Sự phát triển ngôn ngữ là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có tiến trình phát triển ngôn ngữ như nhau. Một số trẻ có thể chậm biết nói, chậm ghép từ, hoặc không phản ứng lại với lời gọi của người lớn. Đây chính là biểu hiện của tình trạng trẻ chậm nói - một vấn đề mà ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm. Theo các chuyên gia, phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ hiệu quả hơn. Vậy trẻ chậm nói là gì? Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về ngôn ngữ? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết ngay sau đây.
Trẻ chậm nói là gì?
Trẻ chậm nói là những trẻ có tốc độ phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với các mốc phát triển thông thường. Trẻ có thể chậm nói từng từ đầu tiên, khó khăn trong việc ghép câu, không phản ứng với âm thanh hoặc không hiểu được lời người lớn. Tuy nhiên, tình trạng này không đồng nghĩa với việc trẻ có vấn đề trí tuệ, mà có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngôn ngữ là một kỹ năng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của não bộ, thính giác và khả năng vận động miệng – lưỡi. Bất kỳ khía cạnh nào gặp vấn đề cũng có thể khiến trẻ chậm nói.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Tùy vào từng giai đoạn phát triển, trẻ có thể biểu hiện tình trạng chậm nói theo những cách khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp cho thấy trẻ chậm nói ở các độ tuổi:
- Giai đoạn 12 tháng tuổi: Trẻ chưa có phản ứng bắt chước âm thanh hoặc không lặp lại lời người lớn. Không sử dụng các cử chỉ giao tiếp thông thường như chỉ tay, vẫy chào hay gật/lắc đầu.
- Giai đoạn 18 tháng tuổi: Trẻ thường sử dụng hành động, cử chỉ để biểu đạt nhu cầu hơn là dùng từ ngữ. Gặp khó khăn trong việc hiểu và làm theo những chỉ dẫn đơn giản bằng lời.
- Giai đoạn 24 tháng tuổi: Trẻ chỉ biết bắt chước lời nói hoặc hành động của người khác mà chưa chủ động nói ra mong muốn của mình. Vốn từ còn rất hạn chế, chỉ nói được vài từ đơn lẻ, chưa biết tự tạo câu. Có xu hướng lặp lại lời nói của người khác một cách máy móc mà không hiểu rõ ý nghĩa. Âm điệu khi nói có thể bất thường hoặc khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa.
- Giai đoạn 36 tháng tuổi: Trẻ chưa thể ghép các từ để tạo thành câu diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ hoặc yêu cầu. Từ vựng còn nghèo nàn, không gọi được tên những vật dụng quen thuộc. Cách phát âm chưa rõ ràng, thậm chí ngay cả người thân trong gia đình cũng khó hiểu được nội dung trẻ muốn nói.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
Nguyên nhân sinh lý
- Vấn đề thính giác: Trẻ bị viêm tai giữa tái phát hoặc điếc bẩm sinh không phát hiện sớm sẽ khó nghe và từ đó không học được cách phát âm đúng.
- Rối loạn phát triển thần kinh: Trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, bại não,… thường có biểu hiện chậm nói.
- Dị tật bẩm sinh cơ quan phát âm: Lưỡi dính, hở hàm ếch, vấn đề về thanh quản có thể ảnh hưởng đến khả năng phát âm. Ngoài ra, tổn thương ở não bộ, chẳng hạn như di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não hay dị tật bẩm sinh có thể khiến trẻ chậm nói.

Nguyên nhân môi trường
- Thiếu giao tiếp: Trẻ không được người lớn trò chuyện, kể chuyện, đọc sách thường xuyên.
- Tiếp xúc thiết bị điện tử quá sớm: Việc cho trẻ xem tivi, điện thoại nhiều khiến trẻ bị động, không tương tác hai chiều nên chậm phát triển ngôn ngữ.
- Môi trường đa ngôn ngữ: Với gia đình nói hai ngôn ngữ, trẻ có thể mất thời gian dài hơn để xử lý và học ngôn ngữ.

Cách can thiệp khi trẻ chậm nói
Đưa trẻ đi khám đánh giá
Nếu phụ huynh nghi ngờ trẻ chậm nói, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Tâm lý hoặc chuyên khoa Phục hồi chức năng để đánh giá toàn diện về ngôn ngữ, thính lực, trí tuệ, hành vi. Một số xét nghiệm, đo thính lực hoặc test phát triển ngôn ngữ sẽ được thực hiện.
Tập nói cho trẻ tại nhà
Cha mẹ có thể áp dụng một số cách đơn giản tại nhà để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn:
- Tăng tương tác giao tiếp: Trò chuyện, hát, kể chuyện cho trẻ mỗi ngày.
- Sử dụng đồ chơi ngôn ngữ: Như sách tranh, flashcard, đồ vật mô hình giúp trẻ nhận biết và phát âm.
- Phản hồi tích cực: Khen ngợi và lặp lại lời trẻ để củng cố việc học ngôn ngữ.
- Hạn chế thiết bị điện tử: Thay vào đó hãy chơi cùng trẻ bằng các hoạt động vận động, tương tác.

Trị liệu ngôn ngữ chuyên sâu
Với các trường hợp nặng, cần đưa trẻ đi trị liệu ngôn ngữ cùng các chuyên viên. Các chương trình can thiệp này được xây dựng riêng cho từng trẻ, giúp trẻ rèn luyện phát âm, từ vựng, kỹ năng giao tiếp một cách bài bản. Trẻ càng được can thiệp sớm, hiệu quả phục hồi ngôn ngữ càng cao.

Trẻ chậm nói là vấn đề có thể can thiệp hiệu quả nếu được phát hiện và xử lý đúng cách. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách hỗ trợ sẽ giúp phụ huynh chủ động hơn trong hành trình phát triển ngôn ngữ cho con. Đừng ngần ngại đưa trẻ đi khám chuyên khoa nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Với tình yêu thương và đồng hành từ gia đình, trẻ hoàn toàn có cơ hội phát triển ngôn ngữ và hòa nhập tốt với cộng đồng.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu – Đồng hành cùng sức khỏe gia đình bạn! Tại Long Châu, chúng tôi cung cấp đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em và người lớn, với đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, không gian sạch sẽ, thoáng mát, quy trình tiêm an toàn – nhanh chóng – không phải chờ lâu. Đặt lịch tiêm dễ dàng ngay hôm nay tại các cơ sở gần nhất hoặc truy cập website để được tư vấn miễn phí!