icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Gọi Hotline: 1800 6928
470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
chay_mau_cam_o_tre1_3cf88d502bchay_mau_cam_o_tre1_3cf88d502b

Chảy máu cam ở trẻ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Thu Thảo30/06/2025

Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng máu chảy ra từ một hoặc cả hai bên mũi thường do các mạch máu nhỏ trong mũi bị vỡ. Đây là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Tình trạng này thường liên quan các vấn đề vùng niêm mạc mũi như chấn thương, bệnh lý vùng mũi,... Điều trị nguyên nhân và sơ cứu tại nhà là những biện pháp điều trị hiệu quả cho trình trạng này.

Tìm hiểu chung về chảy máu cam ở trẻ em

Chảy máu cam (epistaxis) là tình trạng chảy máu từ các mô bên trong mũi do mạch máu vùng vách mũi bị vỡ. Đây là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến ở trẻ em, thường xảy ra trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Mặc dù cảnh tượng máu chảy ra từ mũi có thể đáng sợ, nhưng chảy máu cam ở trẻ thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều trẻ em sẽ tự hết chảy máu cam khi bước vào tuổi thiếu niên.

Hầu hết các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em xảy ra ở phần phía trước của mũi, gần lỗ mũi. Khu vực này, được gọi là vùng mạch Kiesselbach nằm ở vách ngăn mũi phía trước và có rất nhiều mạch máu nhỏ, rất dễ bị tổn thương. Chảy máu từ phần phía trước của mũi thường chỉ xảy ra ở một bên lỗ mũi. Chảy máu cam từ phía sau mũi, gần họng, ít phổ biến hơn ở trẻ em nhưng có thể nghiêm trọng và gây mất nhiều máu hơn. Tuy nhiên, nếu chảy máu xảy ra ở vùng cao hơn trong khoang mũi, máu có thể chảy ra từ cả hai lỗ mũi.

Triệu chứng thường gặp của bệnh chảy máu cam ở trẻ em

Những triệu chứng của chảy máu cam ở trẻ

Triệu chứng chảy máu cam ở trẻ thường có các đặc điểm sau:

  • Chảy máu cam thường có tính chất tái phát và thường xuất hiện theo từng đợt, sau đó tự ngưng giữa các đợt.
  • Triệu chứng chính của chảy máu cam là máu nhỏ giọt hoặc chảy ra từ mũi.
  • Máu chảy từ màng nhầy ở phần phía trước của mũi thường chỉ đến từ một lỗ mũi. Tuy nhiên, máu chảy từ vùng cao hơn trong khoang mũi có thể đến từ cả hai lỗ mũi.
  • Tình trạng chảy máu cam thường không gây đau đớn nhưng trẻ có thể cảm thấy đau nếu chảy máu do chấn thương hoặc có vùng mô bị loét bên trong mũi.
  • Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng của chảy máu cam có thể giống với các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Chảy máu cam ở trẻ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 1
Chảy máu cam thường xuất phát từ vùng mạch Kiesselbach ở trước mũi

Tác động của chảy máu cam ở trẻ với sức khỏe 

Chảy máu cam ở trẻ em thường lành tính, tự giới hạn và đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, cảnh tượng máu chảy có thể gây sợ hãi và làm trẻ hoảng loạn. Một tác động phổ biến khác là việc trẻ nuốt máu, khi máu bị nuốt vào nó có thể gây buồn nôn hoặc nôn mửa, làm tăng thêm sự khó chịu và lo lắng cho trẻ.

Biến chứng có thể gặp chảy máu cam ở trẻ

Mặc dù chảy máu cam thường vô hại nhưng trong một số trường hợp các biến chứng có thể xảy ra:

  • Sốc: Nếu tuần hoàn của trẻ bị ảnh hưởng do mất máu đáng kể, việc hồi sức hiệu quả là cực kỳ quan trọng.
  • Loét và thủng vách ngăn mũi: Nếu việc đốt mạch máu được thực hiện quá mức hoặc không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến loét và thủng vách ngăn mũi.
  • Viêm phổi do hóa chất: Trong trường hợp sử dụng gel gốc dầu mỏ (ví dụ: Vaseline) trong thời gian dài để bôi vào mũi, có nguy cơ viêm phổi do hóa chất nếu gel bị hít vào. Do đó, cần tránh sử dụng lâu dài sản phẩm này.
  • Hội chứng Reye: Tuyệt đối không được cho trẻ hoặc thiếu niên uống aspirin vì nó có thể gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em đều có thể được xử lý tại nhà và không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, có những trường hợp cần phải đưa trẻ đến bác sĩ hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi:

