icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
30_4_2025_header_web_2_e7f82ebc3b30_4_2025_header_app_1_1fb85f5a69
tran_dich_mang_tinh_hoan_f271fec8aatran_dich_mang_tinh_hoan_f271fec8aa

Tràn dịch màng tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và các phương pháp điều trị

Tuyết Ly09/04/2025

Tràn dịch màng tinh hoàn (hydrocele) là sự tích tụ dịch bất thường ở giữa hai lớp của màng bao quanh tinh hoàn. Tràn dịch màng tinh hoàn thường gặp ở trẻ sơ sinh và tự biến mất mà không cần điều trị trước 1 tuổi. Ở trẻ lớn hơn và người trưởng thành, tràn dịch màng tinh hoàn có thể xuất hiện do chấn thương ở bìu hoặc các bệnh lý khác. Tình trạng này thường không gây đau hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số trường hợp không cần điều trị. Việc hiểu rõ về tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Tìm hiểu chung về tràn dịch màng tinh hoàn

Tràn dịch màng tinh hoàn (hydrocele) là sự tích tụ dịch bất thường ở giữa hai lớp của màng bao quanh tinh hoàn. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh xảy ra do bất thường trong quá trình đóng lại của ống phúc tinh mạc. Trong giai đoạn phát triển bào thai, tinh hoàn được hình thành sau phúc mạc ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu qua ống bẹn vào tuần thai thứ 3. Quá trình này diễn ra cùng với sự di chuyển của ống phúc tinh mạc.

Thông thường, phần trên của ống phúc tinh mạc sẽ bị bịt kín, trong khi phần dưới vẫn tồn tại dưới dạng màng tinh hoàn, bao bọc mặt trước, bên và trong của tinh hoàn. Nếu phần trên của ống phúc tinh mạc vẫn còn thông với ổ bụng, dịch có thể di chuyển tự do từ ổ bụng xuống bìu, gây ra tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh.

Tràn dịch màng tinh hoàn được chia thành tràn dịch màng tinh hoàn nguyên phát và tràn dịch màng tinh hoàn thứ phát.

Tràn dịch màng tinh hoàn nguyên phát

Tràn dịch màng tinh hoàn nguyên phát xảy ra khi ống phúc tinh mạc đóng lại vào thời điểm đủ tháng hoặc trong 1 đến 2 năm sau sinh, chấm dứt sự liên thông giữa ổ bụng và bìu. Tuy nhiên, phần màng tinh hoàn vẫn tồn tại như một khoang tiềm tàng, có thể tích tụ dịch và hình thành tràn dịch màng tinh hoàn. Dựa vào vị trí đóng của ống phúc tinh mạc, tràn dịch màng tinh hoàn nguyên phát được chia thành bốn loại:

  • Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh (Congenital Hydrocele): Xảy ra khi ống phúc tinh mạc vẫn còn thông với ổ bụng, dịch di chuyển vào bìu nhưng không đủ lớn để gây thoát vị ruột.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn trẻ nhỏ (Infantile Hydrocele): Ống phúc tinh mạc bịt kín ở vị trí vòng bẹn sâu, nhưng phần dưới vẫn tồn tại, dẫn đến tích tụ dịch.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn dạng nang nước thừng tinh (Encysted Hydrocele of the Cord): Cả hai đầu của ống phúc tinh mạc bị bịt kín, nhưng phần giữa vẫn tồn tại và chứa dịch, tạo thành một khối nang dọc theo thừng tinh.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn dạng màng tinh hoàn (Vaginal Hydrocele): Ống phúc tinh mạc chỉ tồn tại xung quanh tinh hoàn, khiến tinh hoàn khó sờ thấy do bị bao phủ bởi dịch.

Tràn dịch màng tinh hoàn thứ phát

Tràn dịch màng tinh hoàn thứ phát do một bệnh lý gây ra, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng (giun chỉ, lao mào tinh hoàn, giang mai).
  • Chấn thương (chấn thương vùng bìu, tràn dịch sau phẫu thuật thoát vị bẹn).
  • Khối u ác tính.

Tràn dịch màng tinh hoàn thứ phát thường có kích thước tổn thương nhỏ, trừ trường hợp do nhiễm giun chỉ, có thể gây sưng bìu rất lớn.

Triệu chứng tràn dịch màng tinh hoàn

Những dấu hiệu và triệu chứng của tràn dịch màng tinh hoàn

Triệu chứng chính của tràn dịch màng tinh hoàn là tình trạng sưng bìu ở một hoặc cả hai bên, có cảm giác như một túi nước. Bạn cũng có thể cảm thấy các triệu chứng khác thường ở bìu, như:

  • Sưng, thay đổi kích thước trong ngày;
  • Khó chịu;
  • Đau tinh hoàn;
  • Cảm giác nặng nề.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có tình trạng sưng ở bìu. Quan trọng là cần được bác sĩ xác định xem có nguyên nhân nào khác gây sưng có thể điều trị được hay không. Ví dụ, tràn dịch màng tinh hoàn có thể liên quan đến một điểm yếu ở vùng bụng khiến cho một phần ruột chui xuống bìu. Tình trạng này được gọi là thoát vị bẹn.

Ở trẻ sơ sinh, tràn dịch màng tinh hoàn thường tự biến mất. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn còn sau một năm hoặc nếu triệu chứng sưng ngày càng nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đi khám lại để được kiểm tra.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn hoặc con bạn đột ngột đau dữ dội ở bìu hoặc sưng bìu. Điều trị kịp thời đặc biệt quan trọng nếu cơn đau hoặc sưng xuất hiện trong vòng vài giờ sau chấn thương ở vùng bìu.

tran-dich-mang-tinh-hoan 4.png

Nguyên nhân gây tràn dịch màng tinh hoàn

Có bốn cơ chế cơ bản dẫn đến sự hình thành tràn dịch màng tinh hoàn, bao gồm:

  • Sự thông thương giữa khoang phúc mạc qua ống phúc tinh mạc còn tồn tại (tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh).
  • Sản xuất quá mức dịch ở màng tinh hoàn (tràn dịch màng tinh hoàn thứ phát).
  • Sự hấp thụ dịch ở màng tinh hoàn bị suy giảm.
  • Sự cản trở hệ thống dẫn lưu bạch huyết ở bìu, như trong trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn do giun chỉ.

Ở trẻ em, nguyên nhân chính gây tràn dịch màng tinh hoàn là sự tồn tại của ống phúc tinh mạc, cho phép dịch phúc mạc chảy vào bìu. Tuy nhiên, ở người trưởng thành, nguyên nhân chủ yếu trên phạm vi toàn cầu là bệnh giun chỉ do Wuchereria bancrofti, ảnh hưởng đến 120 triệu người tại hơn 73 quốc gia. Ở Hoa Kỳ, nguyên nhân thường gặp là do sự cố y khoa, chẳng hạn như chấn thương hoặc biến chứng sau phẫu thuật thoát vị bẹn.

tran-dich-mang-tinh-hoan 5.png

Nguy cơ mắc phải tràn dịch màng tinh hoàn

Những ai có nguy cơ mắc phải tràn dịch màng tinh hoàn?

Hầu hết các trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Ít nhất 5% trẻ sơ sinh nam mắc tình trạng này. Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ chào đời sớm hơn ngày dự sinh hơn ba tuần, có nguy cơ cao bị tràn dịch màng tinh hoàn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tràn dịch màng tinh hoàn

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tràn dịch màng tinh hoàn bao gồm:

  • Sinh non;
  • Chấn thương hoặc viêm tinh hoàn;
  • Nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
tran-dich-mang-tinh-hoan 6.png

Phương pháp chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng tinh hoàn

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tràn dịch màng tinh hoàn

Để chẩn đoán tràn dịch màng tinh hoàn, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và thực hiện thăm khám lâm sàng.

Trong quá trình khám, bác sĩ có thể ấn nhẹ vào vùng bẹn hoặc yêu cầu bạn ho để quan sát sự thay đổi của khối phồng. Họ cũng có thể chiếu đèn qua bìu để phát hiện sự hiện diện của dịch trong khu vực này. Phần lớn các trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn có thể được chẩn đoán chỉ bằng thăm khám lâm sàng.

Để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh học, bao gồm:

  • Siêu âm vùng chậu;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

Điều trị tràn dịch màng tinh hoàn

Ở trẻ sơ sinh, tràn dịch màng tinh hoàn đôi khi có thể tự khỏi. Tuy nhiên, ở bất kỳ độ tuổi nào, quan trọng là bác sĩ cần kiểm tra tình trạng này vì nó có thể liên quan đến bệnh lý ở tinh hoàn.

