Tìm hiểu chung về viêm tụy cấp
Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ nằm phía sau dạ dày, có vai trò hỗ trợ tiêu hóa (bao gồm tiết dịch ngoại tiết và nội tiết).
Viêm tụy cấp (Acute Pancreatitis) là một rối loạn tiêu hoá phổ biến, liên quan đến tình trạng viêm cấp tính tại tuyến tụy. Mức độ nghiêm trọng của viêm tụy cấp có thể rất khác nhau, từ nhẹ và chỉ cần điều trị bảo tồn đến nặng với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tụy cấp bao gồm sỏi mật, sử dụng rượu và tăng triglyceride máu.
Chẩn đoán viêm tụy cấp thường khá đơn giản, nhưng thách thức lớn nhất là dự đoán diễn biến và kết quả của bệnh. Thời gian mắc bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ chăm sóc cần thiết.
Phân loại Atlanta chia viêm tụy cấp thành hai dạng chính:
- Viêm tụy cấp phù nề (interstitial edematous acute pancreatitis) đặc trưng bởi tình trạng viêm cấp tính ở nhu mô tụy và các mô xung quanh.
- Viêm tụy cấp hoại tử (necrotizing acute pancreatitis) đặc trưng bởi tình trạng hoại tử ở nhu mô tụy và các mô xung quanh.
Dựa trên mức độ nghiêm trọng, viêm tụy cấp được chia thành ba mức độ:
- Viêm tụy cấp nhẹ không có biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân, không suy tạng.
- Viêm tụy cấp trung bình - nặng có biến chứng tại chỗ và có hoặc không có suy tạng, nhưng tình trạng suy tạng kéo dài dưới 48 giờ.
- Viêm tụy cấp nặng suy tạng kéo dài trên 48 giờ và có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều cơ quan.
Triệu chứng viêm tụy cấp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tụy cấp
Triệu chứng chính của viêm tụy cấp là đau dữ dội ở vùng giữa bụng, cơn đau xuất hiện đột ngột, có thể lan ra sau lưng và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
- Khó tiêu.
- Sốt từ 38°C trở lên.
- Vàng da, vàng mắt (có thể khó nhận thấy ở người có làn da sẫm màu).
- Bụng căng, sưng hoặc nhạy cảm khi chạm vào.
- Tim đập nhanh hoặc thở gấp.
Ăn uống, đặc biệt là các món nhiều dầu mỡ, có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn ngay lập tức.
Nằm ngửa có thể làm đau hơn, nhưng ngồi cúi người về phía trước hoặc cuộn tròn người có thể giúp giảm bớt cơn đau.
Nếu viêm tụy cấp do sỏi mật, cơn đau thường xuất hiện sau một bữa ăn lớn. Nếu do rượu, triệu chứng thường xảy ra sau khoảng 6 đến 12 giờ kể từ khi uống quá nhiều rượu.
/viem_tuy_cap4_39200f0b84.png)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tụy cấp
Hầu hết những người bị viêm tụy cấp sẽ hồi phục mà không gặp vấn đề gì thêm. Tuy nhiên, những trường hợp viêm tụy cấp nặng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Hội chứng chèn ép khoang bụng;
- Giãn tĩnh mạch dạ dày;
- Nhiễm toan máu;
- Tắc ruột;
- Tổn thương thận cấp;
- Huyết khối tĩnh mạch mạc treo;
- Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp tính;
- Áp xe tụy;
- Cổ trướng;
- Giả phình động mạch tụy;
- Nhồi máu ruột;
- Hoại tử tụy;
- Viêm tụy mạn tính;
- Hình thành nang giả tụy;
- Đông máu nội mạch lan tỏa;
- Huyết khối tĩnh mạch lách;
- Viêm tụy xuất huyết.