  • Chảy máu vẫn tiếp diễn sau khi đã áp dụng các biện pháp đơn giản tại nhà.
  • Trẻ bị chảy máu cam tái phát hoặc thường xuyên hoặc kiểu chảy máu thay đổi so với bình thường.
  • Trẻ có tiền sử chảy máu sau các thủ thuật phẫu thuật.
  • Tiền sử gia đình có người bị rối loạn chảy máu, rong kinh hoặc chảy máu cam tái phát.
  • Trẻ đang dùng thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc xịt mũi, warfarin hoặc thuốc làm loãng máu.
  • Chảy máu cam không bình thường ở trẻ dưới hai tuổi (cần xem xét các chẩn đoán khác).
  • Nếu trẻ bị chảy máu mũi liên tục, chảy máu từ các vùng khác, bầm tím bất thường hoặc có tiền sử gia đình rối loạn đông máu.

Cần đến phòng cấp cứu ngay lập tức khi:

  • Chảy máu tiếp tục sau hơn 20 - 30 phút đã thực hiện đè ép liên tục.
  • Chảy máu xảy ra sau một chấn thương đầu, ngã hoặc bị đánh vào mặt.
  • Trẻ có dấu hiệu mất quá nhiều máu chẳng hạn như xanh xao, ít năng lượng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Trẻ cảm thấy yếu, khó thở hoặc có các triệu chứng không khỏe khác.
  • Trẻ bị đau đầu dữ dội, sốt, hoặc các triệu chứng đáng lo ngại khác.
  • Có vật lạ bị mắc kẹt trong mũi trẻ.
  • Trẻ có rối loạn chảy máu đã biết hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.

Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em

Chảy máu cam ở trẻ em thường do chấn thương hoặc niêm mạc mũi dễ vỡ bệnh lý hoặc sinh lý. Hai yếu tố quan trọng nhất gây chảy máu cam ở trẻ em là:

  • Chấn thương: Thường là do trẻ ngoáy mũi, dụi mũi, hắt hơi, ho, hoặc rặn.
  • Niêm mạc mũi dễ vỡ: Do nhiễm trùng đường hô hấp trên, niêm mạc bị khô, hoặc sử dụng thuốc xịt mũi chứa steroid.

Các nguyên nhân phổ biến khác bao gồm:

  • Không khí khô: Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu cam đặc biệt ở những vùng khí hậu khô hoặc vào mùa đông khi sử dụng hệ thống sưởi trong nhà, làm cho không khí khô và gây khô, nứt, đóng vảy bên trong mũi.
  • Dị ứng: Gây viêm và kích ứng niêm mạc mũi.
  • Cảm lạnh và nhiễm trùng: Cảm lạnh thông thường hoặc viêm xoang có thể ảnh hưởng đến đường mũi và gây chảy máu.
  • Vật lạ trong mũi: Trẻ có thể tự nhét vật lạ vào mũi gây kích ứng và chảy máu.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như NSAID, thuốc xịt mũi có thể gây chảy máu cam.
  • Táo bón: Trẻ rặn khi đi ngoài có thể làm tăng áp lực và gây chảy máu mũi.

Các nguyên nhân hiếm gặp hơn bao gồm:

  • Polyp mũi.
  • Rối loạn chảy máu hoặc đông máu như bệnh máu khó đông (hemophilia).
  • Dị dạng mạch máu.
  • Khối u vòm họng.
  • Bệnh tim và huyết áp cao.
  • Ung thư.

Trong nhiều trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân cụ thể nào gây chảy máu cam.

Chảy máu cam ở trẻ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 2
Chấn thương và bệnh lý vùng mũi là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu cam

Nguy cơ mắc phải chảy máu cam ở trẻ em

Những ai có nguy cơ mắc phải chảy máu cam ở trẻ?

Một số trẻ em có nguy cơ cao hơn bị chảy máu cam:

  • Trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi.
  • Trẻ sống ở vùng khí hậu khô.
  • Trẻ có niêm mạc mũi dễ vỡ do nhiễm trùng đường hô hấp trên, niêm mạc khô hoặc sử dụng steroid nội xoang.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chảy máu cam ở trẻ

  • Thói quen cá nhân như ngoáy mũi, dụi mũi hoặc xì mũi quá mạnh.
  • Chấn thương nhẹ ngay cả những va chạm nhỏ.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác gây kích ứng niêm mạc mũi.
  • Dị ứng: Gây viêm mũi và làm niêm mạc mũi dễ tổn thương hơn.
  • Hút thuốc thụ động vì khói thuốc trong nhà hoặc xung quanh trẻ em có thể gây kích ứng đường hô hấp và niêm mạc mũi.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chảy máu cam ở trẻ em

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chảy máu cam ở trẻ

Thông thường, việc chẩn đoán chảy máu cam ở trẻ bắt đầu bằng việc hỏi về các triệu chứng của trẻ, tiền sử bệnh lý và bất kỳ tai nạn hay chấn thương gần đây. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn của trẻ, đồng thời xác định vị trí chảy máu nếu có thể.

