cũng có thể góp phần gây đau vùng chậu và lưng dưới.
Ngoài ra, mẹ có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như:
- Đau vùng lưng dưới;
- Phù nề bàn chân và cẳng chân;
- Cảm giác nặng nề toàn thân;
- Ngực căng, có thể tiết sữa non.
Lưu ý quan trọng khi bầu ở tuần thứ 28
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý ở tuần thai thứ 28 đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe cho mẹ. Mẹ nên bổ sung đầy đủ canxi và magiê để hỗ trợ hình thành xương, cơ bắp cho bé cũng như ngăn ngừa chuột rút, táo bón. Mẹ bầu cũng nên bổ sung rau củ, trái cây để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, mẹ nên nghỉ ngơi thường xuyên để giảm bớt mệt mỏi, duy trì năng lượng cho giai đoạn cuối. Một chế độ vận động nhẹ nhàng, ăn uống lành mạnh cũng giúp mẹ hạn chế nguy cơ mắc hội chứng đau vùng chậu và chuẩn bị tốt hơn cho ngày sinh nở.

Thông qua bài viết này, bạn đã biết rõ bầu 28 tuần là mấy tháng, cũng như sự phát triển quan trọng của thai nhi và những thay đổi cơ thể mẹ trong giai đoạn này. Hãy tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, kết hợp nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện và mẹ luôn khỏe mạnh trong những tuần sắp tới.
Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng và tinh thần, tiêm phòng đầy đủ là một bước vô cùng quan trọng giúp mẹ và bé phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu hiện cung cấp đa dạng các loại vắc xin dành riêng cho mẹ bầu, bao gồm vắc xin phòng cúm, vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà,... Với đội ngũ y tế chuyên môn cao, quy trình tiêm chủng an toàn và không gian sạch sẽ, hiện đại, Trung tâm tiêm chủng Long Châu là lựa chọn lý tưởng để mẹ an tâm đồng hành cùng con trong suốt thai kỳ