Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi và một trong những vấn đề thường gặp là tình trạng đau bụng đi ngoài. Điều này khiến không ít mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì không biết nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm hay không. Bài viết dưới đây của Trung tâm Tiêm chủng Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài cũng như biện pháp khắc phục hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo ngay nhé!
Nguyên nhân khiến bà bầu bị đau bụng đi ngoài
Tình trạng bà bầu bị đau bụng đi ngoài có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
Chế độ ăn uống không phù hợp
Trong thời kỳ mang thai, hệ tiêu hóa của phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn. Nếu bà bầu ăn phải thực phẩm lạ, đồ ăn không hợp vệ sinh, quá cay, chua hoặc dầu mỡ, rất dễ gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến đau bụng, khó tiêu và thậm chí tiêu chảy kéo dài.

Nhiễm khuẩn đường ruột
Việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm khuẩn từ vi khuẩn như Salmonella, E. coli hoặc các ký sinh trùng. Khi bị nhiễm khuẩn, cơ thể phản ứng bằng các triệu chứng như đau bụng dữ dội, đi ngoài nhiều lần, thậm chí kèm theo sốt.
Thay đổi nội tiết tố
Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao có thể làm chậm quá trình tiêu hóa. Nhưng ở một số người, sự thay đổi nội tiết này lại khiến nhu động ruột hoạt động bất thường, dẫn đến tình trạng đau bụng đi ngoài và tiêu chảy nhẹ.
Tác dụng phụ từ các loại vitamin bổ sung
Một số loại thuốc bổ sung dành cho bà bầu như sắt, canxi hoặc các loại vitamin tổng hợp có thể gây kích ứng dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà sẽ gặp các tác dụng phụ khác nhau như đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Không dung nạp lactose trong sữa
Một số phụ nữ mang thai có thể gặp tình trạng không dung nạp lactose (loại đường có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa). Điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy sau khi uống sữa hoặc sử dụng các chế phẩm từ sữa.

Dấu hiệu của một số bệnh lý
Một số bệnh lý như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng hoặc dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra đau bụng và tiêu chảy. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo máu trong phân hoặc sụt cân, cần đi khám sớm.
Ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn hoặc không được nấu chín kỹ có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng thường bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn, đi ngoài liên tục và mệt mỏi.
Bà bầu bị đau bụng đi ngoài có sao không?
Tình trạng bà bầu bị đau bụng đi ngoài là hiện tượng không hiếm gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong suốt thai kỳ. Theo kết quả khảo sát từ một nghiên cứu thực hiện trên 3.682 phụ nữ mang thai, có đến 14,3% trong số đó từng ít nhất một lần gặp phải triệu chứng tiêu chảy kèm đau bụng trong quá trình mang thai.
Vậy mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài có nguy hiểm không? Thực tế, dù triệu chứng này không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của thai nhi, nhưng nếu diễn ra nhiều lần trong ngày sẽ dễ khiến mẹ bầu bị mất nước nghiêm trọng. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Không chỉ vậy, khi tình trạng đi ngoài kéo dài còn có thể làm tử cung bị kích thích co bóp, làm tăng nguy cơ sinh non, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai trong những trường hợp nặng.
Vì vậy, nếu mẹ bầu nhận thấy tình trạng đau bụng đi ngoài kéo dài, đặc biệt trong những tháng đầu hoặc tháng cuối của thai kỳ, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Những điều mẹ bầu cần lưu ý khi bị đau bụng đi ngoài
Khi gặp phải tình trạng đau bụng đi ngoài trong thai kỳ, mẹ bầu cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và chỉ dẫn cách xử lý phù hợp. Ngoài ra, có một số lưu ý quan trọng mà mẹ bầu cần chú ý:
- Uống đủ nước: Tiêu chảy kéo dài có thể khiến cơ thể mất nước và các chất điện giải cần thiết. Vì vậy, mẹ bầu cần uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, cần tránh các đồ uống có ga, nước ngọt, vì chúng không chỉ không tốt cho sức khỏe mà còn có thể làm tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Khi bị đau bụng đi ngoài, cơ thể mẹ bầu sẽ dễ bị mệt mỏi và khó chịu. Do đó, mẹ bầu nên chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn để giúp cơ thể hồi phục và giảm bớt cảm giác mệt mỏi.
- Ăn uống sạch sẽ và an toàn: Mẹ bầu nên ưu tiên thực phẩm đã được nấu chín kỹ, hạn chế ăn ăn rau sống, thực phẩm chưa được rửa sạch, thịt tái hoặc các món ăn dễ gây nhiễm khuẩn. Đồng thời, hãy đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tránh tự ý sử dụng thuốc: Mặc dù có thể cảm thấy khó chịu, mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc chữa tiêu chảy mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Một số loại thuốc có thể không an toàn cho thai nhi và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Bà bầu đau bụng đi ngoài khi nào cần đi khám?
Tình trạng bầu bị đau bụng đi ngoài có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Vì vậy, nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng đau bụng đi ngoài nhiều lần trong ngày và kéo dài từ 2 - 3 ngày, cần phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp khắc phục sớm.
Các dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ bầu đang bị mất nước bao gồm:
- Nước tiểu có màu sậm;
- Môi và miệng khô;
- Có cảm giác khát nước liên tục;
- Đau đầu và chóng mặt;
- Da khô, thiếu độ đàn hồi;
- Cảm giác mệt mỏi, yếu sức.

Tóm lại, việc mẹ bầu bị đau bụng đi ngoài có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thay đổi chế độ ăn uống cho đến tác dụng phụ của các loại vitamin. Mặc dù thường không nguy hiểm, nhưng mẹ bầu cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường và nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.