Tìm hiểu chung về thai chết lưu
Thai chết lưu hay còn gọi thai lưu, là tình trạng xảy ra khi thai nhi chết trong bụng mẹ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nhiều người cho rằng thai chết lưu là tình trạng trẻ được sinh ra mà không có nhịp tim. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp thai chết lưu xảy ra khi thai nhi vẫn còn trong tử cung. Mặc dù có thể có trường hợp hiếm là thai nhi chết trong lúc chuyển dạ.
Thai chết lưu là một mất mát thai kỳ, tương tự như sảy thai. Thai chết lưu xảy ra khi thai nhi mất sau tuần thứ 20, trong khi sảy thai là khi thai nhi mất trước tuần thứ 20.
Thai chết lưu được phân loại dựa trên số tuần thai nhi mất:
- Thai chết lưu sớm: Thai nhi mất trong khoảng 20 – 27 tuần.
- Thai chết lưu muộn: Thai nhi mất trong khoảng 28 – 36 tuần.
- Thai chết lưu đủ tháng: Thai nhi mất từ tuần thứ 37 trở đi.
Triệu chứng thai chết lưu
Những dấu hiệu và triệu chứng của thai chết lưu
Thường thì dấu hiệu cảnh báo duy nhất của thai chết lưu là nhận thấy thai nhi không còn hoạt động nhiều như trước. Một số người có thể bị co thắt và xuất huyết âm đạo.
Những triệu chứng này không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thai chết lưu, nhưng bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu cảm thấy có những thay đổi này.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu bất thường như:
- Xuất huyết âm đạo nhiều hoặc kéo dài.
- Đau bụng dữ dội hoặc co thắt kéo dài.
- Sốt, ớn lạnh hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Cảm giác buồn bã, lo âu hoặc trầm cảm kéo dài, đặc biệt nếu ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Việc thăm khám kịp thời giúp theo dõi sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.
/4_91c85d9a80.png)
Nguyên nhân gây thai chết lưu
Khoảng 1/3 trường hợp thai chết lưu không xác định được nguyên nhân. Nguyên nhân có thể rất phức tạp, bao gồm các vấn đề liên quan đến người mẹ, thai nhi hoặc các mô và cơ quan liên quan. Một số nguyên nhân có thể bao gồm:
Nhiễm trùng
Các bệnh truyền nhiễm do virus, ký sinh trùng, vi khuẩn hoặc tác nhân gây bệnh khác chiếm đến 50% số trường hợp thai chết lưu ở các nước đang phát triển và 25% ở các nước phát triển. Đôi khi, nhiễm trùng không có triệu chứng, khiến người mẹ không nhận ra vấn đề cho đến khi xảy ra biến chứng thai kỳ.
Việc chăm sóc tiền sản chất lượng có thể giúp giảm nguy cơ thai chết lưu do nhiễm trùng.
Vấn đề ở nhau thai hoặc dây rốn
Nhau thai là bộ phận giúp người mẹ truyền chất dinh dưỡng cho thai nhi thông qua dây rốn. Nếu có vấn đề với hệ thống này, thai nhi có thể không nhận đủ oxy, máu và chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển.
Nhau bong non (placental abruption) xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi tử cung, là nguyên nhân của 10 – 20% trường hợp thai chết lưu. Dây rốn bị xoắn có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, gây ra khoảng 10% trường hợp thai chết lưu.
Các tình trạng ảnh hưởng đến thai nhi
Một số trường hợp thai nhi phát triển không bình thường hoặc có dị tật bẩm sinh. Thai nhi cũng có thể mắc các bệnh lý di truyền, khiến các cơ quan không thể phát triển và hoạt động bình thường.
Thai chậm phát triển trong tử cung cũng là một nguyên nhân thường gặp gây thai chết lưu do thai nhi không nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Biến chứng thai kỳ
Nguy cơ gặp vấn đề trong thai kỳ cao hơn nếu người mẹ có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, lupus, tăng huyết áp, béo phì hoặc rối loạn đông máu.
Tuy nhiên, mắc bệnh mạn tính không đồng nghĩa với việc chắc chắn gặp biến chứng. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các bệnh lý này để giảm nguy cơ thai chết lưu.
Các biến chứng thai kỳ có thể dẫn đến thai chết lưu bao gồm:
- Tiền sản giật: Tăng huyết áp khởi phát trong nửa sau của thai kỳ.
- Ứ mật thai kỳ: Một dạng bệnh gan xuất hiện muộn trong thai kỳ.
- Sinh non: Sinh non là khi em bé chào đời trước 37 tuần thai.
- Vỡ ối non trên thai non tháng (Preterm premature rupture of membranes): Khi túi ối bao quanh thai nhi bị vỡ quá sớm.
/5_46fb76565a.png)
Nguy cơ dẫn đến thai chết lưu
Những ai có nguy cơ bị thai chết lưu?
Tỷ lệ thai chết lưu khác nhau đáng kể tùy thuộc vào từng khu vực trên thế giới. Các nước đang phát triển có thể ghi nhận đến 22 trường hợp thai chết lưu trên mỗi 1.000 trường hợp sinh. Trong khi đó, tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở các nước phát triển. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, có khoảng 6 trường hợp thai chết lưu trên mỗi 1.000 trường hợp sinh, còn ở Vương quốc Anh, con số này vào khoảng 3,5 trường hợp trên mỗi 1.000 trường hợp sinh. Việc cải thiện chăm sóc trước sinh đã giúp giảm tỷ lệ thai chết lưu trên toàn cầu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ thai chết lưu
Thai chết lưu có thể xảy ra trong bất kỳ thai kỳ nào. Tuy nhiên, sức khỏe, lối sống và môi trường đều ảnh hưởng đến nguy cơ mất thai.
