Tiêm phòng vắc xin là một phương pháp hữu hiệu để phòng tránh khỏi nhiều bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi tiêm, trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ như sốt, sưng đau tại vị trí tiêm. Trong đó, sốt là tình trạng phổ biến khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức cần thiết về cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng sẽ giúp bố mẹ chăm sóc bé tốt hơn.
Sốt sau khi tiêm phòng có phải nguy hiểm?
Sốt là gì?
Sốt là một phản ứng tự nhiên khi hệ thống miễn dịch nhận diện và chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Đây là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức bình thường (thường trên 37°C) với các dấu hiệu đi kèm như da nóng, đỏ bừng, ra mồ hôi nhiều hoặc ớn lạnh, mệt mỏi, quấy khóc,...
Ở trẻ em, trường hợp sốt quá cao và kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, co giật, thậm chí tổn thương não đe dọa tính mạng. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao và can thiệp kịp thời để hạ sốt an toàn cho bé.
Tại sao trẻ thường bị sốt sau khi tiêm phòng?
Sau khi tiêm phòng, nhiều trẻ có thể bị sốt nhẹ, thậm chí sốt cao. Tuy nhiên, đây là phản ứng bình thường của cơ thể và cho thấy vắc xin đang hoạt động để xây dựng nên hàng rào bảo vệ cơ thể, chống lại tác nhân gây bệnh nếu gặp lại sau này. Vắc xin kích hoạt hệ miễn dịch theo ba bước:
- Nhận diện tác nhân lạ: Vắc xin chứa vi khuẩn/virus gây bệnh đã suy yếu hoặc bất hoạt hoặc một phần cấu trúc của chúng. Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận diện đây là "tác nhân lạ" và kích hoạt phản ứng phòng thủ.
- Sản xuất kháng thể: Cơ thể tạo ra các kháng thể lưu hành trong máu, giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
- Ghi nhớ và bảo vệ lâu dài: Nếu sau này trẻ tiếp xúc với mầm bệnh thực sự, hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt trước khi gây bệnh.
Quá trình kích hoạt miễn dịch, hình thành kháng thể này có thể khiến cơ thể phản ứng bằng cách tăng thân nhiệt, gây ra tình trạng sốt. Vì thế, bố mẹ cần nắm rõ các cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho trẻ.
/1_2143644479.png)
Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng
Sau khi tiêm phòng, bao lâu thì trẻ có thể bị sốt?
Thời gian trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng phụ thuộc vào từng loại vắc xin cụ thể và cơ địa của mỗi bé. Tuy nhiên, thông thường, trẻ có thể bị sốt trong khoảng 24 – 48 giờ sau tiêm, và cơn sốt sẽ tự thuyên giảm trong 1 – 2 ngày. Bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của bé thường xuyên để xác định mức độ sốt. Và tùy vào từng mức độ mà bố mẹ có những biện pháp xử lý phù hợp.
- Sốt nhẹ: 37,5°C – 38,5°C;
- Sốt vừa: 38,5°C – 39°C;
- Sốt cao: Trên 39°C.
/2_0b4f517684.png)
Các cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng an toàn và hiệu quả
Cho trẻ uống nhiều nước
Khi sốt, trẻ dễ mất nước do đổ mồ hôi. Bổ sung đủ nước giúp hạ nhiệt và hạn chế nguy cơ mất nước.
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên cho bú mẹ nhiều hơn để bổ sung nước và tăng sức đề kháng.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể bổ sung nước lọc, nước trái cây hoặc dung dịch bù nước điện giải (Oresol) nếu có dấu hiệu mất nước. Nước giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng và hạn chế nguy cơ mất nước do sốt.
Mặc quần áo thoáng mát, giữ môi trường thông thoáng
Nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng cao khi sốt, môi trường xung quanh và quần áo trẻ mặc có thể khiến trẻ khó chịu hơn nên cần được lưu ý.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
- Giữ phòng ở nhiệt độ 27 – 28°C, thoáng khí.
- Tránh đắp chăn kín hoặc mặc quần áo quá dày, điều này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Lau mát cho trẻ đúng cách
Dùng khăn mềm nhúng nước ấm (~37°C), lau vùng trán, nách, bẹn, bàn tay, bàn chân. Không dùng nước quá lạnh hoặc chườm đá, vì có thể làm trẻ run, co mạch ngoại vi và khiến thân nhiệt tăng cao hơn.
/huong_dan_bo_me_cach_ha_sot_cho_tre_sau_khi_tiem_phong_an_toan_va_hieu_qua_3_7ccb05edbf.png)
Sử dụng thuốc hạ sốt khi cần thiết
Nếu trẻ sốt trên 38,5°C, có thể dùng thuốc hạ sốt như: Paracetamol với liều lượng phù theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ nôn nhiều hoặc không uống được thuốc, có thể dùng viên đạn hạ sốt đặt hậu môn.
/4_Cropped_74c9625712.png)
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
Trẻ sau tiêm phòng có thể quấy khóc do sốt hoặc đau tại chỗ tiêm. Hạn chế để trẻ vận động quá nhiều, tạo môi trường yên tĩnh để bé có giấc ngủ sâu, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Mặc dù, sốt sau tiêm phòng thường là phản ứng bình thường, nhưng nếu trẻ có các dấu hiệu sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
- Sốt cao trên 39°C, kéo dài trên 48 giờ và không giảm mặc dù đã áp dụng các cách hạ sốt ở trẻ sau khi tiêm phòng nêu trên;
- Co giật, khó thở, tím tái, lừ đừ, ngủ li bì, khó đánh thức;
- Bỏ bú hoàn toàn, nôn ói liên tục;
- Vùng tiêm sưng đỏ nghiêm trọng, phát ban toàn thân.
Sốt sau tiêm phòng là một phản ứng thường gặp, tuy nhiên không được chủ quan. Bố mẹ cần biết cách hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng để giúp bé dễ chịu hơn và hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Hy vọng với những hướng dẫn trên, bố mẹ sẽ tự tin hơn trong việc chăm sóc bé sau khi tiêm phòng, đảm bảo con yêu khỏe mạnh và phát triển tốt.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào cung cấp các loại vắc xin phòng bệnh giúp bảo vệ sức khỏe khỏi các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Vắc xin tại Long Châu đều là thế hệ mới nhất, nhập khẩu chính hãng, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ tư vấn tận tâm, chúng tôi cam kết mang đến trải nghiệm tiêm chủng an toàn, chuyên nghiệp.
Xem thêm: