Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắt bị đỏ như mỏi mắt, khô mắt, do tiếp xúc với các chất gây kích ứng,... Tuy nhiên mắt đỏ cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh liên quan về mắt. Hãy cùng Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu rõ hơn về mắt đỏ là dấu hiệu của bệnh gì thông qua bài viết dưới đây nhé.
Mắt đỏ là tình trạng như thế nào?
Mắt đỏ là tình trạng phổ biến xảy ra khi các mạch máu nhỏ trên bề mặt mắt bị giãn hoặc vỡ, khiến mắt có màu đỏ hoặc hồng. Đây có thể là dấu hiệu của kích ứng nhẹ hoặc bệnh lý nghiêm trọng về mắt.
Triệu chứng của mắt đỏ thường đi kèm với các dấu hiệu khác tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng mắt bị đỏ. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa, rát, cộm xốn, chảy nước mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Trong trường hợp bị nhiễm trùng, mắt có thể xuất hiện ghèn màu vàng hoặc xanh và xuất hiện triệu chứng sưng mí mắt. Nếu mắt bị đỏ kèm theo đau nhức dữ dội, nhìn mờ, sợ ánh sáng hoặc buồn nôn, đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm cần được thăm khám ngay. Việc xác định nguyên nhân chính xác khiến mắt bị đỏ là điều rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp, giúp bảo vệ sức khỏe thị lực.
/nguyen_nhan_dan_den_mat_bi_do_va_phuong_phap_dieu_tri_khi_bi_do_mat_1_acfffbef22.png)
Nguyên nhân dẫn đến mắt bị đỏ
Mắt đỏ xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc hoặc củng mạc bị giãn ra, dẫn đến tình trạng mắt bị đỏ. Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bị đỏ bao gồm:
- Khô mắt: Tiếp xúc lâu với màn hình điện tử, điều hòa không khí hoặc gió mạnh có thể làm giảm tiết nước mắt, gây kích ứng mắt từ đó khiến mắt bị đỏ.
- Tiếp xúc với hóa chất: Khói bụi, nước hồ bơi có chứa clo, xà phòng hoặc mỹ phẩm có thể gây kích ứng và làm đỏ mắt.
- Dị ứng: Phấn hoa, lông động vật hoặc khói thuốc lá có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, dẫn đến đỏ mắt kèm ngứa và chảy nước mắt.
- Mỏi mắt: Làm việc nhiều giờ liên tục trước màn hình thiết bị điện tử, đọc sách trong điều kiện ánh sáng kém có thể gây căng thẳng cho mắt, dẫn đến mắt bị đỏ.
- Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc làm giãn mạch máu ở mắt, gây ra tình trạng mắt đỏ.
- Mắc bệnh lý về mắt: Trong trường hợp mắt đỏ kéo dài và kèm theo một số triệu chứng khác thì có thể bạn đang mắc bệnh lý về mắt khiến mắt bị đỏ.
/nguyen_nhan_dan_den_mat_bi_do_va_phuong_phap_dieu_tri_khi_bi_do_mat_2_7a08599ff0.png)
Mắt bị đỏ là dấu hiệu của bệnh gì?
Trong trường hợp mắt bị đỏ do tác nhân từ môi trường như khói, bụi, mỏi mắt, thiếu ngủ,... thì tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu. Tuy nhiên nếu mắt bị đỏ trong thời gian dài có thể do nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy mắt bị đỏ là dấu hiệu của bệnh gì?
Mọc mụn lẹo
Mọc mụn lẹo cũng là nguyên nhân khiến mắt bị đỏ. Mụn lẹo ở mắt là tình trạng viêm tuyến bã nhờn ở bờ mi mắt, thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Triệu chứng mọc mụn lẹo bao gồm sưng, đỏ, đau và có thể chảy mủ. Lẹo thường tự khỏi sau vài ngày nhưng có thể cần chườm ấm hoặc điều trị kháng sinh nếu nhiễm trùng nặng.
Viêm mi mắt
Mắt bị đỏ kèm theo các triệu chứng như ngứa mắt, lông mi rụng nhiều, bờ mi có vảy, chớp mắt liên tục hoặc cảm thấy trong mắt như có bụi thì có thể bạn đang bị viêm mi mắt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm mi mắt là do vùng mắt được vệ sinh chưa sạch tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm tấn công và gây viêm.
