Tìm hiểu chung về giãn tĩnh mạch tinh
Giãn tĩnh mạch tinh (Varicocele) hay còn gọi giãn tĩnh mạch thừng tinh, là tình trạng giãn rộng của các tĩnh mạch bên trong bìu (túi da bao quanh bên ngoài tinh hoàn). Những tĩnh mạch này có chức năng giúp vận chuyển máu nghèo oxy từ tinh hoàn đi. Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch thay vì lưu thông hiệu quả ra khỏi bìu.
Giãn tĩnh mạch tinh thường xuất hiện ở độ tuổi dậy thì và tiến triển theo thời gian. Tình trạng này có thể gây khó chịu hoặc đau tức tinh hoàn, nhưng thường không gây ra triệu chứng hay biến chứng nặng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể dẫn đến tinh hoàn kèm phát triển, giảm chất lượng tinh trùng và giảm số lượng tinh trùng, hoặc các vấn đề khác có thể gây vô sinh. Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được đề nghị để khắc phục những biến chứng này.
Triệu chứng giãn tĩnh mạch tinh
Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch tinh
Giãn tĩnh mạch tinh thường xảy ra ở bên trái của bìu và thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể có như:
- Đau: Đau âm ỉ hoặc khó chịu thường xuất hiện khi đứng hoặc vào cuối ngày. Khi nằm xuống thì đau giảm.
- Khối cục trong bìu: Nếu giãn tĩnh mạch tinh đủ lớn, có thể thấy một khối phía trên tinh hoàn. Những trường hợp nhỏ hơn có thể không nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được khi sờ.
- Tinh hoàn bên to bên nhỏ: Tinh hoàn bị bệnh có thể nhỏ hơn rõ rệt so với tinh hoàn còn lại.
- Vô sinh: Giãn tĩnh mạch tinh có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng không phải trường hợp nào cũng dẫn đến vô sinh.
/4_7518be3886.png)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho các bé trai rất quan trọng để theo dõi sự phát triển và tình trạng của tinh hoàn. Việc lên lịch và tuân thủ các đợt khám này là rất cần thiết.
Nhiều tình trạng giãn tĩnh mạch tinh có thể gây đau, sưng hoặc xuất hiện khối cục trong bìu. Nếu bạn hoặc con bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn kịp thời.
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch tinh
Tinh hoàn nhận máu giàu oxy từ động mạch tinh hoàn. Tương tự, cũng có tĩnh mạch tinh hoàn vận chuyển máu đã nghèo oxy trở về tim. Bên trong mỗi bên bìu, một mạng lưới tĩnh mạch nhỏ có nhiệm vụ đưa máu nghèo oxy từ tinh hoàn vào tĩnh mạch tinh hoàn chính. Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng đám rối tĩnh mạch này bị giãn rộng.
Nguyên nhân chính xác của giãn tĩnh mạch tinh vẫn chưa được xác định. Một yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này là sự rối loạn chức năng của các van bên trong tĩnh mạch, vốn có nhiệm vụ giữ cho máu lưu thông đúng hướng. Ngoài ra, tĩnh mạch tinh bên trái có đường đi khác so với tĩnh mạch tinh bên phải, khiến máu dễ bị ứ đọng ở bên trái hơn.
Khi máu nghèo oxy bị ứ đọng trong mạng lưới tĩnh mạch, các tĩnh mạch sẽ giãn rộng gây ra giãn tĩnh mạch tinh.
/gian_tinh_mach_tinh_2_9d51cb66b8.jpeg)
Nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch tinh
Những ai có nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch tinh?
Khoảng 15% đến 20% nam giới trưởng thành mắc giãn tĩnh mạch tinh, tương đương khoảng 1 trong 5 người, và có đến 40% nam giới vô sinh cũng được chẩn đoán mắc tình trạng này. Giãn tĩnh mạch tinh thường xảy ra ở bên trái bìu do sự khác biệt trong hệ thống mạch máu từ tinh hoàn bên trái. Ít gặp hơn, giãn tĩnh mạch tinh có thể bị ở bên phải hoặc cả hai bên.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch tinh
Cho đến hiện tại, không có yếu tố nguy cơ đáng kể nào được xác định cho việc hình thành giãn tĩnh mạch tinh.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị giãn tĩnh mạch tinh
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm giãn tĩnh mạch tinh
Bác sĩ có thể chẩn đoán giãn tĩnh mạch tinh bằng cách xem xét tiền căn bệnh, hỏi về các triệu chứng của bạn và thực hiện thăm khám lâm sàng.
Trong quá trình khám, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đứng thẳng, hít một hơi thật sâu, bịt mũi và miệng, sau đó cố gắng thở ra mạnh. Đây được gọi là nghiệm pháp Valsalva. Khi bạn giữ hơi và rặn, bác sĩ sẽ sờ bìu để kiểm tra xem các tĩnh mạch có bị giãn hay không.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm:
- Siêu âm vùng chậu: Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh học không xâm lấn, giúp bác sĩ quan sát chi tiết các tĩnh mạch trong tinh hoàn. Xét nghiệm hình ảnh học này thường được sử dụng nhất để chẩn đoán giãn tĩnh mạch tinh.
- Tinh dịch đồ: Bạn sẽ được hướng dẫn lấy một mẫu tinh dịch cho vào hộp đựng chuyên dụng. Mẫu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra số lượng và chất lượng tinh trùng. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ rằng giãn tĩnh mạch tinh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm này để kiểm tra nồng độ hormone, bao gồm hormone FSH và testosterone.
/6_caa18935d0.png)
Điều trị giãn tĩnh mạch tinh
Điều trị giãn tĩnh mạch tinh phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Đối với các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh nhẹ, bác sĩ có thể khuyến nghị các biện pháp tự chăm sóc tại nhà, bao gồm:
- Không cần điều trị: Nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bạn có thể không cần điều trị.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Bạn có thể cần tránh những hoạt động gây khó chịu như mặc đồ lót ôm sát, hoặc nên sử dụng quần bảo vệ bìu khi tập thể thao hoặc đứng lâu có thể giúp giảm triệu chứng.
- Chườm lạnh: Đặt túi lạnh lên bìu có thể giúp giảm đau và khó chịu. Không đặt đá trực tiếp lên da, hãy bọc túi đá trong một chiếc khăn và chỉ chườm tối đa 15 phút mỗi lần.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như naproxen và ibuprofen có thể giúp giảm đau ở bìu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng thuốc NSAIDs, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa giãn tĩnh mạch tinh
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch tinh
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh giãn tĩnh mạch tinh có thể giúp giảm triệu chứng và hạn chế tăng nặng. Dưới đây là một số gợi ý:
Chế độ sinh hoạt:
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở bìu, khiến tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh trở nên nặng hơn. Nếu công việc yêu cầu đứng lâu, hãy cố gắng thay đổi tư thế thường xuyên hoặc nghỉ ngơi khi có thể.
- Tránh nâng vật nặng: Việc nâng vật nặng có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu ở bìu. Nếu cần nâng đồ nặng, hãy thực hiện đúng tư thế và tránh gắng sức quá mức.
- Mặc đồ lót phù hợp: Sử dụng quần lót bảo vệ bìu để hỗ trợ tinh hoàn, giúp giảm cảm giác khó chịu và áp lực lên các tĩnh mạch. Tránh mặc quần lót quá chật gây cản trở lưu thông máu.
- Tập luyện hợp lý: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội và yoga có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm áp lực lên tĩnh mạch. Tránh tập luyện cường độ cao có thể khiến giãn tĩnh mạch tinh trầm trọng hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở bìu, vì vậy hãy duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
/gian_tinh_mach_tinh_4_7b2e43b135.jpeg)
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Táo bón có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng, ảnh hưởng đến lưu thông máu và khiến tình trạng giãn tĩnh mạch tinh trở nên nặng hơn. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu.
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và giúp máu lưu thông tốt hơn. Có thể bổ sung nước từ các loại nước ép trái cây tươi, nước dừa hoặc trà thảo mộc. Hạn chế đồ uống có cồn và nước ngọt có gas.
- Thực phẩm giàu flavonoid: Flavonoid có tác dụng giảm viêm và cải thiện lưu thông máu, giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch. Các thực phẩm giàu flavonoid như trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi, lựu), rau củ (cải xoăn, bông cải xanh, hành tây).
- Thực phẩm giàu vitamin C và E: Vitamin C giúp tăng cường sản xuất collagen, duy trì độ đàn hồi của thành mạch, có nhiều trong: Cam, dứa, kiwi, ớt chuông, cà chua. Vitamin E giúp cải thiện tuần hoàn máu, có nhiều trong: Hạnh nhân, hạt hướng dương, dầu oliu, bơ.
- Thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 giúp giảm viêm, cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Có nhiều trong các loại cá béo, hạt chia, hạt lanh, óc chó…
- Hạn chế thực phẩm có hại: Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối, thực phẩm nhiều đường và chất béo bão hòa.
Phòng ngừa giãn tĩnh mạch tinh
Các nhà nghiên cứu khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra giãn tĩnh mạch tinh. Do đó, không có biện pháp chắc chắn nào để phòng ngừa tình trạng này.