Trong số các loại vắc xin hiện có, vắc xin phế cầu 15 (Vaxneuvance) và phế cầu 23 (Pneumovax 23) được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, mỗi loại lại có đặc tính riêng biệt. Việc hiểu rõ điểm khác nhau giữa hai vắc xin này sẽ giúp bạn lựa chọn phương án tiêm phòng phù hợp và hiệu quả hơn cho bản thân cũng như gia đình. Vậy vắc xin phế cầu 23 và 15 khác nhau như thế nào?
Vắc xin Vaxneuvance (PCV15)
Vắc xin Vaxneuvance là vắc xin phế cầu 15 (PCV15) là vắc xin cộng hợp polysaccharide phế cầu khuẩn (15 giá, hấp phụ), được chỉ định sử dụng nhằm phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra. Vắc xin này có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh phế cầu xâm lấn như viêm phổi nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm trùng máu và các bệnh không xâm lấn như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang...

Với thành phần gồm 15 serotype phế cầu phổ biến nhất hiện nay bao gồm các týp 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F, 22F, 23F và 33F. Vắc xin Vaxneuvance mang đến phạm vi bảo vệ rộng và hiệu quả vượt trội. Khi được đưa vào cơ thể, vắc xin giúp kích thích hệ miễn dịch sản sinh các kháng thể đặc hiệu chống lại phế cầu khuẩn. Đồng thời, vắc xin còn tạo ra các tế bào miễn dịch ghi nhớ, giúp cơ thể nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn nếu tái tiếp xúc trong tương lai. Nhờ đó, vắc xin Vaxneuvance trở thành giải pháp phòng bệnh chủ động và bền vững, đặc biệt hữu ích cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Độ tuổi: Trẻ trên 6 tuần tuổi và người lớn.
Vắc xin Pneumovax 23 (PPSV23)
Vắc xin Pneumovax 23 còn được gọi là vắc xin polysaccharide phế cầu 23-valent là một loại vắc xin được sử dụng để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) gây ra, bao gồm viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu).
Vắc xin này có khả năng bảo vệ chống lại 23 chủng phế cầu khuẩn phổ biến nhất gây bệnh phế cầu xâm lấn, bao gồm các serotype: 1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9N, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19F, 19A, 20, 22F, 23F và 33F. Đây là những chủng chiếm tỷ lệ lớn trong số các trường hợp nhiễm phế cầu nghiêm trọng trên toàn cầu.

Khi được tiêm vào cơ thể, Pneumovax 23 giúp kích hoạt hệ miễn dịch bằng cách đưa vào các polysaccharide, những thành phần cấu trúc quan trọng của vỏ vi khuẩn. Nhờ đó, cơ thể tạo ra các kháng thể đặc hiệu, giúp nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt phế cầu khuẩn khi chúng xâm nhập, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nặng do phế cầu gây ra.
Vắc xin này thường được sử dụng như một liều bổ sung sau khi đã tiêm vắc xin Prevenar 13, giúp mở rộng phổ bảo vệ và tăng cường hiệu quả phòng bệnh do vi khuẩn phế cầu.
Độ tuổi: Trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thanh thiếu niên và người lớn.
Vắc xin phế cầu 23 và 15 khác nhau như thế nào?
Vắc xin phế cầu là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra, chẳng hạn như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Trong số các loại vắc xin hiện nay, hai loại phổ biến là vắc xin phế cầu 15 (Vaxneuvance - PCV15) và vắc xin phế cầu 23 (Pneumovax 23 - PPSV23). Cả hai đều có mục tiêu bảo vệ cơ thể trước các chủng phế cầu khuẩn phổ biến, nhưng mỗi loại lại có những đặc điểm và chỉ định riêng biệt.
Vaxneuvance (PCV15) là vắc xin liên hợp, có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ nhờ cơ chế liên kết giữa polysaccharide và protein mang. Vắc xin này giúp cơ thể hình thành trí nhớ miễn dịch lâu dài, hiệu quả cao cả ở trẻ nhỏ và người lớn. Đặc biệt, PCV15 bảo vệ trước 15 chủng phế cầu, trong đó có hai chủng nguy hiểm là 22F và 33F thường liên quan đến các ca bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. PCV15 có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi, với lịch tiêm linh hoạt từ 2 đến 4 mũi tùy độ tuổi, và 1 mũi duy nhất cho người lớn.

Trong khi đó, Pneumovax 23 (PPSV23) là vắc xin polysaccharide, có khả năng bao phủ đến 23 chủng phế cầu khác nhau. Đây là loại vắc xin được khuyến cáo sử dụng bổ sung sau khi tiêm vắc xin PCV13 hoặc PCV15 nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ. Tuy không tạo được trí nhớ miễn dịch mạnh như vắc xin liên hợp, PPSV23 lại rất hữu ích cho người lớn, người cao tuổi, hoặc những người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi mãn tính. Vắc xin này được chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, thường tiêm 1 liều và có thể nhắc lại sau 5 năm đối với những trường hợp nguy cơ cao. Tóm lại, vắc xin PCV15 và PPSV23 đều có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh phế cầu, nhưng cách hoạt động, độ tuổi chỉ định và phạm vi bảo vệ là khác nhau. Việc lựa chọn nên dựa trên tư vấn của bác sĩ, căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu bảo vệ cụ thể của từng cá nhân.
Việc phân biệt rõ ràng giữa vắc xin phế cầu 15 và vắc xin phế cầu 23 sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi phế cầu khuẩn. Mỗi loại vắc xin đều có ưu điểm riêng, phù hợp với từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe cụ thể. Thay vì chọn ngẫu nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, kết hợp các loại vắc xin một cách khoa học để tăng cường khả năng miễn dịch toàn diện. Phòng bệnh sớm là cách đầu tư khôn ngoan nhất cho sức khỏe của chính bạn và người thân.

Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bằng cách tiêm vắc xin phế cầu tại Trung tâm tiêm chủng Long Châu. Tại đây cung cấp đầy đủ các loại vắc xin chính hãng, được bảo quản đúng tiêu chuẩn và đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm sẵn sàng tư vấn tận tâm. Đặt lịch hẹn tiêm dễ dàng, quy trình nhanh chóng, an toàn bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi lựa chọn Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là điểm đến chăm sóc sức khỏe tin cậy.