Từ nông thôn đến thành thị, người dân Việt Nam đều ít nhiều quen thuộc với sự xuất hiện của muỗi, loài côn trùng nhỏ bé nhưng mang theo nhiều rủi ro về sức khỏe. Trên thực tế, có nhiều loài muỗi khác nhau sinh sống tại Việt Nam. Vậy cụ thể, các loại muỗi nào thường gặp ở nước ta và chúng khác nhau như thế nào? Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu ngay nhé!
Các loại muỗi nào thường gặp ở Việt Nam?
Các loại muỗi nào thường gặp ở Việt Nam? Ở Việt Nam, muỗi là một trong những loài côn trùng gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng, không chỉ bởi sự phiền toái khi đốt người mà còn vì khả năng truyền nhiều loại bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và các bệnh do virus khác. Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định, phân loại và đánh giá vai trò y học của các loài muỗi ở nước ta.

Từ những năm 1950, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến việc xác định loài muỗi liên quan đến sự bùng phát dịch sốt xuất huyết đầu tiên. Những khảo sát ban đầu do các nhà khoa học Mỹ tiến hành vào thập niên 1960 đã ghi nhận 94 loài muỗi, trong đó có 22 loài được xác định là vật trung gian truyền bệnh cho người. Tiếp theo đó, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành các nghiên cứu sâu rộng tại các tỉnh thành, từ Sài Gòn cho đến khu vực miền Trung, giúp hình thành nên bức tranh rõ nét hơn về sự đa dạng sinh học và vai trò dịch tễ của muỗi tại Việt Nam.
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam hiện ghi nhận tổng cộng 281 loài muỗi thuộc 42 phân chi và 22 giống. Trong số này, ba nhóm muỗi quan trọng nhất về mặt y tế là Anopheles, Aedes và Culex. Nhóm Anopheles với 66 loài là trung gian truyền bệnh sốt rét. Nhóm Aedes, gồm 51 loài, nổi bật với Aedes aegypti. Trong khi đó, nhóm Culex với 50 loài, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus.

Ngoài ba nhóm chính kể trên, Việt Nam còn ghi nhận nhiều loài khác như Mansonia, Armigeres, Ochlerotatus, Uranotaenia,... dù không phổ biến bằng nhưng vẫn có thể đóng vai trò trong chuỗi truyền bệnh, đặc biệt ở những vùng sinh thái đặc thù. Các loài muỗi này thường phân bố tùy theo vùng khí hậu, môi trường nước và điều kiện sinh thái tại địa phương.
Phương pháp nào dùng để kiểm soát số lượng muỗi tại Việt Nam?
Một trong những cách phổ biến và dễ triển khai nhất là cải thiện môi trường sống. Các biện pháp như dọn dẹp vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, che đậy dụng cụ chứa nước và loại bỏ nơi nước đọng,... giúp loại bỏ môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản. Đây là phương pháp mang tính chủ động, ít tốn kém và không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cải tạo môi trường sống còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Khi dịch bệnh bùng phát hoặc số lượng muỗi tăng nhanh trên diện rộng, phun hóa chất diệt muỗi được xem là biện pháp khẩn cấp và mang lại hiệu quả tức thì. Các loại thuốc diệt muỗi hiện nay thường chứa hoạt chất như pyrethroid, organophosphate hoặc thuốc cúc tổng hợp. Phương pháp này bao gồm phun sương hoặc phun tồn lưu trong nhà và sử dụng màn tẩm hóa chất. Tuy có tác dụng nhanh và hiệu quả, nhưng hóa chất cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và hiện tượng kháng thuốc ở muỗi nếu lạm dụng.