Nếu tràn dịch màng tinh hoàn không tự hết, có thể cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ. Để loại bỏ tràn dịch màng tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở bìu hoặc vùng bụng dưới. Đôi khi, tràn dịch màng tinh hoàn được phát hiện trong quá trình phẫu thuật thoát vị bẹn. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể loại bỏ luôn dịch ngay cả khi nó không gây khó chịu.

Sau phẫu thuật, bạn có thể cần đặt ống dẫn lưu và băng ép trong vài ngày. Ngoài ra, bạn cần tái khám vì tràn dịch màng tinh hoàn có khả năng tái phát.

tran-dich-mang-tinh-hoan 7.png

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa tràn dịch màng tinh hoàn

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tràn dịch màng tinh hoàn

Người bệnh tràn dịch màng tinh hoàn cần duy trì chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục, đặc biệt là sau phẫu thuật. Dưới đây là một số gợi ý:

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Hạn chế vận động mạnh, tránh mang vác nặng để giảm áp lực lên vùng bìu. Nếu mới phẫu thuật, nên dành thời gian nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật (nếu có): Giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo, tránh nhiễm trùng. Không tự ý tháo băng hoặc động chạm vào vùng phẫu thuật nếu chưa được bác sĩ cho phép. Theo dõi dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, đau nhiều, chảy dịch hoặc sốt và báo ngay cho bác sĩ.
  • Mặc quần áo phù hợp: Mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, có độ co giãn tốt để giảm cảm giác nặng ở bìu. Tránh quần quá chật vì có thể gây tăng áp lực lên vùng bìu.
  • Hoạt động thể chất nhẹ nhàng: Có thể đi bộ nhẹ nhàng để lưu thông máu và tránh ứ dịch. Tránh các môn thể thao có tác động mạnh như chạy bộ, đạp xe, tập gym hoặc chơi bóng đá.
  • Tuân thủ lịch tái khám: Đi khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tiến triển bệnh. Nếu có triệu chứng bất thường như sưng to, đau nhiều hoặc tái phát tràn dịch, cần đi khám ngay.

Chế độ dinh dưỡng:

Nên ăn:

  • Thực phẩm chống viêm như rau xanh, trái cây giàu vitamin C (bưởi, cam, việt quất), cá (cá hồi, cá thu), hạt chia, hạnh nhân.
  • Thực phẩm giàu protein như thịt nạc, cá, trứng, đậu, hạnh nhân.
  • Thực phẩm tốt cho tiêu hóa như sữa chua, men vi sinh, uống đủ 1,5 – 2 lít nước/ngày.

Nên hạn chế:

  • Thực phẩm gây viêm như đồ ăn nhanh, chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Đồ ăn gây đầy hơi, táo bón như đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường.

Phòng ngừa tràn dịch màng tinh hoàn

Không có biện pháp để phòng ngừa tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh.

Đối với trẻ lớn, thanh thiếu niên và người trưởng thành, cách tốt nhất để phòng tránh tràn dịch màng tinh hoàn là bảo vệ tinh hoàn và bìu khỏi chấn thương. Nếu bạn chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động mạnh, hãy đeo bảo hộ thể thao để giảm nguy cơ chấn thương.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

NGUỒN THAM KHẢO

Chủ đề:
Chia sẻ:

Câu hỏi thường gặp

Tràn dịch màng tinh hoàn thường không gây ảnh hưởng sinh sản (vô sinh).

Tiên lượng của tràn dịch màng tinh hoàn thường rất tốt. Hầu hết các trường hợp tự khỏi, và những trường hợp cần phẫu thuật cũng có tỷ lệ thành công cao.

Sau phẫu thuật điều trị tràn dịch màng tinh hoàn, hầu hết mọi người cần nghỉ ngơi khoảng một tuần. Nếu công việc của bạn đòi hỏi nhiều hoạt động thể chất, bạn có thể cần được nghỉ lâu hơn.

Có. Tràn dịch màng tinh hoàn không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hay làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.

Tràn dịch màng tinh hoàn là tình trạng tích tụ dịch bất thường ở giữa hai lớp của màng bao quanh tinh hoàn, gây sưng. Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng các tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn. Thừng tinh là một dải mô giữ tinh hoàn ở đúng vị trí của nó.