Cảm nhận được những cú đạp nhẹ từ thai nhi là một trải nghiệm đầy xúc động với nhiều mẹ bầu, nhất là từ giai đoạn giữa thai kỳ. Tuy nhiên, khi thấy thai đạp chủ yếu ở bụng dưới ở tuần 23, không ít mẹ đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu bất ổn hay chỉ là hiện tượng bình thường. Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ về sự phát triển và vị trí của thai nhi trong từng giai đoạn của thai kỳ. Hãy cùng Tiêm chủng Long Châu tìm hiểu về chủ đề: “Thai 23 tuần đạp bụng dưới có bất thường?” qua bài viết dưới đây.
Thai nhi thường đạp ở vị trí nào trong bụng mẹ?
Khi mang thai, một trong những khoảnh khắc khiến mẹ háo hức và xúc động nhất là lần đầu tiên cảm nhận được em bé đạp. Tuy nhiên, không phải cú đạp nào cũng xuất hiện ở cùng một vị trí. Nơi mẹ cảm nhận được chuyển động của thai nhi có thể thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ, tùy thuộc vào tư thế của em bé trong bụng, vị trí nhau thai và sự phát triển của thai nhi theo thời gian.
Trong những tuần đầu, khi bé còn nhỏ xíu và có không gian để “tung tăng”, mẹ thường cảm thấy những cú đạp nhẹ hoặc rung nhẹ ở phần bụng dưới, ngay dưới rốn. Cảm giác này có thể khá mơ hồ, đôi khi giống như tiếng lách cách, một làn sóng lăn tăn, thậm chí nhiều mẹ bầu ban đầu nhầm lẫn đó là cảm giác đói bụng hoặc đầy hơi.

Khi thai nhi bắt đầu lớn hơn và chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung, chuyển động cũng dần trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Vào tam cá nguyệt thứ hai và đặc biệt là tam cá nguyệt thứ ba, mẹ có thể cảm nhận được cú đạp ở nhiều vị trí khác nhau: Từ gần xương sườn phía trên, xuống đến vùng hông, xương chậu.
Nếu nhau thai nằm ở mặt trước tử cung (gọi là rau bám mặt trước), mẹ có thể cảm thấy những chuyển động yếu hơn hoặc muộn hơn một chút, vì lớp nhau thai như một chiếc "gối" giảm bớt độ mạnh của cú đạp. Ngược lại, nếu nhau thai ở mặt sau, mẹ thường cảm nhận các cú đạp rõ ràng và sớm hơn.
Vào cuối thai kỳ, khi bé đã khá chật chội trong bụng mẹ, các chuyển động có thể trông như làn sóng lăn nhẹ qua thành bụng và đôi khi mẹ sẽ thấy bụng mình “nhô” lên rõ rệt mỗi khi bé xoay người hoặc duỗi chân tay. Những cú đạp lúc này có thể mạnh đến mức khiến mẹ giật mình, đau bụng lâm râm hoặc phải thay đổi tư thế để dễ chịu hơn.

Thai 23 tuần đạp bụng dưới có bất thường?
Khi bước vào tuần thứ 23 của thai kỳ, việc cảm nhận được những cú đạp của em bé là điều hoàn toàn bình thường và cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy bé đang phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu thường thắc mắc vì sao mình lại cảm thấy các chuyển động đó tập trung ở vùng bụng dưới và liệu điều này có đáng lo hay không.
Trên thực tế, vị trí cảm nhận được cú đạp phụ thuộc vào tư thế của thai nhi trong tử cung. Ở tuần 23, thai nhi vẫn còn khá nhiều không gian để di chuyển, xoay người, đổi tư thế liên tục. Nếu đầu bé hướng lên trên và chân hướng xuống dưới, mẹ sẽ cảm nhận những cú đạp ở phần bụng dưới, do chân tiếp xúc gần thành bụng ở vị trí này. Vì vậy, việc thai đạp ở bụng dưới lúc này là hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường hay đáng lo.

Quan trọng hơn hết, bạn nên chú ý đến tần suất và tính chất chuyển động của thai nhi, thay vì chỉ tập trung vào vị trí. Miễn là bé vẫn đạp đều, phản ứng khi mẹ thay đổi tư thế hoặc ăn uống, thì những cú đạp ở bụng dưới là hoàn toàn bình thường.
Mẹ bầu không cảm nhận được thai đạp bụng thì phải làm sao?
Không phải lúc nào mẹ cũng dễ dàng cảm nhận được các chuyển động này, nhất là trong những giai đoạn đầu. Điều đó có thể khiến mẹ lo lắng, nhưng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu bất thường.
Ở tam cá nguyệt thứ hai, đặc biệt là trước tuần thứ 25, thai nhi còn nhỏ và có nhiều không gian trong tử cung để xoay trở, nên không phải cú đá nào cũng đủ mạnh để mẹ cảm nhận được. Chỉ khi thai lớn hơn và cử động mạnh hơn, mẹ mới thường xuyên cảm nhận được chuyển động rõ ràng.
Khi bước vào tam cá nguyệt thứ ba, đặc biệt là từ tuần 28 trở đi, các bác sĩ thường khuyên mẹ nên chú ý theo dõi thai máy, tức là các cử động của em bé. Một phương pháp đơn giản là chọn một thời điểm trong ngày mà bé hay hoạt động (thường là buổi tối), ngồi yên hoặc nằm nghiêng bên trái và đếm số lần bé đạp. Nếu trong vòng 2 giờ mẹ không cảm nhận được ít nhất 10 lần chuyển động của thai, hoặc cảm thấy chuyển động giảm rõ rệt, đó có thể là dấu hiệu cần theo dõi và khám thai ngay.
Trong trường hợp không cảm thấy cử động thai, mẹ có thể thử một số cách để kích thích bé đạp:
- Nằm nghỉ và tập trung theo dõi: Khi mẹ di chuyển suốt ngày, chuyển động của mẹ có thể khiến bé ngủ. Khi mẹ nằm yên, bé có thể “thức giấc” và bắt đầu hoạt động trở lại.
- Mẹ ăn hoặc uống thứ gì đó có thể khiến bé phản ứng.
- Nói chuyện hoặc bật nhạc: Từ tuần 25 trở đi, thính giác của bé đã phát triển và có thể phản ứng với âm thanh quen thuộc.

Dù vậy, không cảm nhận được chuyển động không phải lúc nào cũng là bất thường, bé có thể chỉ đang ngủ hoặc quay về hướng khó cảm nhận. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy lo lắng, đặc biệt là khi các chuyển động giảm rõ rệt hoặc ngừng hoàn toàn, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để kiểm tra.
Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi: “Thai 23 tuần đạp bụng dưới có bất thường?”. Tóm lại, việc thai 23 tuần đạp ở vùng bụng dưới thường là hiện tượng bình thường và phản ánh vị trí của thai nhi trong tử cung tại thời điểm đó. Theo dõi chuyển động của bé thường xuyên và khám thai định kỳ là cách tốt nhất để đảm bảo thai kỳ an toàn và phát triển khỏe mạnh.