/nguyen_nhan_dan_den_mat_bi_do_va_phuong_phap_dieu_tri_khi_bi_do_mat_3_5cc5b7f43f.png)
Xuất huyết dưới kết mạc
Xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng vỡ mạch máu nhỏ trong mắt, gây đỏ nhưng không đau. Nguyên nhân thường do chấn thương, tăng huyết áp hoặc căng thẳng khi ho, hắt hơi. Xuất huyết dưới kết mạc thường tự khỏi sau 1-2 tuần mà không cần điều trị đặc hiệu.
Bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là bệnh lý nguy hiểm do áp lực nội nhãn tăng cao, gây tổn thương thần kinh thị giác. Triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp gồm mắt bị đỏ, đau nhức, nhìn mờ, quầng sáng quanh đèn. Bệnh tăng nhãn áp nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh viêm kết mạc
Mắt bị đỏ có thể là do bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ), đây là bệnh về mắt khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Nguyên nhân gây viêm kết mạc chủ yếu là do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi và có thể lây lan nhanh thành dịch.
/nguyen_nhan_dan_den_mat_bi_do_va_phuong_phap_dieu_tri_khi_bi_do_mat_4_2488380c12.png)
Phương pháp điều trị khi bị đỏ mắt
Mắt bị đỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau vì vậy việc điều trị phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Cụ thể:
- Nếu mắt bị đỏ do viêm kết mạc: Viêm kết mạc do virus thông thường bệnh tự hết và không cần điều trị đặc hiệu. Người bệnh nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, tránh dụi mắt và không dùng chung khăn mặt để ngăn ngừa lây nhiễm. Trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh như tobramycin hoặc chloramphenicol. Việc sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
- Bị đỏ mắt do dị ứng: Người bệnh có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamin (như olopatadine) hoặc thuốc co mạch (như naphazoline) để giảm triệu chứng ngứa và kích ứng. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú hoặc khói bụi.
- Mắt đỏ do khô mắt: Người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt chứa hyaluronic acid để giữ ẩm. Việc chớp mắt thường xuyên, bổ sung đủ nước và duy trì độ ẩm không khí cũng giúp cải thiện tình trạng này.
- Mắt bị đỏ do xuất huyết dưới kết mạc: Đây là tình trạng có thể gây đỏ mắt nhưng không nguy hiểm. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau 1–2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh dụi mắt và theo dõi các dấu hiệu bất thường như đau hoặc giảm thị lực để có phương pháp điều trị kịp thời.
- Mắt bị đỏ do tăng nhãn áp cấp: Là một cấp cứu nhãn khoa nguy hiểm có thể gây mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được sử dụng thuốc hạ nhãn áp hoặc can thiệp ngoại khoa.
/nguyen_nhan_dan_den_mat_bi_do_va_phuong_phap_dieu_tri_khi_bi_do_mat_5_95890e3424.png)
Ngoài các phương pháp điều trị cụ thể, người bệnh nên giữ vệ sinh mắt, hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng, tránh đeo kính áp tròng khi mắt đang đỏ và không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mà không có chỉ định của bác sĩ. Nếu mắt bị đỏ kéo dài, kèm theo đau hoặc giảm thị lực, bạn cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Mắt bị đỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó bao gồm cả nguyên nhân bệnh lý. Trong trường hợp mắt bị đỏ kéo dài trong thời gian dài, bạn nên theo dõi các dấu hiệu bất thường kèm theo và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe đôi mắt bằng cách giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, bổ sung các loại thực phẩm hỗ trợ sức khỏe mắt.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp các loại vắc xin thế hệ mới nhất, nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Với hệ thống lưu trữ đạt chuẩn GSP, trung tâm đảm bảo chất lượng và an toàn cho từng liều vắc xin. Ngoài ra, trung tâm còn cung cấp dịch vụ tiêm chủng linh hoạt, bao gồm tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin và đặt giữ vắc xin trực tuyến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Để đặt lịch hẹn, quý khách vui lòng liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua số Hotline miễn phí 1800 6928.