icon_app_03735b6399_696a3c8baf_193690009b

Tải ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu để xem sổ tiêm chủng điện tử

Mở trong ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

470051785_8767135473405056_691967411107495592_n_6b2bbff755467434554_545745841560409_1066418224364723785_n_560a494f9c
so_anh_sang1_f4531a1bfeso_anh_sang1_f4531a1bfe

Sợ ánh sáng là gì? Những vấn đề cần biết về sợ ánh sáng

Thu Thảo30/04/2025

Sợ ánh sáng hay nhạy cảm với ánh sáng kiến người mắc bệnh cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng. Tình trạng này có thể là một bệnh lý tại mắt, một bệnh lý thần kinh hoặc bệnh toàn thân khác. Bạn nên đến gặp các bác sĩ đề được kiểm tra càng sớm càng tốt nếu tình trạng này kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa chứng sợ ánh sáng

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến nặng của sợ ánh sáng

Ngoài các phương pháp điều trị y tế, một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn quản lý và giảm bớt các triệu chứng của chứng sợ ánh sáng:

Chế độ sinh hoạt

  • Tránh ánh sáng mạnh: Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp, đèn huỳnh quang mạnh và các nguồn sáng chói khác.

  • Sử dụng kính râm: Đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài trời, ngay cả trong những ngày nhiều mây.

  • Điều chỉnh ánh sáng trong nhà: Sử dụng rèm cửa, mành che hoặc phim dán cửa sổ để giảm lượng ánh sáng chiếu vào nhà. Sử dụng đèn có ánh sáng dịu nhẹ và tránh đèn huỳnh quang nếu chúng gây khó chịu.

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Đảm bảo ngủ đủ giấc và duy trì lịch trình ngủ đều đặn.

  • Quản lý căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc các bài tập thư giãn khác.

  • Tránh các tác nhân kích thích: Xác định và tránh các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm chứng sợ ánh sáng như ánh sáng nhấp nháy, tiếng ồn lớn hoặc một số loại thực phẩm nhất định.

so-anh-sang5.jpg
Đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài trời, ngay cả trong những ngày nhiều mây

Chế độ dinh dưỡng

  • Uống đủ nước: Duy trì đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể để giúp ngăn ngừa khô mắt.

  • Chế độ ăn uống cân bằng: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất. Một nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin D đường uống có tác động tích cực đến bề mặt nhãn cầu ở những người bị khô mắt và/hoặc thiếu vitamin D.

  • Hạn chế caffeine và rượu: Các chất này có thể làm trầm trọng thêm một số tình trạng liên quan đến chứng sợ ánh sáng, chẳng hạn như đau nửa đầu và khô mắt.

Phương pháp phòng ngừa sợ ánh sáng hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa chứng sợ ánh sáng như:

  • Quản lý đau nửa đầu: Đối với những người bị đau nửa đầu, việc sử dụng thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ và tránh các yếu tố kích thích có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu từ đó giảm nguy cơ bị sợ ánh sáng.

  • Điều trị khô mắt: Sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo thường xuyên và thực hiện các biện pháp chăm sóc mắt khác theo khuyến cáo của bác sĩ nhãn khoa có thể giúp ngăn ngừa chứng sợ ánh sáng do khô mắt.

  • Bảo vệ mắt khỏi tác động bên ngoài: Đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nguy cơ gây tổn thương mắt, bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính râm chống tia UV khi ra ngoài trời.

  • Điều chỉnh ánh sáng trong môi trường sống và làm việc: Đảm bảo ánh sáng vừa phải, không quá chói hoặc quá tối.

  • Nghỉ ngơi mắt khi sử dụng thiết bị điện tử: Thực hiện quy tắc 20-20-20 cứ 20 phút nhìn vào màn hình, hãy nhìn vào một vật cách xa 20 feet trong 20 giây để giảm mỏi mắt.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị chứng sợ ánh sáng

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sợ ánh sáng

Việc chẩn đoán chứng sợ ánh sáng thường dựa trên tiền sử bệnh và khám mắt toàn diện. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, thời điểm xuất hiện, mức độ nghiêm trọng và các yếu tố làm tăng hoặc giảm triệu chứng sợ ánh sáng và các triệu chứng kèm theo.

  • Khám mắt: Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực, phản xạ đồng tử, cử động mắt và sức khỏe tổng thể của mắt để tìm các dấu hiệu của bệnh lý về mắt có thể gây ra chứng sợ ánh sáng.

  • Hỏi tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử các bệnh lý thần kinh, các rối loạn tâm thần, các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử chấn thương.

  • Các xét nghiệm khác: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây ra chứng sợ ánh sáng, chẳng hạn như xét nghiệm máu, chụp ảnh não (MRI hoặc CT scan) nếu nghi ngờ các vấn đề thần kinh.

  • Bảng câu hỏi về sợ ánh sáng: Các bảng câu hỏi chuyên biệt có thể được sử dụng để đánh giá mức độ và tác động của chứng sợ ánh sáng.

So-anh-sang-là-gi-nhung-van-de-can-biet-ve-so-anh-sang3.jpg
Khám mắt giúp kiểm tra các vấn đề có thể gây chứng sợ ánh sáng ở mắt

Phương pháp điều trị sợ ánh sáng

Mục tiêu chính của việc điều trị chứng sợ ánh sáng là giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra triệu chứng. Khi nguyên nhân được xác định và điều trị, chứng sợ ánh sáng thường sẽ giảm hoặc biến mất.

  • Điều trị các bệnh lý về mắt: Nếu chứng sợ ánh sáng là do các bệnh lý về mắt như khô mắt, viêm nhiễm hoặc rối loạn võng mạc thì việc điều trị các tình trạng này là rất quan trọng. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống hoặc các phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể.

  • Điều trị các vấn đề thần kinh: Đối với chứng sợ ánh sáng liên quan đến đau nửa đầu, các phương pháp điều trị đau nửa đầu như thuốc giảm đau cấp tính (triptans) và thuốc dự phòng (galcanezumab) có thể giúp giảm cả đau đầu và chứng sợ ánh sáng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng galcanezumab có hiệu quả trong việc giảm đáng kể tần suất đau đầu, số ngày đau nửa đầu, tiêu thụ thuốc giảm đau và mức độ tàn tật do đau nửa đầu, đồng thời cải thiện đáng kể chứng sợ ánh sáng ở bệnh nhân đau nửa đầu tần suất cao từng cơn và đau nửa đầu mạn tính.

  • Điều chỉnh thuốc: Nếu nghi ngờ thuốc đang dùng gây ra chứng sợ ánh sáng, bác sĩ có thể xem xét điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác.

Nội khoa

Các phương pháp điều trị nội khoa cho chứng sợ ánh sáng bao gồm:

  • Thuốc: Sử dụng thuốc để điều trị các bệnh lý tiềm ẩn như đau nửa đầu, viêm nhiễm hoặc rối loạn lo âu.

  • Kính râm và kính lọc màu: Đeo kính râm đặc biệt là kính có khả năng chặn tia UV, có thể giúp giảm độ chói và bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh. Một số loại kính lọc màu, chẳng hạn như kính FL-41 (màu hồng), đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm chứng sợ ánh sáng ở những người bị đau nửa đầu và co thắt mi. Nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh lam, đỏ và trắng tạo ra biên độ sóng a lớn hơn đáng kể so với ánh sáng xanh lục trong điện võng mạc đồ (ERG) ở bệnh nhân đau nửa đầu. Ánh sáng xanh lục cũng ít có khả năng làm trầm trọng thêm đau nửa đầu hoặc gây ra cảm xúc tiêu cực.

  • Liệu pháp ánh sáng: Đối với một số tình trạng như rối loạn cảm xúc theo mùa, liệu pháp ánh sáng được sử dụng nhưng cần theo dõi và điều chỉnh để tránh gây khó chịu mắt.

  • Botulinum toxin A: Trong một số trường hợp, tiêm botulinum toxin A có thể giúp giảm chứng sợ ánh sáng liên quan đến co thắt mi hoặc hội chứng photo-oculodynia.

Ngoại khoa

Phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị trực tiếp cho chứng sợ ánh sáng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật có thể được cân nhắc để điều trị các bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng gây ra chứng sợ ánh sáng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác chẳng hạn như:

Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Nếu sợ ánh sáng là do khối u chèn ép các dây thần kinh thị giác.

Múc bỏ mắt: Trong trường hợp mắt bị mù, đau nhức dữ dội và gây ra chứng sợ ánh sáng không thể kiểm soát, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật múc bỏ mắt để giảm đau và khó chịu.

Nguy cơ mắc phải chứng sợ ánh sáng

Những ai có nguy cơ mắc phải sợ ánh sáng?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ gặp vấn đề này, tuy nhiên những người mắc các bệnh lý liên quan đến chứng sợ ánh sáng như đau nửa đầu, bệnh lý về mắt, thần kinh thị,... thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sợ ánh sáng

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc phải chứng sợ ánh sáng:

  • Tiền sử gia đình có người bị đau nửa đầu hoặc các tình trạng liên quan đến nhạy cảm ánh sáng.
  • Môi trường sống hoặc làm việc có ánh sáng mạnh hoặc ánh sáng nhấp nháy.
  • Sử dụng kính áp tròng không đúng cách hoặc trong thời gian dài.
  • Tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử.

Nguyên nhân gây sợ ánh sáng

Chứng sợ ánh sáng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các bệnh lý về mắt, các vấn đề thần kinh, một số bệnh toàn thân và tác dụng phụ của thuốc.

Các bệnh lý về mắt

  • Khô mắt: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng sợ ánh sáng. Tình trạng này xảy ra khi mắt không sản xuất đủ nước mắt hoặc nước mắt bốc hơi quá nhanh dẫn đến kích ứng và nhạy cảm với ánh sáng.

  • Viêm nhiễm mắt: Các tình trạng viêm như viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, viêm kết mạc và viêm giác mạc có thể gây ra đau và nhạy cảm với ánh sáng.

  • Các bệnh lý giác mạc: Bệnh thần kinh giác mạc, viêm giác mạc có thể gây ra chứng sợ ánh sáng.

  • Các rối loạn võng mạc: Loạn dưỡng võng mạc, bệnh bạch tạng, bệnh mù màu hoàn toàn, thoái hóa tế bào nón và viêm võng mạc sắc tố đều có thể gây ra nhạy cảm với ánh sáng.

  • Các tình trạng khác: Tổn thương hoặc trầy xước giác mạc, giãn đồng tử, phẫu thuật mắt gần đây cũng có thể gây ra tình trạng .

Các vấn đề thần kinh

  • Đau nửa đầu (Migraine): Sợ ánh sáng là một triệu chứng phổ biến trong các cơn đau nửa đầu. Nghiên cứu cho thấy rằng sự kích hoạt các neuron tam giác do ánh sáng có thể góp phần gây ra đau đầu ở người bị đau nửa đầu. Calcitonin gene-related peptide (CGRP) đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh của đau nửa đầu, chứng sợ ánh sáng và các triệu chứng khác. 

  • Viêm màng não và xuất huyết dưới nhện: Các tình trạng gây kích ứng màng não có thể dẫn đến chứng sợ ánh sáng dữ dội.

  • Chấn thương sọ não: Sợ ánh sáng là một triệu chứng thường gặp sau chấn thương sọ não. Nhiều trường hợp có thể có sự chồng lấp giữa đau đầu giống đau nửa đầu và sợ ánh sáng sau TBI.

  • Co thắt mi: Đây là một rối loạn thần kinh gây ra các cơn co thắt không kiểm soát của cơ mí mắt thường đi kèm với chứng sợ ánh sáng.

  • Liệt trên nhân tiến triển: Một rối loạn thoái hóa thần kinh có thể gây ra sợ ánh sáng.

  • Khối u vùng chéo thị giác: Sợ ánh sáng có thể là triệu chứng thị giác đầu tiên của sự chèn ép thần kinh thị giác.

So-anh-sang-là-gi-nhung-van-de-can-biet-ve-so-anh-sang4.jpg
Đau nửa đầu là nguyên nhân thường gặp nhất của chứng sợ ánh sáng

Các rối loạn tâm thần

  • Rối loạn cảm xúc: Nhạy cảm với ánh sáng có thể xảy ra ở những người mắc các rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn hoảng hoạn,...

  • Trầm cảm: Một số người bị trầm cảm cũng có thể trải qua chứng sợ ánh sáng. Liệu pháp ánh sáng mạnh được sử dụng để điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa cũng có thể gây ra khó chịu mắt ở một số bệnh nhân.

  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra chứng sợ ánh sáng như một tác  dụng phụ (biturates, benzodiazepines, chloroquine, methylphenidate, haldol và zoledronate).

Triệu chứng thường gặp của chứng sợ ánh sáng

Những triệu chứng của sợ ánh sáng

Người bị chứng sợ ánh sáng có thể trải qua một loạt các triệu chứng khi tiếp xúc với ánh sáng gồm:

  • Cảm giác khó chịu hoặc đau nhức ở mắt.
  • Nhu cầu nheo mắt hoặc nhắm mắt.
  • Chảy nước mắt.
  • Đau đầu.
  • Cảm giác cộm xốn trong mắt.
  • Mờ mắt.
  • Xu hướng tránh ánh sáng và tìm kiếm bóng râm.
So-anh-sang-là-gi-nhung-van-de-can-biet-ve-so-anh-sang2.jpg
Sợ ánh sáng là sự khó chịu hoặc đau mắt khi tiếp xúc với ánh sáng

Tác động của sợ ánh sáng với sức khỏe 

Chứng sợ ánh sáng có thể tác động đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người. Những người bị sợ ánh sáng nghiêm trọng có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, làm việc hoặc tham gia vào các hoạt động xã hội. Họ có thể phải điều chỉnh môi trường sống và làm việc để giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng như sử dụng rèm cửa dày, đeo kính râm ngay cả trong nhà. Ngoài ra, việc cố gắng tránh ánh sáng quá mức có thể dẫn đến:

  • Giảm tương tác xã hội: Người bệnh có thể tránh các hoạt động ngoài trời hoặc những nơi có ánh sáng mạnh dẫn đến cô lập xã hội.

  • Ảnh hưởng đến công việc và học tập: Khó khăn trong việc đọc, làm việc trên máy tính hoặc ở những môi trường có ánh sáng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập.

  • Gia tăng lo âu và trầm cảm: Sự khó chịu liên tục và những hạn chế trong cuộc sống do sợ ánh sáng có thể góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Biến chứng có thể gặp sợ ánh sáng

Bản thân chứng sợ ánh sáng không phải là một bệnh và không trực tiếp gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể là triệu chứng của các bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn gặp phải chứng sợ ánh sáng đặc biệt là khi chứng sợ ánh sáng xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng như sợ ánh sáng kèm với các triệu chứng khác như đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa hoặc cứng cổ, ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày của bạn. Việc xác định nguyên nhân gây ra chứng sợ ánh sáng là rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tìm hiểu chung về chứng sợ ánh sáng

Sợ ánh sáng là một triệu chứng đặc trưng bởi sự nhạy cảm bất thường đối với ánh sáng. Tình trạng này có thể là cảm giác khó chịu, đau đớn buộc phải nheo mắt hoặc tránh khỏi nguồn sáng. Sợ ánh sáng không phải là một bệnh mà là một triệu chứng có thể phát sinh từ nhiều tình trạng y tế khác nhau, ảnh hưởng đến mắt, hệ thần kinh hoặc toàn thân. Mức độ nghiêm trọng của chứng sợ ánh sáng có thể khác nhau ở mỗi người, từ khó chịu nhẹ đến đau dữ dội ngay cả với ánh sáng mờ.

Miễn trừ trách nhiệm

Thông tin này chỉ có tính tham khảo, không dùng để thay thế ý kiến tham vấn của chuyên viên Y tế. Bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn.
Bác sĩ tư vấn: 1800 6928

Câu hỏi thường gặp

Sợ ánh sáng là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý. Nó có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng y tế khác nhau liên quan đến bệnh lý tại mắt, bệnh lý thần kinh và tâm thần. Mỗi bệnh có mức độ tiên lượng nặng nhẹ khác nhau. Điều trị nguyên nhân gây bệnh giúp giảm chứng sợ ánh sáng.

Nghiên cứu cho thấy ánh sáng trắng, xanh lam và đỏ thường gây khó chịu hơn ánh sáng xanh lục ở những người bị đau nửa đầu. Trong khi ánh sáng xanh lục ít có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng đau nửa đầu. Tuy nhiên, sự nhạy cảm với các màu sắc khác nhau có thể khác nhau ở mỗi người.

Kính râm đặc biệt là kính có khả năng chặn tia UV, có thể giúp giảm độ chói và bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh, từ đó giảm bớt các triệu chứng sợ ánh sáng. Một số loại kính lọc màu đặc biệt cũng có thể hữu ích hơn trong các bệnh lý cụ thể.

Không nên tránh hoàn toàn ánh sáng khi mắc bệnh vì điều này có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học và tâm trạng của bạn. Thay vào đó, hãy cố gắng quản lý việc tiếp xúc với ánh sáng và sử dụng các biện pháp bảo vệ mắt khi cần thiết.

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu chứng sợ ánh sáng xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng, đi kèm với các triệu chứng khác như đau mắt, giảm thị lực hoặc đau đầu dữ dội hoặc nếu nó ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của bạn.