Viêm tụy cấp trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong, với tỷ lệ dao động từ khoảng 3% ở những trường hợp nhẹ đến 20% ở những bệnh nhân bị hoại tử tụy.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ ngay nếu gặp các triệu chứng nghi ngờ viêm tụy cấp. Nếu cơn đau rất nghiêm trọng, lan rộng hoặc kèm theo tụt huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu, bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
Những nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp bao gồm sỏi mật, sử dụng rượu bia và tăng triglyceride máu. Tỷ lệ mắc bệnh do từng nguyên nhân có thể khác nhau tùy theo khu vực địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Sỏi mật.
- Sử dụng rượu bia.
- Tăng triglyceride máu.
- Viêm tụy do thuốc.
- Không rõ nguyên nhân (idiopathic).
- Sau thủ thuật, chẳng hạn như nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc phẫu thuật bụng.
- Hẹp bóng Vater (trước đây gọi là rối loạn cơ vòng Oddi loại I).
- Viêm tụy tự miễn.
- Nhiễm virus như Coxsackie, Cytomegalovirus, Echovirus, Epstein-Barr, viêm gan A/B/C, HIV, quai bị, rubella, thủy đậu.
- Nhiễm vi khuẩn như Campylobacter jejuni, Legionella, Leptospira, Mycobacterium avium, Mycobacterium tuberculosis, Mycoplasma.
- Hút thuốc lá.
- Chấn thương.
- Dị tật bẩm sinh.
- Bệnh di truyền, như viêm tụy di truyền, xơ nang, thiếu hụt alpha-1 antitrypsin.
- Tăng canxi máu.
- Nhiễm ký sinh trùng, như giun đũa, Cryptosporidium, sán lá gan Clonorchis sinensis, Microsporidia.
- Bệnh thận (chạy thận nhân tạo).
- Độc tố, như nọc độc bọ cạp, ngộ độc thuốc trừ sâu gốc phospho hữu cơ.
- Viêm mạch máu, như viêm nút quanh động mạch, lupus ban đỏ hệ thống (SLE).
/viem_tuy_cap5_968760598a.png)
Nguy cơ mắc phải viêm tụy cấp
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tụy cấp?
Hầu hết mọi đối tượng bất kể tuổi tác, giới tính đều có khả năng mắc phải viêm tuỵ cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh viêm tụy cấp nhiều nhất được ghi nhận ở độ tuổi khoảng 50 đến 60.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tụy cấp
Hiện nay, tần suất xuất hiện viêm tuỵ cấp đang gia tăng tại Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới. Xu hướng bệnh gia tăng một phần là do các yếu tố như:
- Hội chứng chuyển hoá gia tăng;
- Tỷ lệ tăng triglyceride nhiều hơn.
Một số yếu tố khác được ghi nhận liên quan đến khu vực địa lý và tầng lớp xã hội. Lý do có thể là do sự khác biệt trong việc sử dụng rượu và sự xuất hiện của sỏi mật (là 2 nguyên nhân chính gây viêm tuỵ cấp).
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp thường được chẩn đoán tại bệnh viện, nơi bạn sẽ được điều trị và theo dõi để phát hiện sớm các biến chứng.
Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, tiền sử gia đình và kiểm tra vùng bụng, nếu bị viêm tụy cấp, bụng của bạn sẽ rất đau khi chạm vào. Bạn cũng có thể cần xét nghiệm máu và đôi khi chụp CT để xác nhận chẩn đoán.
/viem_tuy_cap6_20f9c20a8e.png)
Ban đầu, rất khó xác định viêm tụy cấp của bạn là nhẹ hay nặng, vì vậy bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như suy tạng. Bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm để đánh giá mức độ nặng, theo dõi biến chứng của bệnh gồm chụp CT, MRI, siêu âm.