Trong nhiều trường hợp chảy máu cam thông thường, các xét nghiệm bổ sung thường không cần thiết.

Nếu tuần hoàn của trẻ bị ảnh hưởng hoặc có tiền sử nghi ngờ về rối loạn đông máu tiềm ẩn, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra nồng độ hemoglobin, hematocrit, nhóm máu và làm xét nghiệm đông máu.

Xét nghiệm máu cũng có thể cần thiết nếu trẻ bị chảy máu mũi tái phát, chảy máu từ các vùng khác trên cơ thể, bầm tím bất thường hoặc có tiền sử gia đình về rối loạn đông máu.

Phương pháp điều trị chảy máu cam ở trẻ

Nội khoa

Các biện pháp xử lý đơn giản, chủ yếu là sơ cứu tại nhà, nên được ưu tiên thử trước để cầm máu:

  • Giữ bình tĩnh và trấn an trẻ: Cảnh tượng máu có thể khiến trẻ sợ hãi vì vậy hãy giữ bình tĩnh và an ủi trẻ.
  • Tư thế đúng: Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu hơi cúi về phía trước. Điều này giúp ngăn trẻ nuốt máu (nuốt máu có thể gây nôn). Không được để trẻ nằm ngửa hoặc ngả đầu ra sau và cũng không được để trẻ cúi đầu giữa hai đầu gối vì điều này có thể làm chảy máu nặng hơn.
  • Hướng dẫn trẻ thở: Bảo trẻ thở bằng miệng và để máu chảy vào một khay đựng hoặc khăn thay vì nuốt. Nếu trẻ nuốt máu hoặc có nhiều máu trong miệng hãy bảo trẻ nhổ ra.
  • Áp dụng áp lực: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng bóp chặt phần mềm phía trước (phần sụn) của mũi trong 10 phút liên tục. Không được bỏ tay ra để kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa trong suốt thời gian này. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy sau 10 phút, hãy lặp lại động tác bóp mũi thêm 10 đến 15 phút nữa.
  • Chườm lạnh: Có thể đặt một miếng gạc lạnh lên sống mũi. Đảm bảo bọc miếng gạc lạnh trong một chiếc khăn mỏng để không đặt trực tiếp lên da.
  • Tránh nhét vật lạ: Không được nhét khăn giấy hay gạc vào mũi trẻ. Việc áp lực đúng cách lên cánh mũi là phương pháp tốt nhất.

Chăm sóc sau khi cầm máu

Sau khi máu ngừng chảy, dặn trẻ không được dụi, ngoáy hay xì mũi trong 2 đến 3 ngày để mạch máu bị vỡ có thời gian lành lại. Nếu chỉ dùng các biện pháp đơn giản để cầm máu, trẻ nên tránh xì mũi trong một tuần.

Trong 10 ngày tiếp theo, trẻ nên tránh tắm/rửa nước nóng, ăn đồ ăn cay, vận động mạnh và tập thể dục nặng. Tất cả những điều này sẽ làm tăng lưu lượng máu đến mũi và khiến mũi dễ chảy máu trở lại.

Trẻ nên nghỉ ngơi vài giờ sau khi máu ngừng chảy và tránh đồ uống và thức ăn nóng trong 24 giờ tiếp theo.

Thuốc bôi tại chỗ

  • Thuốc xịt Cophenylcaine: Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Lidocaine 1% và adrenaline 1:100.000 (0,3 mL/kg, tối đa 3mg).
  • Lidocaine 5% và Phenylephrine 0,5% dạng xịt: Có hướng dẫn liều lượng theo tuổi và cân nặng. Có thể xịt lên bông gòn rồi đặt vào lỗ mũi hoặc xịt trực tiếp vào điểm chảy máu.
  • Kem Naseptin (chlorhexidine và neomycin): Có thể được kê đơn nếu niêm mạc mũi bị đóng vảy và nhiễm trùng. Một lượng bằng hạt đậu được bóp vào cả hai lỗ mũi 2 đến 4 lần mỗi ngày trong 2 tuần. Không sử dụng nếu có dị ứng với neomycin, đậu phộng hoặc đậu nành (trong trường hợp này, có thể dùng Bactroban/mupirocin thay thế).
  • Thuốc mỡ Mupirocin: Được cân nhắc dùng nếu có đóng vảy và nhiễm trùng niêm mạc.
  • Gel gốc dầu (ví dụ: Vaseline): Nên được bôi hàng ngày vào buổi sáng cho đến khi lành nếu niêm mạc khô nứt là nguyên nhân gây chảy máu. Sử dụng hai lần mỗi ngày trong một tuần nếu cần đốt hoặc nhét gạc.
  • Nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc xịt: Giúp giữ ẩm cho niêm mạc mũi.
chay-mau-cam-o-tre-la-gi-nhung-van-de-can-biet-ve-chay-mau-cam-o-tre4.jpg
Các loại thuốc nhỏ mũi có tác dụng làm ẩm, làm sạch hoặc diệt khuẩn 