- Tuổi: Tỷ lệ thai chết lưu cao hơn ở thanh thiếu niên và những người từ 35 tuổi trở lên.
- Tình trạng sức khỏe: Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ, bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn đông máu, rối loạn tuyến giáp, lupus và béo phì.
- Loại thai kỳ: Mang thai đôi hoặc đa thai làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
- Biến chứng thai kỳ trước đó: Nguy cơ thai chết lưu cao hơn nếu trước đây bạn đã từng bị thai chết lưu hoặc gặp biến chứng thai kỳ khác, như sinh non.
- Sử dụng chất kích thích: Dùng ma túy, hút thuốc lá và uống rượu bia có thể dẫn đến thai chết lưu. Kết hợp các chất này càng làm tăng nguy cơ.
- Căng thẳng: Đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc sống, bao gồm khó khăn tài chính hoặc vấn đề trong mối quan hệ, có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
- Môi trường và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế: Nguy cơ thai chết lưu cao hơn nếu bạn sống ở nơi có hạn chế về chăm sóc trước sinh.
/6_d26393d43f.png)
Phương pháp chẩn đoán và điều trị thai chết lưu
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm thai chết lưu
Hầu hết các trường hợp thai chết lưu xảy ra trước khi chuyển dạ. Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm để tìm nhịp tim của thai nhi.
Điều trị thai chết lưu
Bác sĩ sẽ đề xuất phương án an toàn nhất để sinh thai nhi đã chết lưu. Điều này sẽ tương tự như khi sinh một em bé còn sống. Đội ngũ y tế sẽ hướng dẫn bạn và cung cấp thuốc giúp giảm đau.
- Gây chuyển dạ: Bác sĩ thường khuyến nghị bắt đầu chuyển dạ càng sớm càng tốt sau khi thai chết lưu. Nếu bạn có tình trạng bệnh lý, việc kích thích chuyển dạ có thể là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Bạn sẽ được dùng thuốc để bắt đầu chuyển dạ trong vòng hai ngày sau khi mất thai.
- Sinh tự nhiên: Bạn có thể chọn chờ đợi để sinh thai nhi. Thông thường, chuyển dạ tự nhiên sẽ diễn ra trong vòng hai tuần sau khi thai nhi đã mất.
- Sinh mổ: Bạn có thể cần mổ lấy thai khẩn cấp nếu sức khỏe của bạn bị đe doạ. Tuy nhiên, sinh mổ hiếm khi được áp dụng trong trường hợp thai chết lưu.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa thai chết lưu
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn khi bị thai chết lưu
Sau khi thai chết lưu, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần người mẹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục.
Chế độ sinh hoạt:
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Giữ lịch sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi tốt hơn.
- Tái khám định kỳ: Theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm các vấn đề có thể phát sinh.
- Hỗ trợ tâm lý: Chia sẻ cảm xúc với chuyên gia hoặc tham gia nhóm hỗ trợ.
- Trò chuyện với người thân: Kết nối với gia đình, bạn bè giúp giảm căng thẳng và cảm giác cô đơn.
- Thư giãn: Áp dụng các phương pháp như thiền, yoga, hít thở sâu để cải thiện tinh thần và giảm lo âu.
/7_e0132308b9.png)
Chế độ dinh dưỡng:
- Dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung protein từ thịt nạc, cá, trứng, đậu, cùng rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng. Bổ sung sắt, axit folic cần thiết, có thể lấy từ rau bina, bông cải xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế thực phẩm không lành mạnh: Tránh đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có cồn, cafein.
Phòng ngừa thai chết lưu
Thông thường không có biện pháp để phòng ngừa thai chết lưu. Bởi vì thai chết lưu thường xảy ra do tình trạng bệnh lý hoặc các biến chứng nằm ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh:
- Tránh sử dụng chất kích thích, thuốc lá và rượu: Lạm dụng các chất này làm tăng nguy cơ thai chết lưu và các biến chứng khác.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Trong thai kỳ, bạn cần tăng lượng calo và ăn thực phẩm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Tránh các thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Trước khi mang thai, hãy cố gắng đạt mức cân nặng phù hợp, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Phòng ngừa nhiễm trùng: Thực hành vệ sinh tốt, như rửa tay thường xuyên và ăn thực phẩm chín kĩ. Tiêm phòng trước khi mang thai đầy đủ.
- Kiểm tra cử động thai nhi mỗi ngày: Từ tuần 26 – 28, hãy làm quen với các cử động của thai nhi. Nếu nhận thấy thai nhi ít hoạt động hơn bình thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.
- Ngủ nghiêng, không nằm ngửa: Sau tuần 28 nên hạn chế nằm ngửa, có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông máu và oxy đến thai nhi.
- Thực hiện các xét nghiệm, siêu âm và theo dõi tim thai định kỳ: Khám thai thường xuyên giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao bị biến chứng thai kỳ.
- Nhận biết các triệu chứng bất thường: Nếu bạn bị đau bụng hoặc xuất huyết âm đạo trong thai kỳ, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.