Bên cạnh đó, phương pháp sinh học cũng được ứng dụng, dù ở mức độ hạn chế. Một số ví dụ điển hình như việc thả cá bảy màu, cá rô phi hoặc sử dụng vi khuẩn Bacillus thuringiensis để tiêu diệt ấu trùng muỗi trong các ao hồ, dụng cụ chứa nước. Gần đây hơn, phương pháp dùng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã được thử nghiệm tại Nha Trang với kết quả tích cực. Wolbachia làm giảm khả năng muỗi truyền virus dengue mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người hoặc hệ sinh thái. Đây là một bước tiến mới đầy hứa hẹn trong phòng chống sốt xuất huyết.
Ngoài ra, các phương pháp di truyền học như nuôi và thả muỗi đực vô sinh hoặc muỗi biến đổi gen cũng đang được nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với kỹ thuật này, muỗi đực được xử lý bằng tia xạ hoặc can thiệp gen khiến chúng không thể sinh ra thế hệ kế tiếp. Khi thả vào môi trường, muỗi đực vô sinh giao phối với muỗi cái, làm trứng không nở và từ đó làm giảm dần quần thể muỗi.
Tổng thể, không có một giải pháp đơn lẻ nào đủ để giải quyết triệt để vấn đề, mà thay vào đó, cần sự linh hoạt trong ứng dụng và theo dõi sát sao hiệu quả ở từng địa phương.
Hiện tại Việt Nam có những bệnh nào do muỗi truyền?
Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút dengue gây ra, được truyền qua muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là căn bệnh lưu hành tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ và có xu hướng gia tăng vào mùa mưa, đặc biệt ở các đô thị đông dân cư. Bệnh có thể gây ra sốt cao, đau đầu, đau cơ, phát ban và trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến sốc hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh Zika cũng là một bệnh do muỗi Aedes truyền và có nhiều điểm tương đồng với sốt xuất huyết. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là virus Zika có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi, đặc biệt là chứng đầu nhỏ (microcephaly), nếu người mẹ bị nhiễm vi rút trong thời kỳ mang thai.
Viêm não Nhật Bản là bệnh do vi rút thuộc họ flavivirus gây ra, lây truyền qua muỗi Culex, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus. Bệnh thường xuất hiện ở các khu vực nông thôn, nơi có nhiều ruộng lúa và chăn nuôi gia súc. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng thần kinh nặng nề ở trẻ em nếu không được phòng ngừa bằng vắc xin.
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, được truyền qua muỗi Anopheles. Tuy không còn phổ biến rộng rãi như trước, nhưng sốt rét vẫn là mối đe dọa ở một số vùng rừng núi, biên giới và nơi có người lao động di cư. Sốt rét có thể gây ra các cơn sốt theo chu kỳ, thiếu máu, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài các bệnh phổ biến kể trên, một mối quan tâm mới nổi gần đây là Rickettsia felis, một vi khuẩn nội bào bắt buộc có thể gây bệnh ở người. Ban đầu, R. felis được cho là chỉ lây truyền qua bọ chét mèo (Ctenocephalides felis), nhưng hiện nay đã có bằng chứng cho thấy vi khuẩn này cũng có thể hiện diện trong các loài muỗi như Anopheles, Aedes albopictus và Culex pipiens.
Tại Việt Nam, R. felis đã được phát hiện ở một số bệnh nhân có biểu hiện sốt cấp tính không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định mức độ lan rộng của vi khuẩn này cũng như vai trò thực sự của muỗi trong việc truyền bệnh tại cộng đồng.

Trên đây là các loại muỗi thường gặp ở Việt Nam. Việt Nam là môi trường thuận lợi cho nhiều loài muỗi sinh sống và phát triển, đặc biệt là các loài như muỗi Aedes, muỗi Anopheles và muỗi Culex. Việc nhận diện đúng từng loại muỗi và hiểu rõ tập tính hoạt động của chúng sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc phòng ngừa, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do muỗi gây ra.
Tại Việt Nam, muỗi vằn là tác nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết, một vấn đề y tế cộng đồng đáng lo ngại vào mùa mưa. Một cách bảo vệ lâu dài và chủ động trước bệnh do muỗi truyền, đặc biệt là sốt xuất huyết, chính là tiêm vắc xin. Hiện nay, vắc xin phòng sốt xuất huyết Qdenga đã có mặt tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Để được tư vấn và đặt lịch tiêm nhanh chóng, vui lòng liên hệ hotline 1800 6928. Hãy chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.