Ngoại khoa

Nếu các biện pháp nội khoa không hiệu quả hoặc chảy máu vẫn dai dẳng cần cân nhắc các phương pháp can thiệp:

  • Đốt mạch: Cần có ý kiến của bác sĩ cấp cao nếu cần đốt mạch.
  • Nhét gạc mũi: Nếu đốt mạch thất bại, nhét gạc mũi có thể cần thiết.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ em

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn nặng của chảy máu cam ở trẻ

Chế độ dinh dưỡng

Về chế độ dinh dưỡng là việc tăng cường chất lỏng và chất xơ nếu trẻ bị táo bón. Điều này gián tiếp giúp giảm áp lực khi rặn và ngăn ngừa chảy máu cam liên quan đến táo bón. Hạn chế thức ăn có tính chất cay nóng cho trẻ.

Chế độ sinh hoạt

  • Vệ sinh máy tạo ẩm: Nếu sử dụng máy tạo ẩm cần làm sạch nó thường xuyên để ngăn ngừa sự phát triển của vi trùng và nấm mốc.
  • Tránh khói thuốc: Không hút thuốc trong nhà hoặc xung quanh trẻ em.
  • Thiết bị bảo hộ: Khuyến khích trẻ đeo thiết bị bảo hộ phù hợp khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động khác có nguy cơ chấn thương mũi.
  • Kiêng cữ sau chảy máu: Trong 24 giờ sau khi máu ngừng chảy, trẻ nên tránh đồ uống và thức ăn nóng. Trong 10 ngày tiếp theo, tránh dụi, ngoáy mũi, xì mũi, tắm vòi sen hoặc tắm bồn nước nóng, thức ăn cay, gắng sức và tập thể dục nặng.

Phương pháp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ:

  • Điều trị dị ứng: Điều trị dị ứng mũi giúp ngăn ngừa ngứa, ngoáy mũi và viêm niêm mạc mũi. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ bị dị ứng thường xuyên dẫn đến chảy máu cam.
  • Dưỡng ẩm mũi: Sử dụng nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc xịt để giữ ẩm cho mũi trẻ. Chạy máy tạo ẩm phun sương lạnh trong phòng ngủ của trẻ vào ban đêm nếu không khí trong nhà khô.
  • Dạy trẻ thói quen tốt: Dạy trẻ không ngoáy mũi hoặc xì mũi quá mạnh.
  • Ngăn trẻ nhét vật lạ: Dạy trẻ không nhét vật lạ vào mũi.
  • Cắt móng tay: Giữ móng tay của trẻ ngắn để tránh gây tổn thương khi ngoáy mũi.
  • Tránh môi trường có khói thuốc.
Chảy máu cam ở trẻ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả 4
Hướng dẫn trẻ bảo vệ mũi giúp hạn chế tái phát chảy máu cam ở trẻ

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Trong nhiều trường hợp chẩn đoán chảy máu cam không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu (hemoglobin, hematocrit, đông máu) nếu tuần hoàn của trẻ bị ảnh hưởng, có tiền sử chảy máu tái phát thường xuyên, dễ bầm tím, tiền sử gia đình có rối loạn đông máu hoặc trẻ đang dùng thuốc làm loãng máu.

Để phòng ngừa chảy máu cam cho trẻ bạn có thể dùng máy tạo ẩm trong phòng ngủ nếu không khí khô, dạy trẻ không ngoáy mũi hoặc xì mũi quá mạnh, cắt ngắn móng tay cho trẻ, và bôi gel gốc dầu hoặc nước muối sinh lý vào mũi để giữ ẩm niêm mạc.

Bạn có thể cho trẻ ngồi thẳng và hơi cúi đầu về phía trước, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt phần mềm của mũi trong 10 phút liên tục. Bảo trẻ thở bằng miệng và không được buông tay ra để kiểm tra máu đã ngừng chưa.

Bạn nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu chảy máu không ngừng sau 20-30 phút đè ép liên tục, nếu chảy máu sau chấn thương đầu/mặt, nếu trẻ có dấu hiệu mất máu nhiều (xanh xao, chóng mặt, yếu) hoặc nếu có vật lạ mắc kẹt trong mũi.

Chảy máu cam ở trẻ em thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp đều lành tính và tự giới hạn. Tuy nhiên, nếu chảy máu nhiều, khó cầm, hoặc kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại khác, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế.