Tiêm dưới da là một trong những phương pháp tiêm phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong y khoa nhằm đưa thuốc vào cơ thể một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là phương pháp đơn giản nhưng cần thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Vậy tiêm dưới da là gì? Các vị trí tiêm dưới da phổ biến và những lưu ý quan trọng khi thực hiện phương pháp này là gì? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tiêm dưới da là gì?
Tiêm dưới da là phương pháp đưa thuốc hoặc vắc xin vào lớp mô liên kết dưới da bằng kim tiêm ngắn. Kỹ thuật này giúp thuốc hấp thụ vào cơ thể chậm hơn so với tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp, với thời gian hấp thụ có thể kéo dài đến 24 giờ. Nhờ đặc điểm này, tiêm dưới da được áp dụng phổ biến trong việc tiêm vắc xin, insulin cho bệnh nhân tiểu đường và một số loại thuốc điều trị lâu dài.
Một số trường hợp, bệnh nhân có thể tự thực hiện tiêm dưới da tại nhà, chẳng hạn như tiêm insulin. Tuy nhiên, dù do nhân viên y tế hay người bệnh thực hiện, kỹ thuật này cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc vô khuẩn, chọn đúng vị trí tiêm, đảm bảo kỹ thuật và liều lượng chính xác để tránh rủi ro. Nếu tiêm sai cách, nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương mô hoặc biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
/nhung_dieu_can_biet_ve_phuong_phap_tiem_duoi_da_1_78422171e9.png)
Khi nào thì chỉ định tiêm dưới da?
Tiêm dưới da là một kỹ thuật thường được áp dụng trong nhiều trường hợp như tiêm insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường, tiêm atropin giảm đau, tiêm thuốc kích thích rụng trứng trong hỗ trợ sinh sản, hay tiêm vắc xin sởi, quai bị, vắc xin viêm gan B,... Phương pháp này giúp thuốc hấp thụ chậm hơn, mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị và phòng bệnh. Đặc biệt, khi sử dụng để tiêm vắc xin, kỹ thuật này góp phần kích thích hệ miễn dịch, giúp cơ thể tạo ra kháng thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
/nhung_dieu_can_biet_ve_phuong_phap_tiem_duoi_da_2_c788b1bc91.png)
Hướng dẫn kỹ thuật tiêm dưới da
Chuẩn bị tư thế cho bệnh nhân
Bệnh nhân có thể nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế tựa để đảm bảo thoải mái.
Lựa chọn vị trí tiêm dưới da
- Cánh tay trên: Mặt sau cánh tay, cách vai và khuỷu tay khoảng 7,5cm.
- Đùi trên: Mặt ngoài của đùi, nơi có mô mỡ phù hợp.
- Vùng bụng: Phía dưới rốn, cách rốn tối thiểu 5cm, nằm giữa hõm dưới xương sườn và trên xương hông.
Lưu ý một số trường hợp sau
- Đối với người gầy, nếu mô mỡ không đủ dày, không nên tiêm vào vùng bụng.
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi nên được tiêm ở đùi để đảm bảo an toàn.
- Trẻ trên 12 tháng tuổi có thể tiêm ở cơ delta (vùng vai).
- Khi cần tiêm liên tiếp nhiều lần, nên thay đổi vị trí tiêm, đảm bảo khoảng cách giữa hai lần tiêm ít nhất 3cm để tránh kích ứng da và giúp thuốc/vắc xin hấp thụ hiệu quả hơn.
Sát khuẩn vùng tiêm
- Dùng cồn 70 độ sát khuẩn vị trí tiêm theo hướng từ trong ra ngoài.
- Kỹ thuật viên cần sát khuẩn tay bằng cồn 70 độ để đảm bảo vô trùng.
Thao tác tiêm
- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ véo nhẹ vùng da cần tiêm.
- Cầm kim tiêm với góc 30 - 45 độ so với mặt da, mũi vát của kim hướng lên trên.
- Đâm kim nhanh qua da, sau đó thả tay đang giữ da.
/nhung_dieu_can_biet_ve_phuong_phap_tiem_duoi_da_3_d39430fab7.png)
Kiểm tra trước khi bơm thuốc
- Xoay nhẹ bơm tiêm để kiểm tra xem có máu trào ra không.
- Nếu không có máu, tiếp tục bơm thuốc từ từ vào cơ thể bệnh nhân.
- Nếu có máu, cần điều chỉnh lại kim (đẩy sâu hơn hoặc rút ra nhẹ) để tránh tiêm vào mạch máu.
Hoàn thành tiêm và sát khuẩn lại
- Sau khi bơm hết thuốc, dùng tay kéo căng nhẹ vùng da để tránh thuốc thoát ra ngoài.
- Rút kim nhanh và sát khuẩn vị trí tiêm bằng bông tẩm cồn.
Hỗ trợ bệnh nhân sau tiêm
Hướng dẫn bệnh nhân nằm lại tư thế thoải mái và theo dõi phản ứng sau tiêm.
Các rủi ro khi tiêm dưới da
Mặc dù tiêm dưới da là phương pháp tiêm khá an toàn, nhưng vẫn có thể xảy ra một số phản ứng không mong muốn, bao gồm:
- Nhiễm trùng và áp xe tại chỗ tiêm: Có thể dẫn đến nhiễm trùng, áp xe hoặc lây truyền các bệnh như viêm gan virus, HIV. Nguyên nhân chủ yếu là do không đảm bảo vô khuẩn trước, trong và sau khi tiêm hoặc do kỹ thuật tiêm không đúng cách.
- Gãy kim, cong kim tiêm: Xảy ra nếu kỹ thuật tiêm không chính xác hoặc người được tiêm giãy giụa, cử động mạnh.
- Sốc phản vệ: Một số người có thể bị sốc phản vệ do phản ứng của cơ thể với thuốc hoặc vắc xin, cần được xử trí kịp thời.
- Chảy máu, tụ máu tại chỗ tiêm: Sau khi tiêm, có thể xuất hiện tình trạng chảy máu hoặc tụ máu nhẹ nếu không kiểm tra và xử lý đúng cách.
- Choáng váng, ngất xỉu: Một số người có thể bị choáng, ngất do đau hoặc tâm lý sợ hãi khi tiêm, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc người sợ kim tiêm.
/nhung_dieu_can_biet_ve_phuong_phap_tiem_duoi_da_4_7c02359bd2.png)
Tiêm dưới da là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả khi được thực hiện đúng cách. Việc xác định chính xác vị trí tiêm, tuân thủ quy trình vô khuẩn và thao tác chuẩn xác giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng cường hiệu quả hấp thụ thuốc hoặc vắc xin. Để đảm bảo an toàn, người thực hiện cần nắm vững kỹ thuật và tuân thủ hướng dẫn y tế. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết, giúp quá trình tiêm diễn ra thuận lợi và an toàn.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu mang đến các dịch vụ tiêm chủng linh hoạt, bao gồm tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, đặt giữ vắc xin trực tiếp hoặc trực tuyến. Với lợi thế vượt trội như kỹ thuật tiêm nhẹ nhàng, ít đau, vắc xin chính hãng phong phú, giá cả hợp lý và hệ thống bảo quản đạt chuẩn GSP, Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng và đáng tin cậy cho khách hàng.