Điều trị viêm tụy cấp
Những người bị viêm tụy cấp nhẹ thường bắt đầu hồi phục trong vòng một tuần và không gặp thêm vấn đề gì hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, tự cải thiện trong 48 giờ. Phần lớn bệnh nhân có thể xuất viện sau vài ngày nếu sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, nếu bị viêm tụy cấp nặng, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nghiêm trọng, cần được điều trị tích cực hơn. Một số trường hợp phải chuyển vào khoa hồi sức tích cực (ICU). Quá trình hồi phục sẽ lâu hơn, và trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể đe dọa tính mạng.
Các điều trị chủ yếu của viêm tuỵ cấp bao gồm:
- Bù dịch.
- Kiểm soát dinh dưỡng.
- Quản lý đau.
- Điều trị nguyên nhân (sỏi mật, tăng triglyceride).
- Quản lý biến chứng bệnh (tụ dịch quanh tụy, hoại tử tụy, nhiễm trùng).
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa viêm tụy cấp
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm tụy cấp
Chế độ sinh hoạt
Để hỗ trợ hạn chế diễn tiến viêm tuỵ cấp, bạn có thể thực hiện các việc sau:
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám khi cần.
- Kiêng rượu bia, giảm cân, ăn ít chất béo và kiểm soát mỡ máu.
- Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị nếu bạn xuất hiện các triệu chứng khó chịu (đau bụng, nôn ói) trong quá trình điều trị.
- Duy trì lối sống lành mạnh, khám bệnh đều đặn để kiểm soát các bệnh lý (mỡ máu, tiểu đường, sỏi mật…).
Chế độ dinh dưỡng
Nếu bạn bị viêm tụy cấp nhẹ nhưng không buồn nôn, không nôn ói và không còn đau bụng, bạn thường có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn có thể được khuyên không ăn thức ăn rắn, kiêng ăn trong vài ngày hoặc lâu hơn cho đến khi cơn đau bụng giảm. Điều này giúp giảm áp lực lên tụy, tránh làm tình trạng viêm nặng hơn. Khuyến cáo nên cho ăn chế độ mềm, ít chất béo trong thời gian đầu. Sau đó, tăng dần lên chế độ ăn thông thường ngay khi bạn dung nạp được. Trong trường hợp viêm tụy nặng hoặc không dung nạp được thức ăn qua đường miệng, bạn có thể được chỉ định cho nuôi ăn qua ống thông dạ dày.
Đồng thời, sau khi hồi phục viêm tụy cấp, bạn cần tuyệt đối tránh rượu bia (thức uống có cồn) để tránh gây tổn thương tụy.
Phòng ngừa viêm tụy cấp
Bạn có thể phòng ngừa một số nguyên nhân viêm tụy cấp như sỏi mật, hút thuốc lá, rượu bia. Duy trì lối sống lành mạnh và kiêng rượu bia có thể phòng ngừa hầu hết các trường hợp viêm tụy cấp tính.
Phòng ngừa viêm tụy cấp do sỏi mật:
- Ăn uống lành mạnh: Nên ăn ít nhất 5 phần rau củ và trái cây tươi mỗi ngày để giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Bổ sung ngũ cốc nguyên cám: Có trong bánh mì nguyên cám, yến mạch, gạo lứt giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
- Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol: Vì có mối liên hệ giữa cholesterol cao và sỏi mật, bạn nên tránh ăn quá nhiều thực phẩm nhiều chất béo.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ sỏi mật, vì vậy hãy kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
/viem_tuy_cap7_e646e8f2bb.png)
Phòng ngừa viêm tụy cấp do rượu bia:
- Hạn chế uống rượu bia để bảo vệ tụy khỏi tổn thương.
- Nếu bạn đã từng bị viêm tụy cấp do uống rượu, nên kiêng rượu hoàn toàn để tránh tái phát.
Viêm tụy cấp là một tình trạng nguy hiểm, nhưng một số nguyên nhân có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát chế độ ăn uống và hạn chế rượu bia. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như sỏi mật, mỡ máu cao hoặc tiền sử viêm tụy, hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.